Gỡ vướng gói hỗ trợ lãi suất 2%

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến đầu tháng 7-2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt 11,4 triệu tỷ đồng, tăng 9,35% (trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ tăng khoảng 6%). Trong bối cảnh này, Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng vừa có thông điệp giữ nguyên định hướng tăng trưởng tín dụng 14% trong năm 2022, đồng thời đưa ra nhiều hướng dẫn giúp doanh nghiệp (DN) tiếp cận khoản vay hỗ trợ lãi suất 2%.
Khách hàng giao dịch tại ngân hàng. Ảnh: Minh Huy
Khách hàng giao dịch tại ngân hàng. Ảnh: Minh Huy

Nhiều quy định cụ thể

NHNN vừa có văn bản tháo gỡ vướng mắc để các ngân hàng thương mại (NHTM) có căn cứ thực hiện việc giải ngân cho chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách Nhà nước, theo Nghị định 31/2022 của Chính phủ và Thông tư 03/2022 của NHNN. Việc này đã đáp ứng được nhu cầu vay của nhiều DN trong bối cảnh lãi suất cho vay đang có xu hướng tăng. Cụ thể, liên quan đến thắc mắc các khoản thấu chi có được hỗ trợ lãi suất hay không, NHNN cho biết, vay thấu chi là một trong các phương thức cho vay, vì vậy NHTM được hỗ trợ lãi suất, miễn là người vay đủ điều kiện vay gói này. 

Về vấn đề khách hàng vay để trả nợ cho khoản vay đã được tài trợ tại NHTM khác có được hỗ trợ lãi suất hay không, NHNN thông tin, khách hàng được hỗ trợ lãi suất 2% phải có mục đích sử dụng vốn vay thuộc các  ngành, lĩnh vực quy định tại Nghị định 31/2022. Do đó, các khoản vay với mục đích để trả nợ cho khoản vay khác không được hỗ trợ lãi suất. Tương tự, các khoản vay bù đắp vốn tự có/vốn vay bên thứ ba để thanh toán, chi trả các chi phí thuộc phương án, dự án kinh doanh cũng không được hỗ trợ lãi suất. 

Một vấn đề khác được nêu ra, theo Nghị định 31/2022, khoản vay được ký kết thỏa thuận cho vay và giải ngân trong khoảng thời gian từ ngày 1-1-2022 đến trước ngày ban hành nghị định này (ngày 20-5-2022), nhưng NHTM đã thu lãi của khách hàng và không thực hiện hỗ trợ lãi suất thì khách hàng có được hỗ trợ lãi suất bù lại không? Xung quanh băn khoăn này, NHNN cho biết, việc hỗ trợ lãi suất chỉ áp dụng đối với nghĩa vụ trả nợ lãi tại các kỳ hạn trả nợ lãi mà thời điểm trả nợ phát sinh trong khoảng thời gian từ ngày nghị định này có hiệu lực thi hành (ngày 20-5-2022) đến ngày 31-12-2023. Như vậy, khách hàng không được hỗ trợ lãi suất đối với các kỳ hạn trả nợ lãi mà thời điểm trả nợ phát sinh trước ngày Nghị định 31/2022 có hiệu lực thi hành. 

Đối với cụm thuật ngữ “chưa được hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước theo các chính sách khác”, NHNN giải thích rõ: khoản vay tại ngân hàng nào thì do ngân hàng đó trực tiếp thẩm định, quyết định cho vay, do đó ngân hàng có trách nhiệm xác định khoản vay đó đã được hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước theo các chính sách khác hay chưa rồi mới thực hiện cho vay… Bộ Tài chính cũng đã phối hợp với NHNN thiết kế các quy định về quy trình xây dựng dự toán, thanh quyết toán, hạn chế vướng mắc, đảm bảo thuận lợi cho các NHTM thực hiện. 

