
Ở tuổi 56, cô vẫn tình nguyện mỗi tuần hai ngày vào thứ ba và thứ năm đeo ba lô đi bộ xuyên hầm, cắt rừng, vượt dốc với quãng đường gần 10km để đem con chữ ra với các trẻ em thiệt thòi tại làng Vân (còn gọi là làng Cùi trước đây), giúp số học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 của làng tiếp cận được với một môn học mà ở cấp tiểu học các em chưa hề biết đến: Ngoại ngữ (tiếng Anh). Cô là Nguyễn Thị Quảng ở phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu (thành phố Đà Nẵng).
- Xuyên hầm

Cô Quảng trong một giờ lên lớp
Giày vải, thuốc tây, gạo, muối, nước… - như hành trang một người đi rừng - được xếp theo thứ tự vào chiếc ba lô màu đen đã sờn bạc, cô nói: “Bữa trưa đấy!”. Từ phía Nam chân đèo Hải Vân, đi bộ theo đường ray xe lửa chừng 300m đến hầm đèo số 1 (phía Đà Nẵng, từ Huế vào là hầm số 14). Chiếc đèn pin được bật lên, đủ soi một người đi bởi màn đen trong hầm như đậm đặc. Đi chừng 300m nữa, cô nói to: Có tàu đến và kịp kéo tôi tìm ô tránh tàu.
Tiếng máy tàu ầm ầm, ù ù, rin rít hãm phanh trên đường ray khi qua hầm, khói đen từ đầu tàu nhả ra. Từng toa lăn bánh qua, khoảng cách của chúng tôi với thân tàu khoảng 40cm, nếu không có ô tránh tàu thì dù không bị tàu lôi đi cũng bị sứt da, mẻ thịt. Và điều đó đã từng một lần xảy ra, cô Quảng kể: Cách đây mấy tháng, cô giáo tên N. đi gần ra đến cửa hầm, những khoảng này thường không có ô tránh, tiến lui không xong, cô N. nép và quay mặt vào vách hầm, tàu lầm lũi đi qua xé toạc tấm áo mỏng và gây thương tích nặng phần lưng…
Hầm tàu lửa không có đường thông khí, khói như đọng lại càng làm cho không khí thêm đậm đặc gây tức ngực, khó thở… Tôi hỏi cô, sao không đi bên phải? “Bên trái khoảng cách hành lang rộng hơn và nhiều ô tránh tàu hơn”, cô trả lời. “Có khi đang đi thì thấy tàu xuất hiện lù lù trước mặt vì các lái tàu qua đường rừng thường chủ quan là không có người đi lại nên không kéo còi. Nguy hiểm hơn nữa là khi gặp trời mưa, sét có thể chạy theo đường ray và âm thanh của mưa khiến không thể phân biệt được âm thanh của tàu...”, cô nói tiếp.
Không may cho chúng tôi, ra làng Vân đúng ngày trời đổ mưa ràn rạt, sóng biển vỗ ầm ầm nên khi cô Quảng vừa nói đến đây, ngước mắt lên đã thấy đầu tàu chạy ngược chiều ngay trước mặt, cả cô trò liền nhảy thót ra bìa rừng vừa kịp đầu tàu chạy qua… Ngừng một lát như định thần, cô kể tiếp: “Có hôm đang đi, gặp rắn vắt ngang đường, hồn vía bay lên mây…”. Vậy nhưng, hơn 2 năm nay, mặc ngày nắng ngày mưa, cô vẫn một mình băng bộ cắt rừng, xuyên hầm để mang chút kiến thức ngoại ngữ đến với học trò làng Vân… Câu chuyện của tôi và cô như kéo đoạn đường hầm ngắn lại, ra khỏi cửa hầm là thấy làng Vân nằm nép mình bên mép sóng, nhỏ nhắn giữa đại ngàn rừng xanh và nằm biệt lập như một ốc đảo.
- Gieo... chữ
13g30, buổi học bắt đầu. 26 mái đầu trẻ thơ chăm chú lắng nghe. Ánh mắt các em sáng lên niềm thích thú. Thấy tôi bước lại gần, tất cả đứng dậy lễ phép khoanh tay đồng thanh chào bằng tiếng Anh rồi ngồi xuống tiếp tục học. Tất cả lại chăm chú, lại như nuốt từng lời của cô giáo, mặc cho gần đó, tiếng sóng biển vẫn vỗ ầm ầm từng đợt vào bờ cát trắng. Lớp học thật đặc biệt, học sinh lớp 3 và lớp 5 được ghép chung, ngồi đối lưng. Hai chiếc bảng đen đầu và cuối lớp, mỗi khi khối lớp 5 làm bài tập thì cô lại quay sang đầu bên kia giảng bài cho học sinh lớp 3.
Để các em học sinh phát huy tính chủ động, tập thói quen dạn dĩ, tự tin, cô phân công học sinh lớp 5 kèm lại các em lớp dưới nên tất cả đều tiếp thu bài rất nhanh. Tôi hỏi Trần Thị Kim Ánh, 11 tuổi, học lớp 5. “Em học ngoại ngữ lâu chưa?”. “Dạ, từ khi cô Quảng ra đây”. “Có thích học môn này không?”. “Rất thích ạ”. “Ngoại ngữ sẽ giúp được gì cho em?. “Em giao tiếp được với khách du lịch nước ngoài mỗi khi họ ra với trẻ em và bệnh nhân phong; hơn nữa khi bước vào cấp 2 em sẽ không bị bỡ ngỡ và thua kém các bạn trong đất liền...”.
Cô Quảng giải thích thêm, các em ở ngoài này cấp 1 chưa được học ngoại ngữ nhưng khi lên cấp 2, vào đất liền vẫn phải học theo chương trình, điều này đã gây thua thiệt cho các em. “Chính vì vậy, tôi đã quyết định dành quãng thời gian nghỉ hưu sau khi rời Trường THCS Hải Vân để ra làng, mở lớp dạy tiếng Anh từ thiện cho học trò. Đa số các em đều thiếu thốn, tự mình phải gom nhặt sách vở cho các em học. Mừng là tất cả đều chăm ngoan. Nhiều khi cũng thấy ngại bởi đường xa, tuổi đã cao, sức yếu. Nhưng cứ nghĩ đến bao ánh mắt học trò làng Vân trông đợi cô giáo mang từ vựng mới, bài học mới ra làng là lại thấy thương, không dứt ra được”, cô tâm sự.
Rời làng Vân trong ánh chiều đã tắt. Tôi cứ bị ám ảnh bởi hai hình ảnh khi mới đặt chân đến đầu làng: Cây xấu hổ (không hiểu vì sao lại có nhiều cây xấu hổ đến thế ở làng Vân) và hình ảnh nép mình bên những bậu cửa của những người bị bệnh tự ti, mặc cảm, vốn đã xa lánh và gần như tách biệt bởi căn bệnh phong. Nhưng tôi tin với những tấm lòng như cô Quảng, sẽ giúp được các em, thế hệ măng non của làng xóa đi được những mặc cảm, tự ti đó để hòa nhập cộng đồng, giúp ích cho đời.
Hà Minh