
Bất kể dưới cái nắng nung người hay những cơn mưa lũ tầm tã, hàng trăm con người lam lũ vẫn cặm cụi gò lưng trên những chiếc xe đạp thồ chở khách hoặc những “núi” hàng cao chất ngất len lỏi giữa dòng xe máy, xe hơi tấp nập giữa lòngTP Huế. Cái nghề “phu” xe đạp thồ nặng nhọc, lạc hậu, lỗi thời tưởng chừng đã đi vào dĩ vãng lại vẫn đang còn là “cần câu cơm” của nhiều người đang mưu sinh ở vùng đất cố đô.
Mưu sinh trên lưng “ngựa sắt”

Xe đạp thồ đang chờ khách
Ngay phía trước chợ Đông Ba là khu vực tập trung của hàng trăm chiếc xe đạp thồ thuộc nghiệp đoàn xe đạp thồ chợ Đông Ba. Những chiếc xe đạp có cái bánh to đùng, được đánh số thứ tự, phía sau yên xe được “cải tiến” thêm những tấm ván nối dài cỡ 4, 5 gang tay cột chặt vào yên xe để có thể vừa chở khách vừa chở được những thứ hàng nặng nhọc, cồng kềnh. Trước mỗi xe đều có một giỏ xách đựng áo mưa, chai nước.
“Phu” xe đạp thồ có đủ lứa tuổi, từ thanh niên đến cả những ông lão đã bước sang tuổi “thất thập cổ lai hy”, tóc đã bạc phơ vẫn cặm cụi gò lưng đạp từng vòng xe nặng nhọc. “Cái nghề này muốn kiếm được vài ngàn đồng thật không dễ chút nào. Vừa phải bốc vác hàng cho khách rồi chuyên chở đến tận nơi.
Quãng đường dài mười mấy cây số thì cũng chỉ kiếm được khoảng 6.000 -7.000đ. Nếu chịu khó chở luôn cả khách thì trọn gói được khoảng 10.000đ. Xui xẻo mà bị bể bánh xe thì xem như là mình làm không công”, ông Lê Đắc Hòa, năm nay đã trên 70 tuổi, lau vội những giọt mồ hôi trên mặt sau khi oằn lưng vác một bao gạo nặng hơn 50kg từ trong chợ ra cột trên yên xe, nói vậy.
Ông Hòa bảo, ai cần chở gì thì mình chở nấy. Gần thì vòng vòng trong TP Huế. Xa thì ra tận các huyện Hương Trà, Hương Thủy…, có khi đạp xe cả đi cả về vài chục cây số là chuyện bình thường. Lắm lúc vừa chở hàng vừa chở người, nặng hơn cả trăm ký lô đi đoạn đường dài mấy chục cây số, hoa cả mắt, ù cả tai. Đạp xe loạng choạng, nhích từng bước một.
Nhưng một “tour” xe đạp thồ như vậy cao nhất cũng chỉ kiếm được mười mấy ngàn đồng là cùng. “Bởi vì khách đi xe đạp thồ trả giá rất kỹ, nhiều người còn bảo, mấy ông chỉ bỏ sức ra chứ đâu hao tốn xăng cộ gì mà đòi giá cho cao. Họ đưa bao nhiêu cũng phải nhận, nếu không thì họ đi Honda ôm. Xe đạp thồ bây giờ lỗi thời quá rồi nhưng mình không có vốn thì đành chịu chứ biết sao?”.
TP Huế là nơi duy nhất còn tồn tại một lực lượng “phu” xe thồ đông đảo và “chuyên nghiệp” như vậy. Chỉ riêng đội quân xe đạp thồ có đăng ký, hoạt động ở các chợ cũng trên đã 500 chiếc. Còn lực lượng “xe đạp… dù”, tức là chạy khắp nơi không đậu cố định cũng ngót vài trăm người. Dân địa phương cũng có mà dân tha phương tứ xứ về đây chọn cái nghề còn lại hiếm hoi ở Huế cũng nhiều.
