Giáo viên vẫn khổ, phụ huynh vẫn lo

Thiên Trang - Thủy Ngân - Nhật Minh
Giáo viên vẫn khổ, phụ huynh vẫn lo

Người ta thở phào nhẹ nhõm khi đọc Thông tư 30 của Bộ GD-ĐT nhằm giảm áp lực cho học sinh tiểu học. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều bất cập. Phụ huynh và giáo viên nói gì?

Lê Thị Bích Trang (GV lớp 1 Trường Tiểu học Huỳnh Mẫn Đạt, Q.5, TPHCM): Khổ chúng tôi!

Thực hiện theo quy định mới của Bộ GD-ĐT, làm khối lượng công việc của giáo viên tiểu học tăng gấp đôi, gấp ba. Việc nhận xét, đánh giá học sinh mất rất nhiều thời gian hơn. Trong khi các em ở lớp 1 lại chưa đọc hiểu được nhiều. Đối với giáo viên dạy các bộ môn như nhạc, vẽ, thể dục... phải phụ trách rất nhiều lớp, 1 tháng phải nhận xét cho gần 600 học sinh, tháng nào cũng phải viết đi viết lại.

Hầu hết giáo viên chúng tôi đều muốn trở về cách tính điểm ban đầu cho đỡ khổ. Cách tôi và các đồng nghiệp áp dụng hiện nay là với một lớp đến mấy chục học sinh, một ngày chúng tôi chỉ viết lời phê cho 5 em, số còn lại nhận xét bằng lời, bằng cách này, mỗi học sinh sẽ nhận được lời nhận xét của giáo viên. nửa tháng một lần, như vậy thì lấy đâu thông tin mà phụ huynh theo dõi con họ. Theo tôi, xét cho cùng chương trình học vẫn chưa thực sự được giảm tải.

Có 2 hình thức nhận xét học sinh là bằng lời hoặc bằng chữ. Giáo viên phải đưa ra các hướng khắc phục nhưng vì lời nhận xét rất dài, tối thiểu là phải 2, 3 dòng mới đủ ý. Trong khi đó giáo viên bắt buộc phải nhận xét đáp ứng đủ 3 tiêu chí: khen, chỉ ra lỗi sai và cho các em hướng khắc phục. Tôi phải phê vào tập học của các em mỗi ngày với nhiều môn. Ngoài lời nhận xét trong tập, giáo viên còn phải phê trong sổ ghi nhận xét hàng tháng thay thế sổ điểm cũ, về kiến thức học tập và nhận xét về năng lực phẩm chất của các em trong tháng. Sổ liên lạc gởi về cho phụ huynh. Sổ học bạ, chỉ cần ghi 2 lần đầu kỳ và cuối kỳ. Bên cạnh đó, giáo viên còn kèm thêm sổ công tác và sổ kế hoạch, mất rất nhiều thời gian và sinh ra hiện tượng chồng chéo.

Ngoài thời gian lên lớp, các giáo viên tiểu học còn phải tham gia các hoạt động chuyên môn như dự giờ, hội giảng, dự các cuộc thi giáo viên dạy giỏi, tập huấn và một số phong trào khác của nhà trường… Thực tế, chúng tôi thiếu thời gian để quan tâm học trò khi đang phải kham quá nhiều công việc.


Giáo viên vẫn khổ, phụ huynh vẫn lo ảnh 2

Lê Thúy Hằng (GV lớp 5 Trường Tiểu học Huỳnh Mẫn Đạt, Q.5, TPHCM): Không nên cấm dạy thêm ở cấp tiểu học!

Theo tôi, dạy thêm không hẳn là xấu, phụ huynh có nhu cầu gửi con vì bận, sợ các em ham chơi; mặt khác với lượng chương trình đổi mới như hiện nay cũng khó cho phụ huynh trong việc dạy học cho con. Thông qua việc dạy thêm, giáo viên có thêm thời gian để giúp học sinh nắm vững kiến thức hơn, nhất là đối với các em chậm, đặc biệt các em cuối cấp phải chuẩn bị nhiều kiến thức. Theo tôi, học thêm là một cách lao động chân chính, đem lại nhiều lợi ích và hiệu quả. Nhưng không nên vì nhu cầu cá nhân mà ép các học sinh phải đi học thêm hay tăng cường, đó là điều sai trái.

