Cuối ngày 22-11, hội thảo kinh nghiệm quốc tế về xây dựng chính sách bảo đảm chất lượng giáo dục mầm non (GDMN) và một số mô hình triển khai tại Việt Nam do Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh và Giám đốc Ban Giáo dục vùng Đông Á, Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới đồng chủ trì đã kết thúc tại Hà Nội sau 1 ngày diễn ra.
Tại hội thảo, các chuyên gia quốc tế đã đưa ra nhiều khuyến nghị với Việt Nam trong lĩnh vực GDMN như phải sớm chuẩn hóa chương trình GDMN, giải quyết tình trạnh thiếu giáo viên, bảo đảm đời sống cho giáo viên mầm non cũng như sự tôn vinh thỏa đáng, tăng chi ngân sách nhà nước cho bậc học này…
Song song đó, cần có quá trình chia sẻ những thông tin quan trọng giữa giáo viên mầm non, nhà trường và cha mẹ của trẻ về những điểm mạnh và điểm cần hoàn thiện của từng em nhằm giúp các em phát triển thuận lợi.
“Một khía cạnh khác của chương trình giảng dạy GDMN là tầm quan trọng của việc vui chơi. Vui chơi là khi trẻ em thể hiện khả năng tốt nhất – những gì trẻ có thể làm, cách sử dụng và hiểu ngôn ngữ, cách phối hợp với người khác, cách giải quyết vấn đề. Chương trình GDMN cần tạo cơ hội để mỗi trẻ có để chơi một mình, chơi theo cặp và chơi theo nhóm. Vai trò của giáo viên được thể hiện với tư cách là người quan sát, người khuyến khích, người đặt câu hỏi”, ông Phil Lambert, GS thỉnh giảng Đại học Sydney, nguyên Giám đốc cơ quan quốc gia Australia về Chương trình giảng dạy, đánh giá và giám sát, phát biểu.
GS Phil Lambert cũng đưa ra các khuyến nghị để Việt Nam xây dựng, thực hiện thành công chương trình GDMN mới - quá trình chuyển đổi vì lợi ích của trẻ em, xã hội và quốc gia, đó là đầu tiên là cần có các tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng. Các tiêu chuẩn đó cần có một khuôn khổ được so sánh với thông lệ tốt nhất trên thế giới về chương trình giảng dạy, phương pháp sư phạm, đánh giá và tự đánh giá. Đặc biệt, theo ông, cần thực hiện đầu tư thông minh để nâng cao vị thế của nghề giáo, nâng cao trình độ chuyên môn của các nhà giáo dục, điều đó tốt cho cả quốc gia.
Kết luận hội thảo, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, ngành giáo dục đang đổi mới toàn hệ thống, trong đó Bộ GD-ĐT nhận thức phải bắt đầu từ đổi mới GDMN: gia tăng chất lượng GDMN thể hiện triết lý rất quan trọng đó là việc chăm lo cho con người một cách toàn diện phải bắt đầu từ GDMN. Đó là vấn đề khoa học, lương tri, vì những gì tốt nhất phải dành cho trẻ em, đó cũng là tầm nhìn có tính chất quốc gia mà Việt Nam cũng như các quốc gia khác đều đã nhận thức và thấy phải có trách nhiệm. Những gì mà Việt Nam đang hướng đến là làm những gì tốt nhất có thể cho trẻ em.
Tới đây, bộ trưởng cho biết sẽ thiết kế một chương trình GDMN có tính khoa học, thực tiễn, nhân văn, lồng ghép với cả vấn đề dinh dưỡng, thể chất, được xem xét một cách tổng thể các vấn đề. Bảo đảm tính khả thi của chương trình trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, ngoài tính phổ biến sẽ chú ý đến tính đặc thù của các khu vực khó khăn.
Trong đó, vấn đề quan trọng là chuẩn bị đủ đội ngũ giáo viên - phải được tiến hành ngay trong quá trình chuẩn bị chương trình GDMN mới, không phải đợi đến khi ban hành chương trình mới chuẩn bị đội ngũ. Giáo viên phải là những người tham gia xây dựng chương trình, được tập huấn về các nội dung chính của chương trình, để khi chương trình mới được ban hành thì đội ngũ giáo viên có thể bắt tay vào ngay.
Cùng với đó là thiết kế các chính sách dành cho GDMN, trong đó có vấn đề lương giáo viên mầm non. Bộ trưởng chia sẻ, trong số hơn 16.000 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc vừa qua phần nhiều là giáo viên mầm non, vì thế chính sách cho giáo viên mầm non phải được chú trọng.
Bên cạnh đó, phải chuẩn bị cho cơ sơ vật chất của GDMN để bảo đảm thực hiện chương trình mới thành công. Hiện 20% trường học vẫn trong tình trạng tạm bợ, bán kiên cố, trong đó tỷ lệ trường mầm non, tiểu học chưa kiên cố chiếm nhiều nhất. Trong 5 năm tới, cần phải bảo đảm hoàn thành mục tiêu kiên cố hóa trường học với bậc mầm non. Bộ trưởng đề nghị các địa phương quan tâm đến vấn đề này, song hành là chuẩn bị thật tốt học liệu, đồ chơi, thiết bị dạy học cho mầm non.
Về vấn đề xã hội hóa GDMN, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, tỷ lệ trường mầm non ngoài công lập ngày càng tăng lên. Giáo dục tư nhân ở bậc mầm non, đại học phát triển hơn hẳn các bậc khác, nhưng xã hội hóa tư nhân GDMN ở khu vực khó khăn vẫn chưa thuận lợi, do đó tới đây cần quan tâm để tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa GDMN. “Có những việc cấp bách Bộ GD-ĐT cần phải làm ngay mà không chờ 1-2 năm tới khi chương trình GDMN ra đời mới làm”, Bộ trưởng chốt lại.