Những ngày qua trời mưa, học sinh ở xóm Thượng Tổng, thôn Mỹ Long, xã An Dân (huyện Tuy An, Phú Yên) bước ra khỏi nhà phải xăn quần, xách dép lội bùn trên con đường nhão nhẹt. Qua hết đoạn đường lầy lội, các em tạt nước suối lên rửa bùn đất dính quần áo rồi đến trường. Mỗi sáng, các em phải đem theo gô cơm để trưa ở lại trường ăn. Tuy đi học vất vả nhưng nghị lực tràn đầy những ước mơ cháy bỏng.
Vất vả đường làng
Mờ sáng, chị Nguyễn Thị Bé Xin (ở xóm Thượng Tổng) đã thức giấc, xuống bếp lui cui bắt nồi cơm lên bếp củi. Cơm chín, chị hâm lại nồi cá kho cho nóng rồi múc cá, dỡ cơm vào trong gô nhựa cho con gái Nguyễn Thị Thúy Quỳnh đem theo đi học. Bỏ cái muỗng vào trong, đậy gô cơm kỹ càng, chị Xin nói: “Sáng qua đi chợ mua cá về kho để dành; chiều hâm đi, sáng hâm lại cho con đem theo ăn trưa. Phiên chợ hôm qua không có cá cơm, đành mua cá liệt về kho. Cá liệt kho khô thường bị nát, lại xương nữa, sợ con ăn mắc cổ. Con nhỏ đi học xa, buổi trưa ăn uống khô khan; biết vậy, nhưng không thể dỡ canh được; chiều về nấu canh chua, cá ngọt bồi bổ thêm cho con”.
Cũng ở cùng xóm Thượng Tổng, em Võ Thị Cẩm Tuyết, được mẹ dỡ cơm với trứng gà, đổ chả kèm theo ít cà đĩa luộc. Gói gô cơm trong túi ni lông, rồi mẹ “đùm túm” chiếc cặp, gô cơm bỏ vào rổ xe đạp cho con đi học.
Đoạn đường lầy lội đầu thôn Mỹ Long
Mùa mưa “hành trình” đi học rất vất vả. Bước ra khỏi nhà, Tuyết phải xắn quần, lấy dép xỏ hai bên tay nắm ghi đông. Trong suốt chặng đường lội bùn, có chỗ dắt bộ, có đoạn các em phải dồn hết sức lực để đạp xe cố rướn qua chỗ bùn đất nhếch nhác. Hết đoạn đường lầy lội lại đến đoạn đường (từ miễu Cây Xanh đến suối Hố Gạo) nước chảy như suối ngập ngang đầu gối. Qua hết đoạn đường này mới trườn lên gặp đường bê tông. Nhưng chỉ được 500m, đến đầu cổng thôn Mỹ Long lại gặp đoạn đường ngập ngụa bùn đất. “Có hôm dắt xe đi bộ, bất ngờ chân em sụp phải hố sình, chiếc dép lún sâu dưới lớp bùn, các bạn đi cùng lại phụ xắn tay áo moi dép lên”, em Tuyết nói.
Đến thôn Mỹ Phú (xã An Dân) mới gặp lại đường bê tông. Đi một đoạn có con suối chảy cắt ngang qua đường, các em “cùng cảnh ngộ” dựng xe đạp rửa bùn đất, xổ ống quần vuốt cho thẳng thớm, mang dép vào rồi đạp xe đến trường.
Sân Trường Tiểu học An Dân số 1 hôm đó có 4 bạn học sinh lớp 4B; ngoài Quỳnh, Tuyết còn có em Nguyễn Đặng Gia Bình, Trần Dương Thiên vai mang cặp, tay xách gô cơm vào lớp học. Tan buổi học, 4 em cùng ngồi ăn cơm, thức ăn trong mỗi gô cơm khác biệt, có gô cơm chỉ là mắm ruốc, rau luộc.
Nghị lực từ… gô cơm
Chị Cao Thị Diễm Trinh, một phụ huynh ở xóm Thượng Tổng, cho hay: Ở đây quen rồi, hôm nào mưa to, nước phía trên đổ xuống ầm ào là biết chắc nước suối Hố Gạo chảy như thác. Sáng ra, mẹ một xe, con một xe, đưa con qua khỏi suối Hố Gạo rồi mới đạp xe quay về. Thấy đường đi lại khổ nhọc, tối về động viên con cố gắng học chăm chỉ, nó bảo mẹ yên tâm, con sẽ học thành tài để sau này phụ giúp ba mẹ.
