Mốc son 55 năm trước
Ai đi về Bắc ta theo với
Thăm lại non sông giống Lạc - Hồng
Từ thuở mang gươm đi mở cõi
Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long...(*)
Những câu thơ “tuyệt bút” này không chỉ vừa hào hùng vừa thấm đẫm tình non nước, mà còn chứa đựng một sự thật lịch sử: mảnh đất phương Nam có sự gắn bó bền chặt với đất Thăng Long, với cố đô Phú Xuân. Nam bộ nói chung và Sài Gòn - Gia Định nói riêng không bao giờ quên công lao của biết bao thế hệ Thăng Long, Phú Xuân đã tiến về Nam mở mang bờ cõi. Sử sách ghi lại, những đạo quân và nông dân của đất “Ngũ Quảng” - gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức (Thừa Thiên - Huế), Quảng Nam và Quảng Ngãi - đã “lớp cha trước, lớp con sau” đi khẩn hoang, xây dựng quê hương mới ở phương Nam. Mà đất “Ngũ Quảng” thì lại được hình thành từ bàn tay, khối óc những người dân của đất Thăng Long xưa theo chúa Nguyễn Hoàng về Trung theo lời khuyên sáng suốt Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Bởi thế, không chỉ đại diện cho ba miền đất nước còn đang vời vợi nhớ thương lúc ấy, việc ba thành phố Hà Nội - Huế - Sài Gòn trở thành những người anh em kết nghĩa đã có cội nguồn xa lắm trong lịch sử lập nước.
Vậy mà đã 55 năm kể từ buổi lễ kết nghĩa (ngày 8-10-1960) được tổ chức tại Câu lạc bộ Ba Đình (Hà Nội), với sự tham dự của hơn 1.000 đại biểu nhân dân thủ đô Hà Nội và hai hội đồng hương Huế, Sài Gòn, một sự kiện văn hóa - chính trị quan trọng đánh dấu một mốc son của tinh thần đoàn kết một lòng của nhân dân Việt Nam nói chung, của nhân dân Hà Nội - Huế - Sài Gòn nói riêng. Trong lễ kết nghĩa, bác sĩ Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội đã thay mặt nhân dân Hà Nội, đồng chí Nguyễn Hộ thay mặt nhân dân Sài Gòn - Gia Định, đồng chí Hoàng Phương Thảo thay mặt nhân dân Huế cùng nhiều anh chị em đồng hương Sài Gòn và Huế đã phát biểu, đặc biệt nhấn mạnh mối tình đoàn kết keo sơn, gắn bó giữa nhân dân Hà Nội - Huế - Sài Gòn trong sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cuộc chiến tranh giải phóng, thống nhất đất nước ở miền Nam.
Sự kiện được đánh dấu bằng câu thơ Hà Nội - Huế - Sài Gòn/ Là cây một cội, là con một nhà này đã khép lại phong trào kết nghĩa giữa hai miền Nam - Bắc mà mở đầu là giữa hai tỉnh Hà Nam và Biên Hòa. Trước đó, sáng 7-10-1960, gần 1.000 đại biểu cán bộ và đồng bào ở thủ đô Hà Nội đã tham dự buổi nói chuyện về tình hình Sài Gòn và Huế do Ban vận động kết nghĩa Hà Nội - Huế - Sài Gòn tổ chức. Hôm đó, giáo sư Trần Văn Giàu thay mặt Hội đồng hương Sài Gòn và đồng chí Hoàng Phương Thảo thay mặt Hội đồng hương Huế lần lượt trình bày về truyền thống bất khuất lâu đời và phong trào đấu tranh gian khổ nhưng vô cùng anh dũng của nhân dân Sài Gòn và Huế chống Mỹ - Diệm trong suốt 6 năm trước đó.
Còn mãi mối thâm tình Bắc - Trung - Nam
Chặng đường đi đến ngày non sông thu về một mối vẫn còn dài đến 15 năm nữa, nhưng trong suốt chặng đường ấy, các địa phương kết nghĩa đã luôn luôn sát cánh bên nhau. Phong trào kết nghĩa giữa các địa phương đã phát huy tác dụng thiết thực là động viên dân và quân miền Bắc thi đua sản xuất và chiến đấu bảo vệ miền Bắc, chi viện miền Nam; cổ vũ tinh thần hy sinh chiến đấu của quân, dân miền Nam vì sự thống nhất của đất nước.
Sau ngày giải phóng, để khắc ghi tình anh em kết nghĩa này, chính quyền thành phố Huế đã quyết định đổi tên đường Lê Thánh Tôn thành đường Hà Nội, đổi tên đường Phạm Hồng Thái thành đường Bến Nghé. Tại TPHCM, năm 1984, nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng thủ đô Hà Nội (1954-1984), UBND TPHCM cũng quyết định đổi tên Xa lộ Biên Hòa, đoạn từ cầu Sài Gòn đến cầu Đồng Nai (giáp ranh tỉnh Đồng Nai), thành Xa lộ Hà Nội.
Không chỉ có vậy, nhân dân Hà Nội đã sát cánh cùng nhân dân Thừa Thiên - Huế, TPHCM khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế và vượt qua khó khăn của thời kỳ bao cấp. Năm 1997, Hà Nội, Thừa Thiên - Huế và TPHCM thống nhất tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác toàn diện. Trong đó, phải kể tới quan hệ hợp tác, đầu tư rất phát triển giữa các doanh nghiệp của TPHCM vào Huế, Hà Nội trên nhiều lĩnh vực: thương mại dịch vụ, nông nghiệp, công nghiệp, giáo dục, y tế... Năm 2010, nhân kỷ niệm 50 năm kết nghĩa Hà Nội - Huế - Sài Gòn, lãnh đạo ba địa phương đã ký kết chương trình hợp tác giữa Hà Nội, Thừa Thiên - Huế và TPHCM, nhằm phát huy truyền thống kết nghĩa, tiếp tục xây dựng chương trình hành động và kế hoạch cho các năm tiếp theo, mở ra một giai đoạn mới trong tiến trình giao lưu, hợp tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, thúc đẩy kinh tế - xã hội của Thừa Thiên - Huế và hai thành phố lớn ngày càng phát triển.
Trong “thế giới phẳng” ngày nay, Hà Nội, Huế và TPHCM đều đã có thêm những địa phương kết nghĩa, có những địa phương ở tận nửa bên kia quả địa cầu, nhưng mối tình sắt son ruột thịt “cây một cội, con một nhà” năm nào trong những ngày khói lửa chiến tranh vẫn còn mãi.*
(*)Trong bài thơ Nhớ Bắc của nhà thơ - chiến sĩ Huỳnh Văn Nghệ, một người con Nam bộ
ANH THƯ