Góc nhìn pháp lý qua vụ 2 “hiệp sĩ” bị giết

Từ vụ 2 “hiệp sĩ” bị đâm chết khi ra tay ngăn cản hành vi trộm cắp của một nhóm tội phạm, nhiều bạn đọc thắc mắc: Theo quy định pháp luật, các “hiệp sĩ” có trách nhiệm đấu tranh chống tội phạm? Các tội phạm giết 2 “hiệp sĩ” phải chịu những hình phạt gì? “Hiệp sĩ” bị giết hại khi tham gia đấu tranh chống tội phạm có được xét công nhận liệt sĩ?
Hiện trường vụ việc vào ngày tối 13-5
Hiện trường vụ việc vào ngày tối 13-5
Để trả lời các câu hỏi trên, cần xem xét các quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 và văn bản pháp luật liên quan khác. Điều 4 Bộ luật Hình sự 2015 quy định trách nhiệm phòng ngừa và đấu tránh chống tội phạm thuộc về các chủ thể sau: cơ quan công an, viện kiểm sát nhân dân, tòa án nhân dân và các cơ quan hữu quan khác có trách nhiệm trong việc thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình để chống tội phạm; đồng thời phải hướng dẫn, giúp đỡ các cơ quan khác của nhà nước, tổ chức, cá nhân phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm, giám sát và giáo dục người phạm tội tại cộng đồng. Các cơ quan, tổ chức đều có nhiệm vụ giáo dục những người thuộc quản lý của mình có ý thức cảnh giác, tự bảo vệ, tuân thủ quy định của pháp luật, đạo đức xã hội, tránh tạo điều kiện gây ra tội phạm trong cơ quan của mình. Mọi công dân đều phải có nghĩa vụ phòng chống tội phạm. Như vậy, trách nhiệm phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm thuộc về toàn dân và tất cả cơ quan, tổ chức trong xã hội.  
Đối với hành vi gây ra cái chết cho 2 “hiệp sĩ”, dưới góc nhìn pháp lý, có thể đánh giá đây là hành vi mang tính chất côn đồ và có dấu hiệu cấu thành của nhiều tội phạm. Cụ thể, hành vi lấy cắp xe SH đã cấu thành tội trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 173 của Bộ luật Hình sự 2015. Những đối tượng phạm tội trộm cắp tài sản có thể bị phạt tù 2 - 20 năm; ngoài ra còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung phạt tiền 5 - 50 triệu đồng. Hành vi truy sát bằng hung khí gây chết người đã cấu thành tội giết người theo quy định tại Khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015. Những đối tượng thực hiện hành vi này sẽ phải chịu hình phạt tù 7 - 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Ngoài ra, còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1 - 5 năm...
Trường hợp một đối tượng thực hiện cả 2 hành vi trên, theo quy định tại Điều 55 Bộ luật Hình sự 2015, hình phạt đối tượng này sẽ phải gánh chịu như sau: Nếu cả 2 tội trộm cắp và giết người đều bị tuyên phạt tù có thời hạn, thì hình phạt cao nhất mà đối tượng này phải chịu là phạt tù 30 năm. Nếu tội trộm cắp bị tuyên phạt tù có thời hạn và tội giết người bị tuyên phạt tù chung thân, thì hình phạt đối tượng này phải gánh chịu là tù chung thân. Nếu tội trộm cắp bị tuyên phạt tù có thời hạn và tội giết người bị tuyên hình phạt tử hình, hình phạt mà đối tượng này phải chịu là tử hình.
Các “hiệp sĩ” là những người có tinh thần trách nhiệm cao đối với xã hội, vì vậy họ cần phải được xem xét và có những chính sách đền đáp phù hợp của nhà nước nói riêng và toàn xã hội nói chung. Theo quy định tại Điểm 6 Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng sửa đổi bổ sung năm 2012 và điểm d Khoản 1 Nghị định 31/2013/NĐ-CP ngày 9-4-2013 quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, thì một trong những trường hợp được công nhận liệt sĩ là người “trực tiếp tham gia đấu tranh chống lại hoặc ngăn chặn các hành vi nguy hiểm cho xã hội thuộc các tội được quy định trong Bộ luật Hình sự”. Như vậy, với sự hy sinh khi ngăn chặn tội phạm thì 2 “hiệp sĩ” bị giết hại có thể được Nhà nước công nhận là liệt sĩ.

Tin cùng chuyên mục