Hà Nội làm nút giao Cổ Linh - Vĩnh Tuy 3 tầng khác mức

Sở GTVT Hà Nội cho biết, đơn vị tư vấn đã đưa ra các phương án thiết kế hầm chui Cổ Linh. Sau khi hầm chui hoàn thành, nút giao Cổ Linh - Vĩnh Tuy sẽ là nút giao 3 tầng khác mức gồm cầu vượt, đường Cổ Linh và hầm Cổ Linh, nhằm đồng bộ năng lực toàn tuyến Vành đai 2.
Nút giao Cổ Linh hiện tại có 2 tầng khác mức
Nút giao Cổ Linh hiện tại có 2 tầng khác mức

Theo Sở GTVT Hà Nội, sau thông xe cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, TP Hà Nội đã giao các đơn vị có liên quan, lên phương án xây hầm chui tại nút giao Cổ Linh - cầu Vĩnh Tuy nhằm giải quyết ùn tắc và giảm xung đột giao thông cho khu vực phía Đông, Đông Bắc Vành đai 2.

Đơn vị tư vấn là Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) đã đề xuất 3 phương án thiết kế hầm chui Cổ Linh, gồm: hầm chui trực thông trên đường Đàm Quang Trung; hầm chui trực thông theo hướng Đàm Quang Trung kết hợp cầu chữ C cho hướng rẽ trái Cổ Linh - Vĩnh Tuy; hầm chữ Y.

Trong đó, phương án xây dựng hầm trực thông trên hướng đường Đàm Quang Trung được đánh giá là khả thi hơn cả. Phương án này sẽ tách được 2 luồng giao thông từ cầu Vĩnh Tuy đi Đàm Quang Trung, từ Cổ Linh đi Thạch Bàn, trực tiếp giải quyết xung đột giao thông tại nút. Phương án này cũng khá thuận lợi khi không phải giải phóng mặt bằng, có thể rút ngắn thời gian thi công, tiết kiệm chi phí đáng kể.

Sở GTVT Hà Nội đã yêu cầu Tư vấn TEDI lên phương án tổ chức giao thông, phân luồng hướng dẫn phương tiện di chuyển tránh khu vực thi công từ xa, kết hợp điều chỉnh nhịp đèn tín hiệu. Sở GTVT cho biết, phương án sẽ được thẩm định đồng thời với thiết kế dự án xây dựng hầm chui để sớm triển khai.

Nút giao Cổ Linh - Vĩnh Tuy là nút giao quan trọng, điểm trung chuyển lưu lượng giao thông lớn từ Vành đai 2 đi nhiều tuyến liên tỉnh. Dự báo đến năm 2050, lượng phương tiện lưu thông theo hướng QL5 cũ về cầu Vĩnh Tuy sẽ lên tới 50.232 phương tiện/ngày đêm; theo chiều ngược lại sẽ có 45.175 phương tiện/ngày đêm.

Tin cùng chuyên mục