Tiếp tục vướng room tín dụng 

Mặc dù NHNN đã có văn bản hướng dẫn,  nhưng nhiều NHTM vẫn băn khoăn về đối tượng triển khai chưa rõ ràng nên tiềm ẩn nguy cơ không được quyết toán. Theo lãnh đạo TPBank, hiện ngân hàng này còn một số khoản hỗ trợ lãi suất từ năm 2010-2011 không thể quyết toán, phải ghi nhận vào tổn thất của ngân hàng.

Tương tự, lãnh đạo một NHTM có vốn nhà nước cho biết, một số trường hợp sau khi áp dụng hỗ trợ lãi suất nhưng khi kiểm toán, doanh nghiệp không chứng minh được giấy tờ nên ngân hàng phải thu hồi lãi suất hỗ trợ, và ngân hàng bị doanh nghiệp kiện ngược lại. Agribank cũng cho biết vẫn còn băn khoăn về việc thủ tục quyết toán có báo cáo doanh nghiệp được kiểm toán và báo cáo thuế của doanh nghiệp, nhưng trong trường hợp 2 báo cáo này không trùng khớp, NHTM chưa biết xử lý ra sao. Chưa kể, với các khách hàng ở khu vực nông thôn, hồ sơ chứng từ đầu vào là vấn đề không dễ dàng và đây sẽ là các vướng mắc của ngân hàng khi thực hiện kiểm toán. 

Bên cạnh đó, điều mà hầu hết các NHTM đang chờ phản hồi từ NHNN là liệu có được nới room (hạn mức) tín dụng khi họ đã hết chỉ tiêu này hay không. Theo đại diện của một NHTM, hiện những cam kết giải ngân của ngân hàng này đã lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng nhưng phải ngưng lại vì room tín dụng đã cạn từ quý 2-2022. Không ít NHTM khác tại TPHCM cũng cho biết, mặc dù đã chuẩn bị xong các quy trình cho vay nhưng vẫn chưa thể giải ngân gói hỗ trợ do không còn hạn mức tín dụng. Lãnh đạo một NHTM đã đăng ký dư nợ 30.000 tỷ đồng cho gói hỗ trợ lãi suất 2% cho biết, ngân hàng đang mong được NHNN nới room để có dư địa thực hiện gói hỗ trợ này. Đó cũng là lý do nhiều DN phản ánh, khi nghe các NHTM cho biết sẵn sàng triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%, họ đã làm thủ tục vay nhưng đến nay vẫn phải chờ.

Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, các ngân hàng không cần lo thiếu room để thực hiện hỗ trợ lãi suất, mà việc cần làm ngay là hoàn thiện cơ chế cho vay. “NHNN sẽ xem xét, tính toán, điều hành khối lượng tín dụng đưa ra nền kinh tế sao cho tăng trưởng tín dụng phải phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, với chính sách lãi suất và các quan hệ vĩ mô khác, đồng thời tạo dư địa để thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2%”, ông Đào Minh Tú cho hay.

Liên quan đến tín dụng cho bất động sản, NHNN đánh giá, thị trường bất động sản có vai trò hết sức quan trọng và có mối liên hệ với nhiều ngành sản xuất. Trong những năm qua, sự phát triển của thị trường bất động sản đã góp phần thu hút các nguồn lực, tạo ra các tài sản cố định lớn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, tín dụng chỉ là một trong nhiều nguồn vốn của thị trường bất động sản. Ngoài vốn tín dụng còn có vốn FDI, trái phiếu doanh nghiệp, vốn thị trường chứng khoán, vốn tự có của người dân, doanh nghiệp... Các nguồn vốn này cũng rất lớn.

Quan tâm của ngân hàng là rủi ro mất vốn, rủi ro tín dụng và quan trọng hơn là rủi ro thanh khoản - do tính chất của khoản vay bất động sản là dài hạn, vốn lớn, trong khi khoản tiền gửi là ngắn hạn. Vì vậy, với vai trò là ngân hàng Trung ương và cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động ngân hàng, NHNN Việt Nam cho biết, phải điều hành chính sách tín dụng nhằm bảo đảm an toàn hoạt động cho hệ thống ngân hàng. 

Tin cùng chuyên mục