Khách đi xe và nhờ chở hàng chủ yếu là tiểu thương, các bà nội trợ và những người không gấp rút công việc. Xe đạp thồ vẫn tồn tại được ở Huế nhờ giá rẻ. Tiền công xe đạp thồ thấp hơn rất nhiều so với Honda ôm, ba gác, xích lô… Vừa rẻ mà khách lại có thể chất đủ thứ hàng cho đáng “đồng tiền bát gạo”.
“Quỹ khuyến học... xe thồ”
Vào những ngày cuối năm học, dường như nét lo toan, tất bật thể hiện rõ hơn trên gương mặt của hàng trăm “phu” xe đạp thồ ở khu chợ Đông Ba, TP Huế. Câu chuyện lo toan tiền sách vở, tiền trường rồi bộ quần, áo mới cho con trong năm mới luôn được đem ra bàn tán rôm rả trong cánh “phu” xe vào giờ trưa vắng khách, ngồi bên nhau nhai vội vã nắm cơm hay ổ bánh mì.
Ông Trần Văn Thạnh, “phu” xe ở chợ Đông Ba, đạp xe thồ hơn 10 năm nay nuôi 3 đứa con ăn học, trong đó hai người đang học đại học tại TPHCM và Huế, nói rằng: Cánh phu xe thồ được xem như làm cái nghề vất vả nhất ở cái thành phố này nhưng hầu như người nào cũng nuôi con ăn học rất đàng hoàng, đến nơi đến chốn. “Trong nhóm bọn tôi có 30, 40 người đang nuôi mấy đứa con theo học đại học, cao đẳng. Nghèo mấy thì nghèo, nhọc nhằn mấy cũng được nhưng phải vì tương lai tụi nó. Anh em xe đạp thồ tụi tui thường khuyên nhau như vậy. Mới rồi có một anh trong nhóm, nhà nghèo quá, có đứa con đang học cao đẳng ở TPHCM, năm nay định cho nghỉ học vì không có tiền đóng học phí. Cả nhóm biết được xúm lại ngăn, rồi cánh xe thồ ở khắp nơi tự nguyện đóng góp gom lại vừa đủ số tiền học phí cho con anh này”.
Cánh xe thồ bên An Cựu còn lập một “quỹ khuyến học… xe thồ” do anh em chạy xe thồ đóng góp để giúp đỡ học phí cho con, em trong nhóm có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đến trường vào đầu mỗi năm học mới. Hàng tháng, các thành viên tự nguyện đóng góp 10.000 hay 15.000đ, tùy khả năng mỗi người vào “quỹ... xe thồ” này. Đầu năm học vừa qua, “quỹ khuyến học… xe thồ” đã trao 3 suất học bổng trị giá một triệu đồng/suất cho con 3 thành viên “phu” xe của nhóm.
Ông Nguyễn Văn Sơn, gần 20 năm chạy xe đạp thồ, nói: Cái nghề này chẳng biết còn tồn tại được bao lâu, rồi chắc cũng phải giải nghệ vì đã quá lỗi thời, lạc hậu. Gia tài của cánh “phu” xe bọn tôi chỉ mong để lại cho con mình cái chữ. Chúng tôi đánh đổi những giọt mồ hôi và những vòng xe nặng nhọc để chúng được nên người.
Ông Thạnh kể: “Mấy ngày nay, tôi không dám bỏ cuốc xe nào, xa mấy cũng nhận, trưa, tối gì cũng sẵn sàng chạy. Kiếm thêm được đồng nào hay đồng nấy, để góp lại cho mấy đứa con bộ quần áo mới”. Mỗi ngày đạp xe cật lực, trừ đi tiền cơm, ông Thạnh dư ra được khoảng 10.000đ. Ông mua một con heo đất bỏ tiền dư vào dành dụm nuôi con ăn học. Bạn ông, ông Hùng mấy ngày này cũng nhận chạy xe đạp thồ vào ban đêm để chở hàng cho các chợ đầu mối và công nhân tan ca, để góp tiền mua cho con gái mình đang học lớp 12 một bộ quần áo và cái cặp đi học mới. |
Quỳnh Hương