Hiện tại, số lượng giáo viên tiểu học đang thiếu, nhiều trường tại khu vực quận 5, TPHCM, phải ký hợp đồng với các giáo viên đã về hưu vì một số thầy cô không còn muốn theo dạy bậc tiểu học nữa. Gánh nặng công việc giáo án, sổ sách quá nhiều, giáo viên phải mang việc về nhà làm, có khi đến tận khuya mới xong việc. Trong khi thu nhập ít ỏi, giáo viên có thâm niên trên 20 năm tại các trường công lập thu nhập đỡ hơn, khoảng 6-7 triệu đồng/tháng, tính phụ cấp chức vụ, còn giáo viên mới vào nghề chỉ khoảng 2,4 triệu đồng/tháng. Áp lực từ công việc ngày càng nặng, khó khăn càng thêm chồng chất khiến nhiều thầy cô không còn động lực để phấn khởi với nghề nữa.


Chị Trần Hồng Vân (PHHS Trường Tiểu học Minh Đạo, Q.5, TPHCM): Tôi không tin mấy vào Thông tư 30

Quyết định mới của Bộ GD-ĐT: Không tổ chức thi học sinh giỏi; Không tổ chức thi tuyển vào lớp 6; Lớp học 2 buổi không giao bài về nhà; Lớp học 1 buổi chỉ giao bài về nhà tương đương 1 buổi học; Không tổ chức các đội tuyển tham gia các sân chơi. Thông tư 30 có thêm: Không xếp thứ tự học sinh trong lớp học; Ở tất cả các nội dung, học sinh chỉ phân loại và đánh giá theo 2 mức: Hoàn thành/ Không hoàn thành.

Giáo viên vẫn khổ, phụ huynh vẫn lo ảnh 3

Học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Minh Đạo (Q.5, TPHCM) trong giờ học môn tiếng Việt. Ảnh: Mai Hải

Quá tuyệt, nếu thực sự thực hiện được những điều nêu trên, bởi học sinh tiểu học nói riêng và học sinh nước ta nói chung đã phải học hành nhồi nhét khổ sở bao lâu nay mà thực học không có. Nhưng theo dõi mấy tuần nay, nhìn tình hình thực tế, chúng tôi thấy đáng lo hơn đáng mừng. Vì sao? Vì cái gốc của vấn đề là chương trình vẫn quá nặng, bệnh thành tích vẫn còn, giáo viên vẫn bị áp lực thành tích, dựa vào tỷ lệ đạt của học sinh do mình phụ trách.

Tôi đọc fanpage “THÔNG TƯ 30” trên Facebook, một diễn đàn không chính thống để giáo viên góp tiếng nói về thông tư này, và quả thật tôi rất lấy làm thương giáo viên tiểu học hiện nay, đồng thời lo lắng áp lực từ giáo viên sẽ dồn xuống cho con em mình.

“Tôi biết các vị ở Bộ GD-ĐT nghiên cứu kỹ rồi nhưng không thực tế chút nào cả. Tôi dạy 21 lớp, sĩ số trung bình 40 HS/lớp, vậy là tôi có khoảng 840 HS. Theo Thông tư 30 thì tôi sẽ có sổ điểm và sổ nhật ký cho 21 lớp đó, nếu theo quy định sổ của Bộ GD-ĐT là 35 HS trên một cuốn, vậy một lớp tôi có hai cuốn sổ điểm và một sổ nhật ký, tổng cộng là tôi có 63 cuốn sổ (trời ơi là trời!) chưa kể giáo án, sổ hội họp, sổ dự giờ... Mà sổ điểm phải vào đầy đủ lý lịch của 840 HS đó, thời buổi công nghệ mà bảo chép bằng tay nữa cơ. Một tiết dạy có 45 phút, không biết phải phân bổ thời gian như thế nào nữa. Một buổi tôi dạy 5 tiết, vậy tổng sổ tôi mang là 15 cuốn chưa kể giáo án, kiểu này phải chuẩn bị dây thun để cột trên yên xe thôi. Thật sự cách quản lý HS như thế này sẽ rất tốt đối với một lớp từ 10 đến 15 HS như nước ngoài nhưng với sĩ số như hiện nay thì các vị nên nghĩ lại, nếu không GV sẽ thực hiện kiểu đối phó, hiệu quả chẳng tới đâu. Một GV xin giấu tên”.

