Hà Nội 12 ngày đêm, chuyện bây giờ mới kể

Kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đấu 12 ngày đêm (18-12-1972 – 30-12-1972) oanh liệt, mà lịch sử vẫn gọi là chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”, sáng nay 22-11, Đài Truyền hình TPHCM phối hợp với Quân chủng Phòng không - Không quân tổ chức buổi giao lưu tọa đàm “Hà Nội 12 ngày đêm, chuyện bây giờ mới kể” với niềm tự hào chiến công oanh liệt của quân dân thủ đô Hà Nội và cả nước.
Hà Nội 12 ngày đêm, chuyện bây giờ mới kể

Kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đấu 12 ngày đêm (18-12-1972 – 30-12-1972) oanh liệt, mà lịch sử vẫn gọi là chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”, sáng nay 22-11, Đài Truyền hình TPHCM phối hợp với Quân chủng Phòng không - Không quân tổ chức buổi giao lưu tọa đàm “Hà Nội 12 ngày đêm, chuyện bây giờ mới kể” với niềm tự hào chiến công oanh liệt của quân dân thủ đô Hà Nội và cả nước.

  • Một thời bom đạn

40 năm đã trôi qua, trong ký ức những người một thời tham gia và chứng kiến chiến tranh không quân ác liệt nhất của Mỹ đánh phá thủ đô Hà Nội suốt 12 ngày đêm năm 1972, vẫn là ám ảnh về những trận bom rải thảm, về sự tàn phá khủng khiếp của máy bay B52 với cuộc sống người dân thủ đô. Khi ấy, giặc Mỹ hùng hồn tuyên bố chắc nịch rằng sẽ biến Việt Nam trở lại “thời kỳ đồ đá”. Lại một lần nữa, những pháo đài bay hiện đại B52, con ngáo ộp trên không, niềm tự hào của đế quốc Mỹ bị tan xác trên bầu trời Hà Nội, để rồi sau đó không lâu chúng phải đàm phán cuốn cờ tháo lui.

40 năm sau, vẫn còn rất nhiều những điều chưa nói hết về những ngày ấy và chương trình Hà Nội 12 ngày đêm, chuyện bây giờ mới kể đưa khán giả gặp lại những nhân chứng lịch sử, nhớ về một thời bom đạn oanh liệt mà hào hùng; về chiến thắng vang dội, lẫy lừng của lực lượng không quân Việt Nam và nhờ chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 ấy, đã đánh bại hoàn toàn tham vọng xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải trở lại bàn đàm phán và ký kết Hiệp định Paris ngày 27-1-1973.

Các chiến sĩ QĐND VN trên xác chiếc pháo đài bay B52 của Mỹ bị bắn hạ.

Các chiến sĩ QĐND VN trên xác chiếc pháo đài bay B52 của Mỹ bị bắn hạ.

Tham gia chương trình, ngoài lãnh đạo Quân chủng Phòng không - Không quân còn có Anh hùng Lực lượng vũ trang, Trung tướng Phạm Tuân (phi công Việt Nam đầu tiên bắn rơi máy bay B52); Anh hùng Lực lượng vũ trang, Đại tá Nguyễn Thành Trung (người ném bom Dinh Độc Lập); Đinh Thế Văn, Tiểu đoàn trưởng 77 Tên lửa bắn rơi 4 chiếc B52; Vũ Đình Rạng, phi công Mig 21 (bắn rơi B52) và mẹ con bà Lê Thị Hương, Nguyễn Thị Phương - nhân chứng lịch sử trong đoạn phim tư liệu lúc chị Hương 6 tuổi, ngồi trên xe bò đi sơ tán cùng mẹ; nhà quay phim Nguyễn Việt Tùng, người đã quay được cảnh bắn rơi máy bay B52; vợ chồng Đại tướng Nga Khiupenen Anatoli Ivanovirt, nguyên Trưởng nhóm Chuyên gia quân sự Liên Xô về phòng không không quân tại Việt Nam (từ 14-12-1972 đến 9-1-1975); ông Bob Muholland, cựu binh Mỹ, có mặt tại Việt Nam vào những năm 1967 - 1968, sau đó trở về nước và tham gia phong trào chống chiến tranh Việt Nam, đặc biệt là thời điểm máy bay B52 ném bom miền Bắc.

  • Ký ức hào hùng

Đem đến chương trình là những câu chuyện kể của Trung tướng Phạm Tuân khi ông bắn rơi máy bay B52 - được không lực Mỹ xem là pháo đài bay bất khả xâm phạm. Với Trung tướng Phạm Tuân, đó là những kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời quân ngũ. Việc bắn hạ máy bay B52 trong lúc lực lượng không quân của ta còn nhỏ bé so với Mỹ, nhưng chúng ta đã chiến thắng bằng ý chí, sự khôn ngoan và bằng những cách đánh riêng của không quân Việt Nam.

Ngay Đại tướng Nga Khiupenen Anatoli Ivanovirt - chuyên gia tên lửa Liên Xô lúc bấy giờ cũng bày tỏ sự cảm phục khi được quay trở lại Việt Nam sau 40 năm. Ông chia sẻ, lúc đó chính ông cũng không mấy tin rằng Việt Nam có thể đánh thắng một trong những lực lượng không quân mạnh nhất thế giới, mà máy bay B52 lúc ấy là biểu tượng cho sự hiện đại và hủy diệt. Ông vô cùng khâm phục ý chí và cách đánh khôn khéo, linh hoạt của không quân Việt Nam.

Những hình ảnh về sự tàn phá nặng nề với Bệnh viện Bạch Mai, tòa Đại sứ Pháp, các khu dân cư và hình ảnh các chiến sĩ phòng không - không quân chiến đấu dũng cảm cùng cuộc sống của người dân thủ đô trong những ngày đánh phá ác liệt… là những thước phim tư liệu hết sức quý giá, được các nhà quay phim Việt Nam lúc bấy giờ không quản ngại nguy hiểm để ghi lại.

Nhà quay phim Phạm Việt Tùng, một trong số rất nhiều nhà quay phim thời ấy, đã đến giao lưu và gặp lại nhân vật trong chính đoạn phim của mình - mẹ con bà Lê Thị Hương. Chị Nguyễn Thị Phương không khỏi bồi hồi khi được xem lại đoạn hình ảnh lúc chị lên 6 tuổi, được mẹ đặt ngồi trên xe bò đi sơ tán…

Một giai đoạn lịch sử ác liệt, nhưng đầy tự hào về chiến thắng vẻ vang của lực lượng Phòng không - Không quân Việt Nam được phác họa hết sức công phu, cảm động trong “Hà Nội 12 ngày đêm, chuyện bây giờ mới kể”. Chương trình sẽ được HTV phát sóng vào giữa tháng 12 này. 

NHƯ HOA

Tin cùng chuyên mục