Góp của

Tổng giám đốc Công ty CP thể thao SLNA vừa phát biểu trên báo là nếu phải đi vay mượn cũng giữ Công Vinh ở lại, ít nhất là đến hết mùa bóng 2015. Chắc chắn phát biểu của người đứng đầu đội bóng xứ Nghệ khiến người hâm mộ địa phương không khỏi xót xa. Và, không chừng sắp tới tái diễn cảnh khán giả Nghệ An góp tiền cho đội bóng giữ cầu thủ, như trong quá khứ từng có lần xôn xao giống vậy.

Bóng đá Việt Nam lên chuyên nghiệp 14 năm nhưng tới giờ khi đội bóng muốn giữ chân cầu thủ mà phải nói vay mượn, còn khán giả đứng ngồi không yên buộc lòng đi quyên góp tiền quả là ngán thật. Thực tế thì chuyện góp tiền cho đội bóng không phải chuyện lạ nhất là trong lĩnh vực bóng đá, nhưng nên nhớ đó là ngày trước.

Hồi thập kỷ 80, từng có đội Tổng cục Đường sắt bên bờ vực giải tán do không đủ tiền cho cầu thủ thi đấu, được giải cứu nhờ công nhân ngành đường sắt cả nước lúc đó bỏ ra tuần lương để đội bóng có tiền chơi tại giải VĐQG, chứ không thì dẹp nghỉ. Sau này người hâm mộ Cảng Sài Gòn cũng đau lòng khi đội bóng đứng bên bờ khai tử. Ngay liền đó, những người yêu thương đội bóng và công nhân của Cảng Sài Gòn cũng góp ngày lương của mình nhằm giúp đội tồn tại thêm được ngày nào hay ngày ấy. Thế nhưng, cần thấy là những hành động đó chỉ là giải pháp tạm thời cho qua ngày đoạn tháng, chứ không phải vực dậy đội bóng và phát triển.

Rồi đến SLNA năm ngoái từng ồn ào chuyện doanh nghiệp, công ty trên địa bàn tỉnh Nghệ An lẫn người hâm mộ xứ Nghệ trên khắp cả nước góp tiền chung tay với đội bóng trả lương cho cầu thủ nhằm giữ chân người tài ở lại. Hiện tại chưa nghe nói người hâm mộ góp tiền giữ Công Vinh, nhưng chẳng khán giả xứ Nghệ nào không “rưng rưng” khi nghe ông tổng giám đốc than phiền như vậy.

Chuyện SLNA từ lãnh đạo cho đến CĐV ai cũng muốn giữ người tài là đáng trân trọng. Tuy nhiên lại bằng giải pháp đi vay đi mượn, hay quyên góp từ nhiều người quả không khỏi cám cảnh cho bóng đá kiểu chuyên nghiệp xứ ta.

KIM DUNG

Tin cùng chuyên mục