(SGGP).- Ngày 18-3, Văn phòng Trung ương Đảng phối hợp cùng Trường ĐH Mở TPHCM tổ chức tọa đàm “Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công, đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục”.
Để thật sự đổi mới dịch vụ giáo dục công, nhiều đại biểu khẳng định phải thay đổi từ gốc, trước nhất là tăng chi phí đào tạo đối với giáo dục đại học nhằm nâng cao chất lượng đầu ra, đồng thời giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường ĐH công lập.
GS Phạm Phụ, ĐH Bách khoa TPHCM dẫn chứng: Chúng ta đang đứng trước một vòng luẩn quẩn trong giáo dục: Chi phí đào tạo thấp dẫn đến chất lượng đào tạo thấp, sinh viên ra trường nhận mức thu nhập cũng thấp tương tự. Chi phí đầu tư chỉ khoảng 400 - 500 USD/năm/sinh viên là con số quá thấp so với các nước như Mỹ là 22.000 USD/năm, các nước trong khu vực là 5.000 - 7.000 USD… thì không thể đòi hỏi chất lượng tương đương, cạnh tranh. Ngân sách chung có giới hạn, vì vậy, chúng ta phải dựa vào sự đóng góp của các nguồn lực xã hội, đó là học phí, đóng góp của doanh nghiệp… nhưng các trường ĐH lại bị kiểm soát quá chặt bởi “trần học phí”. ThS Đặng Văn Thanh, ĐH Mở TPHCM, cho rằng nếu học phí cao mà chất lượng, môi trường tốt, các bậc phụ huynh sẽ đồng ý.
Vì vậy, theo TS Phạm Thị Ly, ĐHQG TPHCM, cần đổi mới cơ chế thu học phí nhưng không phải theo lối cào bằng mà phải gắn với chính sách học bổng, hỗ trợ, cho vay tín dụng. PGS-TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng ĐH Quốc tế, đề xuất, nên trao cho các trường ĐH trọng điểm được quyền xác lập mức học phí, xóa bỏ cơ chế bao cấp và bình quân trong chính sách học phí. Chúng ta nên coi chất lượng đào tạo ở các trường như một sản phẩm. Chất lượng cao thì giá thành sẽ cao. Người học không ai bỏ tiền ra nhiều mà lại học ở một nơi cơ sở vật chất không tốt, chất lượng đào tạo kém. Do đó, tự chủ học phí phải gắn với chất lượng đào tạo, chất lượng đầu ra.
T. HÀ