Trong giờ học lớp 1 Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.Tân Bình, TPHCM)

Tôi trích ra trên đây là một trong rất nhiều lời than khổ thống thiết của giáo viên trên fanpage này. Thử hỏi, là phụ huynh khi đọc những tâm tư của giáo viên như vậy làm sao không lo cho được. Thầy cô giáo khổ sở, ức chế, bực bội thì con em mình học sẽ vui vẻ được sao? Tôi nghĩ, nếu chương trình học ở trường không được giảm nhẹ, không được biên soạn sao cho khoa học, sinh động hơn; không giảm áp lực công việc cho giáo viên, không nâng mức thu nhập cho cuộc sống giáo viên được thoải mái thì có mấy thông tư đi chăng nữa, giáo viên vẫn khổ sở, con cái chúng tôi vẫn khổ sở, và việc đến trường vẫn là nỗi ám ảnh của cả học sinh lẫn phụ huynh.


Cô Nguyễn Hoài Thu Th. (GV lớp 1 Trường Tiểu học Thái Hiệp Thành, Biên Hòa, Đồng Nai): Giảm áp lực học sinh, tăng công việc giáo viên

Lớp tôi có 30 học sinh đủ thành phần, giỏi, yếu đều có. Thậm chí lớp có đến 4 em có triệu chứng tự kỷ. Chất lượng đầu vào không giống nhau, có em được học mẫu giáo, nhưng có em gia đình khó khăn nên vào thẳng lớp 1. Giáo viên phải chịu gánh nặng của sổ sách, lại thêm phần chỉ tiêu nhà trường yêu cầu đạt 99% học sinh xếp loại đạt. Nhưng thực tế đó là một áp lực quá lớn với chúng tôi. Quá trình học tập của các em chỉ được đánh giá qua kỳ thi học kỳ và chấm bài chéo liệu có thật sự chính xác với thực lực của các em? Bên cạnh đó, để đáp ứng các tiêu chí của nhà trường, giáo viên buộc phải vướng vào “bệnh thành tích”. Giáo viên bị áp lực, rõ ràng học sinh vô tình trở thành nạn nhân của những áp lực đó, phải tăng cường học, học dồn, ôn bài liên tục. Thời gian trên lớp không đủ để các học sinh yếu kém nắm vững kiến thức và nhớ bài. Ðể giúp các em theo kịp, tôi phải tranh thủ đi dạy sớm trước giờ vào lớp và giữa giờ ra chơi để kèm thêm cho các em. Tuy nhiên, trong lúc các bạn có giờ nghỉ ngơi, những em này lại học suốt, thậm chí có lúc đang tập viết, có em thở dài than: “Cô ơi, con thấy mệt, con mỏi tay lắm!”.

Theo quy định của nhà trường, điểm số của các em sẽ tính theo từng bông hoa giấy, bông đỏ là xếp loại giỏi, xanh loại khá, vàng loại kém. Như vậy, mỗi ngày phải chấm rất nhiều bài vở cho các em, làm sao có đủ bông để chấm bài, trong khi điều kiện vật chất thiếu thốn không có cách nào khác ngoài việc mỗi giáo viên chúng tôi tranh thủ rảnh giờ nào lại cặm cụi cắt bông. Vốn tuổi đã cao, mắt không nhìn rõ, tay chân vụng về, tôi cắt bông to, bông nhỏ lẫn lộn, có lúc cắt xấu quá, phải bỏ đi và cắt lại. Có hôm đã 2 giờ sáng tôi vẫn còn miệt mài cắt bông, thấy vậy chồng tôi nóng ruột gọi các con dậy phụ giúp. Với lượng thời gian đó, tôi có thể làm được rất nhiều việc, hay nghĩ ra hướng giảng dạy cho các em để đạt chất lượng tốt hơn.

