Người chạy vào “tâm bão”
Chiều 14-1-2009, căn nhà số 88/11/16/6 đường Nguyễn Khoái, phường 2, quận 4 bốc cháy, mọi người hoảng sợ bỏ chạy tán loạn. Ngọn lửa rừng rực bao trùm căn nhà và sắp sửa thiêu rụi cả những căn xung quanh. Ở căn nhà kế bên, hơi nóng và khói lửa đã cận kề mà cụ Trần Thị Đài loay hoay chưa thoát ra được. Đúng lúc ấy, anh Võ Văn Quyền, 39 tuổi, nhà ở gần đó đã lao qua đám cháy cõng được cụ Đài ra ngoài. Tiếp tục chạy vào đám cháy để cứu thêm những người khác, thì bất ngờ anh gục xuống và ra đi mãi mãi. Tổ quốc ghi công tấm gương dũng cảm cứu người, anh trở thành liệt sĩ. Anh đi, để lại người vợ 36 tuổi với 3 con, đứa út mới 2 tuổi. Nhìn ba đứa con nhỏ nằm ngủ như cá mòi, chị Nguyễn Thị Hạnh - vợ anh Quyền rơi nước mắt, từ đây, chị bắt đầu hành trình của riêng mình để nuôi con khôn lớn.
Cuộc chiến với giặc lửa ở một đô thị lớn như TPHCM chưa bao giờ thôi khốc liệt. Trung bình mỗi năm ở TPHCM xảy ra hơn 1.000 vụ cháy lớn nhỏ, không chỉ gây thiệt hại về người và của mà còn cướp đi cả những con người ưu tú dũng cảm lao ra đầu ngọn lửa. Đó là một đêm khuya tháng 9-2017, ngọn lửa bùng lên ở căn nhà chứa quần áo cũ trên đường 10A, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TPHCM. Nhận tin báo, 6 phút sau gần 100 chiến sĩ Cảnh sát PCCC TPHCM đã có mặt tại hiện trường, trong đó có Thượng úy Phạm Phi Long cùng nhiều đồng đội. Ai nấy hối hả dập lửa không để cháy lan sang các nhà bên cạnh. Khi lửa ở tầng dưới bị khống chế, anh Long cùng hai chiến sĩ nhận nhiệm vụ ôm lăng chữa cháy tiếp cận từ phía cửa sổ. Khi họ đang trụ trên mái tôn thì bất ngờ toàn bộ căn nhà đổ sập. Hai đồng đội bị thương nặng, anh Long hy sinh. Cuộc đời người lính dừng lại ở tuổi 31. Bên chiếc quan tài lạnh lẽo, người vợ trẻ một tay ôm bụng bầu 8 tháng, một tay ôm cậu con trai đầu mới 2 tuổi, khóc ngất.
Gia đình anh Trần Đông Sơ sống trong một con hẻm trên đường Thoại Ngọc Hầu, phường Phú Thạnh, quận Tân Phú. Năm 2003, trong một đêm nghe tiếng tri hô “cướp, cướp”, anh lao ra đường đuổi theo và trúng đạn của kẻ cướp. Anh gục xuống trước mặt vợ con, không kịp trối trăng lại một lời nào. Tháng 12-2008, anh Đông Sơ được công nhận là liệt sĩ.
Gượng dậy nuôi con
Chị Nguyễn Thị Hồng Phượng, vợ anh Long, đặt tên con gái là Bảo Châu theo ý của anh trước khi mất. Trong căn nhà mới xây ở khu Vườn Thơm (xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh), Bảo Châu nằm lim dim gối đầu lên đùi để mẹ ngoáy tai. Anh trai Hữu Phát thấy khách tới liền thập thò phía sau chiếc bàn thờ. Cậu bé trắng trẻo với nét đẹp trai y như ba, sáng nay vừa theo mẹ đi họp mặt nhân Ngày Thương binh Liệt sĩ 27-7. Phát khoe: “Hồi sáng đó, con gặp bao nhiêu là bạn của ba. Lúc về mẹ đưa con ra thăm ba”.
