Hà Nội phấn đấu sớm gia nhập mạng lưới “Thành phố học tập” của UNESCO

Các cấp, các ngành và toàn xã hội đều phải vào cuộc để công tác khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập có kết quả tương xứng với vị trí, vai trò của Thủ đô; tập trung xây dựng xã hội học tập gắn với xây dựng văn hóa, xây dựng con người Hà Nội thanh lịch, văn minh. 

Thiếu đồng bộ, chưa quyết liệt

Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn TP Hà Nội từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, Nghị quyết số 23-NQ/TU nêu rõ, đến nay, TP Hà Nội đã hoàn thành cả 4 mục tiêu cơ bản của Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020” (theo Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 9-1-2013 của Thủ tướng Chính phủ), trong đó có nhiều chỉ tiêu đạt cao hơn tỷ lệ chung của cả nước, đặc biệt có 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở mức độ 3.

TP Hà Nội đã hoàn thành được nhiều mục tiêu về khuyến học, khuyến tài

TP Hà Nội đã hoàn thành được nhiều mục tiêu về khuyến học, khuyến tài

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập của một số đơn vị còn thiếu đồng bộ, chưa quyết liệt, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra; có nơi còn lúng túng. Một số khó khăn của hội khuyến học chưa giải quyết được do còn vướng mắc về cơ chế; hoạt động của một số chi hội, ban khuyến học, hội cơ sở còn chung chung, hình thức, chậm đổi mới, chậm đại hội nhiệm kỳ. Bên cạnh đó, việc vận động, xây dựng quỹ khuyến học còn thấp so với tiềm năng của thành phố; việc xây dựng tổ chức khuyến học, đơn vị học tập còn nhiều khó khăn ở một số cơ quan, đơn vị.

Xây dựng xã hội học tập

Trước thực trạng trên, trong Nghị quyết số 23-NQ/TU, Thành ủy Hà Nội chỉ rõ đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ chính trị quan trọng của cả hệ thống chính trị. Các cấp, các ngành và toàn xã hội đều phải vào cuộc để công tác khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập có kết quả tương xứng với vị trí, vai trò của Thủ đô; tập trung xây dựng xã hội học tập gắn với xây dựng văn hóa, xây dựng con người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Đồng thời, phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên trước hết là người đứng đầu đối với công tác khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập. Phấn đấu mỗi tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, gia đình cán bộ, đảng viên trở thành “Đơn vị học tập”, “Công dân học tập”, “Gia đình học tập” để làm nòng cốt trong việc xây dựng các mô hình học tập trong nhân dân; mỗi doanh nghiệp là hạt nhân quan trọng trong việc đào tạo, đào tạo lại người lao động; mỗi người dân có ý thức tự học để nâng cao trình độ bản thân, nhất là năng lực tự học trong kỷ nguyên số để góp phần triển khai thành công phong trào thi đua “Cả nước xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030” mà Thủ tướng Chính phủ đã phát động.

Mục tiêu đề ra nhằm đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của nhân dân Thủ đô, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; huy động sức mạnh của toàn xã hội tham gia xây dựng và phát triển giáo dục. Phấn đấu Thủ đô Hà Nội gia nhập mạng lưới “Thành phố học tập” của UNESCO trong thời gian sớm nhất.

75-80% người lao động được qua đào tạo

Với mục tiêu đề ra như trên, trong Nghị quyết số 23-NQ/TU cũng đặt ra những mục tiêu cụ thể phấn đấu đến năm 2025 đạt được những kết quả, như: duy trì kết quả đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; duy trì tỷ lệ người trong độ tuổi từ 15 - 60 tuổi biết chữ đạt 99,5% trở lên; tỷ lệ người mới biết chữ tiếp tục học tập và không tái mù chữ đạt 95%; 100% quận, huyện, thị xã duy trì, giữ vững kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo; duy trì kết quả đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; 100% quận, huyện, thị xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3.

Hà Nội tôn vinh các tấm gương sáng trong học tập

Hà Nội tôn vinh các tấm gương sáng trong học tập

Về năng lực cơ bản và trình độ của người dân, tỷ lệ lao động được qua đào tạo đạt 75 - 80%, trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 55 - 60%; tỷ lệ người trong độ tuổi lao động được trang bị năng lực thông tin đạt 50%; tỷ lệ người trong độ tuổi lao động được trang bị kỹ năng sống đạt 50%; tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên được đào tạo trình độ chuyên môn kỹ thuật đạt 50%...

Về việc xây dựng các mô hình học tập, phấn đấu tỷ lệ người dân đạt danh hiệu công dân học tập đạt 50%; tỷ lệ người dân có kỹ năng số đạt 50%; tỷ lệ gia đình, dòng họ, cộng đồng đạt danh hiệu gia đình, dòng họ, cộng đồng học tập đạt 60%; tỷ lệ đơn vị được công nhận là đơn vị học tập đạt 50%; 40% quận, huyện, thị xã được công nhận danh hiệu huyện học tập theo các tiêu chí do cơ quan có thẩm quyền ban hành; đăng ký danh hiệu “Thành phố học tập” theo tiêu chí do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Đến năm 2030, Nghị quyết đặt mục tiêu: Tỷ lệ người lao động được qua đào tạo đạt 80 - 85%; tỷ lệ người trong độ tuổi lao động được trang bị năng lực thông tin đạt 70%; tỷ lệ người trong độ tuổi lao động được trang bị kỹ năng sống đạt 70%; tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên được đào tạo trình độ chuyên môn kỹ thuật đạt 60%.

Tin cùng chuyên mục