Tại quận 11, từ ngày 16 đến 22-9, UBND quận chỉ xác nhận cho 119 doanh nghiệp, hộ kinh doanh đăng ký hoạt động với tổng số 732 lao động. Tuy nhiên, đối với ngành nghề bắt buộc phải thực hiện theo phương thức “3 tại chỗ”, nhiều đơn vị tiếp tục ngưng sản xuất kinh doanh hoặc chỉ đăng ký và xem xét tình hình chứ chưa hoạt động trở lại. Một trong những khó khăn cụ thể là việc lưu thông hàng hóa bị ách tắc, do không có giấy đi đường.
Một lãnh đạo UBND quận 11 cho biết, doanh nghiệp, hộ kinh doanh phản ánh, việc TPHCM mở cửa trở lại theo kiểu “vừa mở, vừa đóng” nên họ gặp rất nhiều khó khăn. Lý do, doanh nghiệp, hộ kinh doanh có địa chỉ ở quận này muốn hoạt động trở lại nhưng người nhà, nhân viên ở quận khác muốn đến chỗ làm phải có giấy đi đường. Trong khi, số lượng giấy đi đường cấp cho mỗi doanh nghiệp rất hạn chế, dẫn đến doanh nghiệp không có nhân viên làm việc.
Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp Nguyễn Ngọc Anh cho biết thêm, quận hiện có 17 doanh nghiệp sản xuất (với khoảng 1.800 lao động) và 250 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, khoảng 260 hộ kinh doanh ăn uống bán hàng mang đi đăng ký hoạt động trở lại. Nhưng hoạt động của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh gặp nhiều trở ngại. Việc mua nguyên vật liệu, giao hàng cho khách phải nhờ shipper, làm tăng chi phí kéo theo giá thành tăng trong khi lượng khách mua ít. Vì thế, một số hộ đăng ký hoạt động trở lại nhưng buôn bán không hiệu quả nên nhiều trường hợp đã tự đóng cửa.
Tương tự, doanh nghiệp hoạt động sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ” cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là việc phải tự xét nghiệm (2 ngày/lần và tự trả chi phí) và giấy đi đường.
Dự kiến thời gian tới, ở các địa bàn đã cơ bản kiểm soát được dịch sẽ nới lỏng giãn cách từng bước an toàn, cho phép nhiều hoạt động dịch vụ, sản xuất kinh doanh được phép hoạt động trở lại, thì những vướng mắc trên phải sớm được tháo gỡ, nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh.
Cụ thể, TPHCM cần linh động trong việc mở rộng trường hợp được phép lưu thông đi lại phục vụ sản xuất, kinh doanh. Đó là cho phép người lao động đã tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19 hay người đã tiêm 1 mũi vaccine trên 14 ngày đi lại bình thường. Đặc biệt là cấp thêm giấy đi đường cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh phục vụ việc vận chuyển hàng hóa cũng như cho phép nhân viên các hộ kinh doanh được giao hàng cho khách trên cơ sở đáp ứng các quy định an toàn về phòng chống dịch.