Còn chị Đặng Thị Hồng, mẹ của em Nguyễn Đặng Gia Bình, thì nói: Con mới học lớp 4 mà đã “nhờ” được rồi. Hôm thấy cái áo con bung chỉ, tôi bảo con đi học về ghé tiệm tạp hóa mua cho mẹ cuộn chỉ về mẹ vá áo. Nó mua về nhìn mẹ ngồi vá, hôm sau áo nó đứt nút, nó tự ngồi xỏ chỉ tra lại nút áo. Con thấy cha mẹ đi làm cả ngày không rảnh nên nó tự lo và còn hứa sẽ học đến đại học.
Em Võ Thị Cẩm Tuyết xắn quần, xách dép xỏ hai bên tay nắm ghi đông xe
Ông Trần Kim Thanh, một phụ huynh ở xóm Thượng Tổng, cho hay: Mùa mưa, đường rất lầy lội. Ở đây muốn đi xa đều phải “lội” bùn qua thôn Mỹ Long; người lớn đi lại thiếu điều muốn khóc ròng chứ huống chi tụi nhỏ, vậy nhưng các cháu vẫn đến trường đều đặng. Học sinh từ lớp 4 đến lớp 5 dỡ theo gô cơm tới trường, người ở xa đến thấy “cảnh này” bùi ngùi… Con đi học, cha mẹ cho tiền nhưng không dám ra quán ăn vì quán cơm nằm kề quốc lộ 1, mà từ trường lên quốc lộ 1 phải đạp xe xa hơn và đã có trường hợp đau lòng xảy ra ở xóm này rồi.
Chị Nguyễn Thị Minh Nguyệt, mẹ của đứa con gái bạt phận ở xóm Thượng Tổng, kể con gái chị học giỏi, mùa mưa đường lầy lội vậy nhưng cháu không nghỉ học buổi nào. Tháng 10 năm ngoái, lúc đó tôi mới bắc nồi cơm lên bếp thì có người gọi điện thoại báo con bé bị tai nạn giao thông. Tôi hốt hoảng chạy đến thì con bé đang được cấp cứu trong Bệnh viện Đa khoa huyện Tuy An nhưng đã ngừng thở! Mấy người ở gần hiện trường kể: Con tôi cùng mấy đứa bạn đi học về, từ trường lên quốc lộ 1, gặp xe container đi qua bất ngờ xe này sụp ổ gà sâu hoắm, đuôi xe container “ném” qua một bên tán vào đầu con bé ngã sấp, tử vong tại chỗ, có người thấy tội đắp lên chiếc chiếu, khi nắm tay chân con bé thấy còn nóng liền bồng chạy đến bệnh viện.
Chuyện buồn tai nạn giao thông của bạn cùng xóm Thượng Tổng hồi năm ngoái luôn “nhắc nhở” các bạn hôm nay đi học phải cẩn trọng. Mỗi chiều, từng tốp học sinh ở xóm Thượng Tổng ra về đi sát lề đường, muốn qua quốc lộ 1 xuôi đến ngã rẽ phải ngó trước nhìn sau. Rồi đến đoạn đường liên thôn qua thôn Phú Mỹ gập ghềnh, chiếc gô cơm trống không “nhảy nhót” trong rổ xe đạp tiếng kêu lộp độp. Rồi đến đầu thôn Mỹ Long các em lại xắn quần, xách dép lội bùn, đến sân nhà ống quần còn xăn bó gối, dựng xe đạp đi thẳng ra chỗ lu nước rửa bùn, chỗ đầu gối “nứt lằn” bởi ống quần xăn… Mặt trời lặn, bữa cơm chiều dọn ra, có nhà nấu canh xương thịt heo với khoai mài, có nhà nấu canh chua lá giang…
“Trong tuyến đường giao thông liên xã đang thực hiện bê tông hóa giao thông nông thôn thì thôn Mỹ Long còn “nặng” nhất vì đường dài mà dân cư ít nên việc huy động vốn trong nhân dân rất cao. Thời gian qua đã bê tông hóa đoạn qua thôn Phú Mỹ, còn lại tuyến từ cuối thôn Phú Mỹ lên thôn Mỹ Long, ngoài việc tỉnh hỗ trợ xi măng, UBND xã đã làm tờ trình đề nghị huyện hỗ trợ thêm kinh phí, xã cũng huy động các nguồn vốn khác bổ sung vào “gánh” bớt kinh phí huy động trong nhân dân. Xã phấn đấu hoàn thành tuyến đường này trong năm 2016, để các cháu học sinh và người dân đi lại thuận lợi”. Ông TRẦN HỮU HIỆU, |
MẠNH HOÀI NAM