Giúp trẻ nghèo vùng biên học chữ

QUANG QUỲNH

Sau bữa cơm tối, Trung úy Pơ Loong Cưu (Phó Bí thư Đoàn TNCS Đồn biên phòng A Xan, huyện Tây Giang, Quảng Nam) đi xuống nhà dân ở gần đồn để hướng dẫn các em học sinh học bài. Đêm biên giới lạnh giá nhưng tình thầy trò ấm áp, bao bọc yêu thương…

Người lính biên phòng đến tận nhà chỉ bảo các em học tập

Ông Hồ Văn Nhia, Chủ tịch UBND xã A Xan, cho biết sau 22 năm tái lập chia tách từ xã Tr’hy, xã A Xan đã hoàn thành khá tốt công tác xóa đói giảm nghèo, hoàn thành 10/19 tiêu chí nông thôn mới, đường sá được bê tông hóa, trường học khang trang kiên cố, số con em học trung cấp, cao đẳng, đại học ngày càng nhiều. Những người lính biên phòng ở đây đã góp phần rất lớn vào thành quả chung đó. Họ không chỉ giúp dân làm kinh tế, xóa đói, giảm nghèo mà còn phối hợp mở lớp xóa mù chữ tại địa bàn. Trung úy Pơ Loong Cưu cho biết, những người lính ở đây đã ngày đêm lặn lội tới các thôn bản để xây dựng thành công mô hình “góc học tập” cho các em học sinh ở hầu hết các gia đình.

Các buổi học của học sinh tại nhà đều diễn ra nghiêm túc dưới sự kèm cặp, hướng dẫn của đoàn viên chi đoàn đồn biên phòng. Nói vậy, nhưng công việc của những người lính biên phòng không hề đơn giản. Để các em học sinh ở đây từ bỏ thói quen sinh hoạt lâu nay, ngồi vào bàn học đúng giờ, tự giác học bài, chịu sự chỉ dẫn của người khác không phải chuyện dễ dàng, qua một hai buổi là thành nếp được. Trung úy Pơ Loong Cưu nói: “Người phụ trách xây dựng góc học tập tại nhà cho học sinh phải là người vừa có nhiệm vụ dạy phụ đạo, vừa phải có trách nhiệm tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân những việc không nên làm khi con em mình đang học bài và tạo điều kiện cho con em họ thời gian, không gian yên tĩnh nhất”.

Tại Đồn biên phòng Ga Ry, từng đoàn viên chi đoàn được phân công soạn giáo án để chuẩn bị cho giờ lên lớp. Từ xa ánh đèn pin lấp loáng, tiếng trẻ gọi nhau í ới đến điểm học xua tan đi màn đêm tĩnh mịch của vùng biên. Thấy em Alăng Thị Hiếu nhà nghèo khó, bỏ học giữa chừng, các chiến sĩ biên phòng Ga Ry đến tận gia đình vận động em đi học lại. Tuy nhiên, khi em đến lớp thì không theo kịp chương trình, các anh liền xuống tận nhà chỉ bảo tận tình. Bí thư Chi đoàn Đồn biên phòng Ga Ry nói: “Chúng tôi còn tổ chức văn nghệ, các trò chơi dân gian, tạo không khí vui tươi để thu hút các em ham học. Từ đó tình cảm thầy trò thêm gắn bó”.

Theo Thiếu tá Bùi Đức Hạnh, Chính trị viên Đồn biên phòng A Xan, “góc học tập” là mô hình được ngành giáo dục và đào tạo Tây Giang, các trường học trên địa bàn phối hợp cùng các đồn biên phòng triển khai thực hiện tốt, nhằm hình thành thói quen, ý thức tự giác học tập tại nhà cho các em học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và hạn chế tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng. Thầy Nguyễn Viết Trường, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lý Tự Trọng (xã A Xan), phấn khởi: “Từ khi được các anh chiến sĩ xây dựng mô hình này, không khí học tập của các em học sinh địa phương đã dần thay đổi. Đến trường các em tập trung nghe thầy cô giảng bài hơn, còn về nhà thì đã biết sắp xếp thời gian tự học. Còn với các bậc cha mẹ, họ không còn bắt con em mình nghỉ học vào ngày mùa lên nương rẫy nữa”.

Hình ảnh “người thầy giáo quân hàm xanh” đã trở nên quen thuộc với đồng bào các dân tộc trên biên giới Tây Giang. Chủ tịch UBND xã A Xan Hồ Văn Nhia nói: “Ở biên giới xa xôi này, tình quân dân gắn bó rất sâu đậm và đoàn kết. Người dân có cuộc sống ổn định và no ấm như hôm nay là nhờ một phần công sức của chiến sĩ biên phòng, rồi việc dạy dỗ các em, giúp các em không bỏ học giữa chừng. Các đồng chí đã phát huy tinh thần “đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào dân tộc là anh em ruột thịt”, cùng ăn, cùng ở và cùng làm với bà con”.

QUANG QUỲNH

Tin cùng chuyên mục