Gỡ khó tín dụng cho sinh viên

Mặc dù các quy định về chính sách tín dụng cho sinh viên đã được sửa đổi nhưng nhìn chung vẫn mang tính chất là chính sách bảo trợ xã hội, hỗ trợ cho các trường hợp khó khăn hơn là một chính sách tài chính cho giáo dục đại học lâu dài như các nước. Hiện nay, chỉ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn mới được vay vốn học tập.

Mức học phí theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP được điều chỉnh tăng từ nay đến năm 2025, trong đó cao nhất là hơn 50 triệu đồng/năm (với các trường ngoài công lập học phí thường cao hơn 1,5 - 3 lần). Với các cơ sở tự chủ đại học, học phí dao động từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng/năm. Cùng với đó, chi phí ăn ở, sinh hoạt cũng tăng nhiều.

Vì vậy, mức vay 4 triệu đồng/tháng/người (Quyết định số 5/2022/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng về tín dụng đối với học sinh, sinh viên quy định, từ ngày 19-5-2022, mức cho vay tối đa đối với học sinh, sinh viên tăng từ 2,5 triệu đồng/tháng lên 4 triệu đồng/tháng) chỉ mới đáp ứng khoảng 60% chi phí học tập của sinh viên.

Đã đến lúc chúng ta cần mở rộng đối tượng được hưởng chính sách tín dụng sinh viên, điều chỉnh mức cho vay nhằm đảm bảo các em có thể chi tiêu cho đời sống bằng nhóm trung bình của xã hội và đủ tiền nộp học phí. Cùng với đó, phải giảm lãi suất cho vay đối với sinh viên (hiện lãi suất 6,6% là quá cao) hoặc chia theo lộ trình trong thời gian đi học được áp dụng lãi suất vay ưu đãi, sau khi tốt nghiệp ra trường sẽ áp dụng lãi suất cao hơn. Ngoài ra, cần điều chỉnh thời gian vay kéo dài hơn.

Năm 2022 chương trình tín dụng cho học sinh, sinh viên của Hội đồng hiệu trưởng các trường đại học tại TPHCM đã tiếp bước cho 4.000 học sinh, sinh viên. Đây là một nỗ lực rất lớn, song so với gần 600.000 học sinh, sinh viên đang học tập tại TPHCM lại là một con số nhỏ. Chính vì vậy, trong năm 2023, Hội đồng hiệu trưởng các trường đại học tại TPHCM (Chủ tịch hội đồng là đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM) đặt mục tiêu xây dựng chương trình tín dụng với quy mô lớn nhằm đáp ứng mọi nhu cầu vay vốn học tập của học sinh, sinh viên đang học tập tại TPHCM. Cụ thể, tại cuộc họp Hội đồng hiệu trưởng các trường đại học tại TPHCM (ngày 4-3), trong buổi đối thoại với sinh viên tiêu biểu TPHCM (ngày 23-3) và buổi làm việc với ĐH Quốc gia TPHCM (ngày 15-3), đồng chí Phan Văn Mãi luôn nhấn mạnh và chỉ đạo quyết liệt vấn đề này. Bài toán được giải quyết bằng việc huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhà hảo tâm, tổ chức xã hội và các trường...

Với quyết tâm của Hội đồng hiệu trưởng các trường đại học tại TPHCM, bài toán tín dụng cho gần 600.000 học sinh, sinh viên trên địa bàn TPHCM sẽ là sự trợ giúp lớn về tài chính cho người học đại học. Đây cũng sẽ là mô hình mẫu để giải bài toán tín dụng cho sinh viên nói chung, bằng cách huy động sự góp sức của toàn xã hội để cùng thực hiện thành công chính sách giáo dục - quốc sách hàng đầu, góp phần đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực cho quốc gia.

Tin cùng chuyên mục