Trong thời điểm khó khăn này, chính quyền các tỉnh đã nỗ lực đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân.
Hơn 2 tháng qua, Nhà máy tinh bột sắn Đắk Song (huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) lâm vào tình cảnh khó khăn vì phía đối tác từ thị trường Trung Quốc tạm ngưng nhập hàng. Theo ông Võ Quang Trực, Phó Giám đốc nhà máy, 80% sản phẩm của nhà máy xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, còn lại là thị trường nội địa. “Hiện tại có khoảng 2.000 tấn bột sắn của nhà máy đang bị tồn kho vì không xuất khẩu được. Việc này đã ảnh hưởng lớn đến mọi mặt của nhà máy”, ông Trực nói. Tương tự, Công ty TNHH Hồng Đức (huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) cũng trong tình cảnh éo le khi hơn 30 tấn hạt điều rang muối bị tồn kho. Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Giám đốc Công ty TNHH Hồng Đức, cho biết, hạt điều rang muối là mặt hàng có hạn sử dụng ngắn, không để được lâu. Trung Quốc tạm ngưng nhập hàng khiến chúng tôi phải tìm thị trường mới, gặp rất nhiều khó khăn.
Ngoài ra, việc thị trường bạn tạm ngừng xuất nhập khẩu hàng hóa cũng ảnh hưởng nặng đến những nông dân sản xuất nông sản. Ông Đinh Xuân Duyên, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai, cho biết, mùa vụ năm nay địa phương trồng được 700ha dưa hấu, thị trường tiêu thụ chủ yếu là Trung Quốc. Những năm trước, dưa hấu xuất bán với giá 4.500-6.000 đồng/kg, mùa vụ năm nay do không xuất được hàng nên người dân chỉ tiêu thụ trong nước, giá giảm nhiều.
Ông Lê Minh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương tỉnh Đắk Nông, cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong lúc khó khăn, sở đã thông tin cho các doanh nghiệp sớm nắm bắt và chủ động về thị trường để có biện pháp xử lý, hạn chế rủi ro. Đơn vị cũng sẽ phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) để tìm kiếm các thị trường mới, đa dạng các thị trường cho doanh nghiệp về lâu dài, nhằm phòng tránh những rủi ro có thể xảy ra như đợt này.
Tại Gia Lai, UBND tỉnh cũng đã triển khai nhiều biện pháp để bảo vệ người dân, doanh nghiệp sản xuất nông sản trong thời điểm dịch bệnh. UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu Sở NN-PTNT và Sở Công thương phối hợp với các địa phương theo dõi sát tình hình sản xuất và lưu thông nông sản trên địa bàn tỉnh, không để ứ đọng cục bộ, kịp thời thông báo tình hình đến các doanh nghiệp và người sản xuất để chủ động trong điều chỉnh kế hoạch sản xuất và đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ; tích cực làm việc với hệ thống các siêu thị, các tổ chức, cá nhân doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tăng cường thu mua nông sản, nhất là rau củ quả cho người dân trên địa bàn.
UBND tỉnh Gia Lai cũng yêu cầu Sở NN-PTNT làm việc với các doanh nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn để thu mua lượng trái cây tươi hiện đang tồn đọng ở các địa phương nhằm bảo quản, chế biến thành các sản phẩm như nước ép, sấy khô để tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. UBND tỉnh yêu cầu Sở Công thương và Cục Quản lý thị trường phối hợp kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý các hành vi trục lợi ép giá, gian lận thương mại, gây tâm lý hoang mang cho người sản xuất và tiêu dùng. Đồng thời tỉnh cũng yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp tập trung đầu tư sản xuất nông nghiệp theo kế hoạch của địa phương, không sản xuất theo phong trào, không mở rộng diện tích cây trồng khi chưa đảm bảo đầu ra; chủ động đẩy mạnh việc kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để thu mua nông sản cho người dân trên địa bàn; tạo điều kiện cho các hợp tác xã đủ mạnh để hoạt động và ký kết hợp đồng kinh tế cụ thể với các doanh nghiệp đầu tư và thu mua nông sản.