Càng gần Tết người ta càng tất bật chạy ngược chạy xuôi. Người ráng làm cho xong công trình đã hẹn, người cố kiếm cho đủ số tiền đã hứa gửi về quê. Người chạy giao quà, người chạy nhận cho đủ số lợi tức cuối năm. Chỉ còn ít người như bạn và tôi ngồi cà phê, đọc báo, ngẫm sự đời, và tự hỏi tại sao người ta lại phải quay như chong chóng như vậy trước Tết?
Rất ít người trong số đông đó hiểu được rằng họ bị chi phối bởi thời khắc giao thừa. Giao thừa là khoảnh khắc phân chia giữa năm cũ và năm mới, giữa kết thúc và khởi đầu, giữa những điều rủi đã qua và vận may đang đến - bĩ cực thới lai. Đó là lý do chúng ta phải “đóng gói” mọi chuyện lại để đón Tết, cực nhọc vất vả đến tận đêm Ba Mươi, đặng còn ung dung thong thả sáng Mùng Một.
Và, trong số ít những người nắm bắt được cái ý nghĩa của giao thừa, hiếm ai tâm niệm được sâu hơn, rằng giao thừa mới chỉ là một phần ý nghĩa của Tết, chỉ là một trong số những công đoạn của quá trình được trải dài ra, gọi là giao thời. Tết là thời khắc chuyển hóa của con người và vạn vật: hạt nảy mầm thành cây, cây đâm chồi ra hoa chuẩn bị kết trái, trẻ con thành người lớn, thanh niên lập thân thành đôi lứa, người già chuẩn bị từ giã cuộc sống. Tết được gọi là lễ vì đây chính là nghi thức giao thời vô cùng quan trọng, đặc biệt quan trọng, quan trọng nhất trong năm, chi phối toàn bộ những gì ta sẽ làm trong năm tới. Chúng ta lên kế hoạch doanh nghiệp, tính toán công nợ, chuyển hướng làm ăn cũng theo chu kỳ này, như đã định sẵn trong quyển lịch vạn sự. Không phải ngẫu nhiên hay mê tín mà người ta kiêng cữ hay chọn hướng xuất hành trong năm mới, làm lễ khai bút hay khai trương cửa hàng… Khi ý nghĩa ẩn chứa trong các nghi lễ ngày Tết bị mất dần theo năm tháng, do thay đổi nghề nghiệp và văn hóa sống, hay chuyển đổi ý thức hệ, thì những gì còn lại của Tết chỉ là các mảnh vụn của một nền văn hóa xưa từng được kết tụ thành trầm tích qua năm tháng. Cà phê cuối năm là cơ hội để ta chiêm nghiệm và phục dựng phần nào ý nghĩa của ngày lễ quan trọng nhất của dân tộc Việt: Tết.
Khi nghiên cứu nghi lễ của các dân tộc khác nhau trên thế giới, GS Arnold van Gennep nhận thấy một điểm chung của nhân loại mà có thể khái quát lại thành Rites de Passage, tức là nghi lễ giao thời. Một cái Tết đầy đủ cần phải chuẩn bị từ trước, chứ không phải bận bịu tối tăm mặt mũi đến tận giao thừa. Người xưa chuẩn bị Tết từ cả mấy tuần lễ trước đó, và khi cúng Ông Táo rồi thì không còn nấu nướng gì cả cho đến tận ngày hạ nêu. Tết là cả một đoạn giao thời mà ta cần phải chỉnh trang thân thể để bước vào. Thông thường, mỗi nghi lễ giao thời của một dân tộc về cơ bản sẽ bao gồm phần bước vào, giai đoạn quá độ, chuyển hóa, để khi bước ra thì mỗi chúng ta đều trở thành một con người khác, sống trong một cộng đồng khác, thế giới khác, vạn vật hoàn toàn khác, đã hóa thân thoát khỏi hình hài thể xác trước đó. Thiếu suy nghĩ và suy luận thấu đáo sẽ khiến ta chỉ còn biết mù quáng làm theo phong tục một cách mê tín, hoặc xóa bỏ mất những điều mà ta không còn hiểu được ý nghĩa. Khi đó thì toàn bộ nghi lễ giao thời tức là Tết không còn chút giá trị gì cho cuộc sống tinh thần, mà chỉ đơn giản là một sự kiện thương mại để người ta khai thác kinh doanh. Và nếu đã thiếu mất ý nghĩa cơ bản nhất của ngày Tết, thì tất cả những gì ta cố gắng làm cho giống Tết đều không còn giá trị.
Nói như vậy nhưng cũng không nhất thiết cứ lao vào tìm tòi trong quá khứ xem phải làm như thế nào thì mới đúng nghĩa Tết. Bản thân nghi lễ này cũng chuyển dời theo dòng chảy lịch sử văn hóa của dân tộc, mà nay đã thay đổi về cơ cấu lao động, thói quen cuộc sống, và điều kiện tiện nghi. Cứ mỗi năm dân số Việt Nam lại tăng thêm khoảng một tỉnh, cho nên mỗi chúng ta phải tự chiêm niệm lấy cho mình một cái Tết đương đại - đó cũng chính là lý do cà phê tất niên trở thành gần như một nghi thức. Cà phê cuối năm với bạn bè là dịp để cảm ơn nhau về những điều tốt đã làm cho nhau, xin lỗi nhau về những điều đã khiến nhau phiền lòng, để chiêm niệm những điều được và chưa được của bản thân mình đặng còn thay đổi trong năm mới. Cà phê cuối năm với riêng mình như một khoảnh khắc tĩnh tâm, suy tính cho bản thân và gia đình một năm mới ý nghĩa. Xin chúc bạn một cái Tết tràn đầy niềm vui và nóng lòng chờ mong những câu chuyện bạn chia sẻ bên bàn cà phê đầu năm mới.*
LÊ HẢI