Chị Phượng kể, cứ vài tuần hay một tháng, chị lại ra thắp nhang cho anh một lần, hầu như lần nào cũng dắt con theo. Con đường ra mộ anh sình lầy. Vào những tháng mùa mưa, khi nước lên là con đường “đỉa lềnh tựa bánh canh”, chị sợ lắm nhưng vẫn cõng con lên vai lội ra với anh. Để con khỏi quên ba, mọi hình ảnh trong ngôi nhà đều được chị sắp đặt để nhắc nhớ về anh. Từ chiếc ảnh thờ thật lớn mà đứng ngoài cổng đã có thể nhìn thấy, đến tấm hình cưới đề ngày 10-12-2014 treo trên tường. Chiếc nệm 3 mẹ con đang nằm, chị cũng hay nhắc với con là nệm ba mới mua để đủ chỗ cho 4 người nằm…
Khác với hình ảnh 2 năm trước như người mất hồn bên quan tài, giờ đây trong câu chuyện chị vẫn hay ngước lên nhìn anh trên bàn thờ, kể về anh bằng giọng nói trìu mến thương yêu và đôi lúc khẽ mỉm cười. Khi vợ sinh con đầu lòng, anh xin nghỉ phép hẳn một tháng, tự tay ẵm bồng, pha sữa cho con. Rồi anh xin chuyển công tác từ đội cứu hộ cứu nạn trên sông về đội chữa cháy chuyên nghiệp khu vực II, thuộc Phòng cảnh sát PCCC quận Bình Tân để được gần vợ con hơn. Chị kể: “Giữa đêm nghe tin anh mất, em như chết đứng, tay chân đầu óc cứ đờ đẫn không ý thức được những việc xung quanh nữa”. Có lẽ cú sốc quá lớn khiến bé Bảo Châu phải ra đời sớm hơn dự định, khi mới 37 tuần tuổi và chỉ nặng 2,2kg. Chị nằm viện 3 ngày mới sinh, vào phòng mổ câm lặng không một tiếng rên la, cựa quậy. Tới khi nhìn thấy con, nhớ lại những chăm sóc ân cần của chồng hồi sinh đứa lớn, chị mới òa khóc.
May sao bên cạnh chị vẫn luôn có sự quan tâm. UBND quận Bình Tân vận động đóng góp, hỗ trợ chị trả nốt tiền cho miếng đất mà vợ chồng chị vừa trả góp được một tháng. Anh em trong Đội Cảnh sát PCCC Bình Tân giúp chị xây dựng căn nhà 4,5m bề ngang ở sát nhà anh em họ ngoại. Sự bao bọc, giúp đỡ khiến chị được an ủi. Khoảng trống anh để lại được hai đứa trẻ ngoan bù đắp một phần nào. Chị đang học dược sĩ, mơ ước có một tiệm thuốc tây đủ lớn để nuôi mình và hai con. Cứ cuối tuần, chị lại ngồi xe hết 3 tiếng đồng hồ để đi học tận Đồng Nai, sáng đi tối về. Chị trải lòng: “Mãi tới gần đây em mới thấy lòng bình yên trở lại, nghĩ mình phải mạnh mẽ lên để nuôi dạy con nên người”.
Tìm lại bình yên
Sự ra đi của một người đàn ông trong gia đình phải mất bao lâu mới khỏa lấp được đau thương? Mất bao lâu người trong cuộc mới bình yên trở lại? Chẳng thể nào có một câu trả lời chung cho tất cả.
Đã 16 năm trôi qua, nhớ lại những ngày tháng không anh, vợ và con gái vẫn trào nước mắt, không hiểu sao mình có thể vượt qua được. Ngày ấy, anh Trần Đông Sơ mới 43 tuổi, là lái xe, lao động chính trong gia đình. Chị Lâm Thị Thu Lan, vợ anh, chỉ ở nhà bán hàng lặt vặt, trông con. Anh đi rồi, chị vừa buôn bán vặt, vừa nhận về mỗi đợt mấy ngàn chiếc áo quần, ba mẹ con ngồi cắt chỉ. Sáng thì mang bánh mì, bánh tráng trộn ra cổng trường học bán. Hai con gái, đứa lớp 1, đứa lớp 6 cũng biết phụ mẹ dọn hàng, cắt chỉ. Cô con gái lớn Thu Hằng nhớ lại, cứ nghỉ hè là Hằng gõ cửa những nhà trong xóm có xưởng may năn nỉ xin làm, để có tiền phụ mẹ. Hằng chọn học trường cao đẳng ở gần nhà để có thể đi học bằng xe đạp, hoặc đi bộ, tiết kiệm tiền ăn ở. Bưng bê, chạy bàn không việc gì người ta thuê mà Hằng từ chối.
Hằng bảo: “Có những lúc khổ quá, mẹ con ôm nhau khóc, muốn buông xuôi cho rồi. Nhưng nghĩ tới ba, em lại cố gắng”. Kết quả là giờ đây hai chị em đều đã học xong kế toán, có được công việc đúng chuyên môn. Mấy mẹ con nâng nền, sửa sang lại để căn nhà thoáng sạch, có nơi thờ phụng tươm tất hơn. Chị Lan cũng không còn phải nhận đồ về gia công nữa. Chị vừa trông cái tiệm tạp hóa bé xíu ngay trong nhà, vừa nằm võng ầu ơ ru cháu ngoại, là con của Hằng. Một người nằm xuống, một người già đi, một thế hệ lớn lên trưởng thành và một thế hệ mới ra đời, trong chính căn nhà năm xưa ngập tràn tiếng cười hạnh phúc. Ở tuổi 53, nước mắt vẫn rơi khi nhớ về anh Sơ, nhưng sâu trong khóe mắt, có thể nhìn thấy bình yên đang trở lại, trong lòng chị và trong căn nhà này.
Có lẽ giống như chị Hạnh vợ anh Quyền, chị Lan cũng chung dòng tâm sự: Anh không cùng tôi nuôi dạy các con lớn khôn, song tấm gương của anh đã là bài học vô giá để các con ngoan ngoãn, trưởng thành.
TPHCM có 98 liệt sĩ thời bình |