Mỗi tuần cô Thu Th. phải cắt hơn 200 bông, 1 tháng hơn 800 bông nhận xét học sinh

Để thực hiện đúng quy định của Bộ GD-ĐT, giáo viên mất nhiều thời gian hơn để suy nghĩ những lời nhận xét đánh giá học sinh làm sao phải mang tính tích cực, nghiêng về động viên hơn là phê bình, đồng thời phải viết sao để không trùng lặp nhiều loại sổ khác.


Cô Đỗ Thanh Bình (GV tiểu học ở quận 3, TPHCM): “Áp lực” của giáo viên trường quốc tế là giữ hình ảnh đẹp trong mắt học sinh

Nhận xét thay vì chấm điểm

Trước đây, tôi từng dạy ở Trường Quốc tế Á Châu. Học sinh trường quốc tế cũng phải học theo chương trình chuẩn của Bộ Giáo dục - Đào tạo, vẫn học bài và làm bài tiếng Việt. Nhưng do lớp ít học sinh (khoảng 20-25 em/lớp) nên việc dạy và học của thầy trò đỡ cực, giáo viên dễ quan sát và theo dõi học sinh sát sao hơn. Chủ yếu học sinh ở đây được rèn luyện các kỹ năng sử dụng tiếng Anh, nhằm phục vụ cho việc du học sau này.

Thầy trò trường quốc tế không phải chạy theo áp lực thành tích. Bài tập về nhà của học sinh không nặng như của học sinh trường công lập. Đa số các em hoàn tất bài vở ở trường.

Hoàn thành chương trình học của Bộ Giáo dục - Đào tạo nhưng học sinh theo học trường quốc tế không quan tâm nhiều đến điểm số. Theo tôi, cho trẻ học ở trường quốc tế chỉ phù hợp mục đích của phụ huynh cho con du học sau này, chứ nếu đang học trường quốc tế mà “nhảy” sang trường công, chắc chắn học sinh sẽ không theo kịp chương trình học.

Áp lực lớn nhất của giáo viên trường quốc tế là luôn phải giữ hình ảnh đẹp, tốt trong mắt học sinh và phụ huynh, luôn sáng tạo trong việc dạy học để tránh tạo cảm giác nhàm chán cho các em, biết tạo động lực cho các em yêu thích việc học và tham gia tích cực vào các hoạt động học tập, vui chơi của trường lớp.

Khảo sát một số trường quốc tế và trường Việt Nam theo mô hình quốc tế tại TPHCM cho thấy, ngoài chương trình học tiếng Anh với giáo viên bản ngữ, học sinh học các môn toán, tiếng Việt và các môn khác theo chương trình chuẩn của Bộ Giáo dục - Đào tạo. Ngoài việc trau dồi kiến thức, học sinh còn được chăm sóc thể chất thông qua các hoạt động như bóng đá, bóng rổ, bơi lội, nhạc, họa, ca múa… và những hoạt động ngoài trời thông qua các trò chơi tại khu vui chơi trong sân trường. Tại Vstarschool (http://vstar.edu.vn), một trường theo mô hình quốc tế, chương trình học của học sinh tiểu học bao gồm toán, tiếng Việt và tiếng Anh. Ngoài ra, học sinh được học thêm các môn tin học, đạo đức, kỹ năng sống, nghệ thuật (âm nhạc, hội họa) giúp học sinh phát triển trí tuệ, hướng đến giá trị đẹp trong tâm hồn thông qua việc cảm nhận cái hay, cái đẹp trong cuộc sống.

Thiên Trang - Thủy Ngân - Nhật Minh

Giáo viên vẫn khổ, phụ huynh vẫn lo ảnh 7

Các tin, bài viết khác

Tin cùng chuyên mục