Hài hòa giữa kiểm soát lạm phát và tăng trưởng

Việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2014 tăng 1,84% so với tháng 12-2013 - thấp nhất trong hơn 10 năm qua - được coi là thành công của việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Hài hòa giữa kiểm soát lạm phát và tăng trưởng

Việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2014 tăng 1,84% so với tháng 12-2013 - thấp nhất trong hơn 10 năm qua - được coi là thành công của việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

 Tuy nhiên, việc CPI tăng quá thấp sẽ gây ra những tác dụng phụ và cần có sự tính toán điều chỉnh chính sách để đảm bảo cho sự phát triển tốt hơn trong năm 2015. Đó là nhận định của PGS-TS Ngô Trí Long (ảnh) - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP.

* Phóng viên: Khái quát về điều hành giá cả năm 2014, ông có thể nói gì?

Hài hòa giữa kiểm soát lạm phát và tăng trưởng ảnh 1

* PGS-TS NGÔ TRÍ LONG: Lạm phát là căn bệnh trầm kha của nền kinh tế Việt Nam trong nhiều năm, gây nhiều tác hại đối với nền kinh tế. Do vậy, việc liên tục 3 năm liền chúng ta đã kiểm soát được lạm phát ở một chữ số (năm 2012, 2013, 2014 lần lượt là 5,25%, 5,42% và 1,84%) đã có tác động tích cực đến ổn định kinh tế vĩ mô. Năm 2014 lạm phát thấp ở mức kỷ lục trong 13 năm qua là sự cộng hưởng của các yếu tố khách quan và chủ quan. Yếu tố chủ quan là cầu trong nước phục hồi yếu, người dân tiếp tục thắt chặt chi tiêu sau các năm suy giảm kinh tế. Chính phủ nhất quán điều hành với chính sách tiền tệ - tài khóa thắt chặt khiến cho nguồn cầu của người tiêu dùng giảm, đầu tư của doanh nghiệp và chi tiêu của Chính phủ bị thu hẹp. Yếu tố khách quan là lạm phát toàn cầu có xu hướng giảm và mặt hàng xăng dầu giảm giá rất mạnh, ngoài dự đoán những tháng cuối năm 2014 là tác nhân hết sức quan trọng tới giá tiêu dùng giảm. Kiềm chế lạm phát thấp là điểm sáng, một thành tích nổi bật của năm 2014, đây là điều được thừa nhận. Việc lạm phát thấp là dấu hiệu tích cực và sẽ mang lại cho nền kinh tế nhiều lợi ích, đó là sự biểu hiện của ổn định kinh tế vĩ mô.

* Lạm phát thấp được coi là thành công. Nhưng cái gì cũng có hai mặt. Việc lạm phát quá thấp so với mục tiêu đã gây ra những tác dụng phụ như: sức mua ì ạch, hoạt động kinh tế cũng ngưng trệ, thưa ông?

Đúng vậy. Nếu so với nghị quyết của Quốc hội đề ra năm 2014 là 7% và dự kiến của Chính phủ là 5% thì con số 1,84% là rất thấp, ngoài dự kiến rất xa. Việc kiềm chế lạm phát thấp do thắt chặt chính sách tiền tệ khiến nguồn cầu của tiêu dùng yếu đi, đầu tư của doanh nghiệp và chi tiêu của Chính phủ bị thu hẹp. Trong điều kiện kinh tế Việt Nam khi vốn của doanh nghiệp phụ thuộc lớn vào vay ngân hàng thì việc thắt chặt tiền tệ sẽ tác động đến hoạt động doanh nghiệp (cắt giảm quy mô sản xuất), việc làm (thu nhập thấp, thắt chặt chi tiêu), tăng trưởng kinh tế, chính sách tài khóa (như giảm nguồn thu ngân sách)... Bản chất lạm phát quá thấp do tổng cầu chưa được cải thiện; không phải do năng suất chất lượng trong hoạt động sản xuất kinh doanh được nâng lên, làm cho chi phí sản xuất và giá thành hạ.

Tôi cho rằng, việc quá chú trọng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát dẫn đến việc tăng trưởng kinh tế dưới tiềm năng, trong tương lai có thể gây mất cân đối cung cầu hàng hóa và tạo ra lạm phát do thiếu cung. Rõ nhất là tăng trưởng kinh tế bị suy giảm về tốc độ thời gian qua. Tuy trong các năm 2012, 2013 và 2014 có xu hướng năm sau cao hơn năm trước, nhưng vẫn còn thấp so với năm 2010 (6,42%), 2011(6,24%) và trong giai đoạn 1991 - 2010 tăng trưởng bình quân 7,2%/năm.

Cần thấy rõ giá tiêu dùng tăng thấp bằng cách này rõ ràng là không bền vững, không mong muốn, điều này khiến nền kinh tế suy yếu. Quỹ Tiền tệ quốc tế cũng cảnh báo rằng kể cả một giai đoạn lạm phát ổn định nhưng thấp cũng có thể gây tác hại.

* Đã có nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hiện nay và thời gian tới, Chính phủ hoàn toàn có thể tính toán đến việc nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích tiêu dùng. Quan điểm của ông thế nào?

* Biện pháp kích cầu tiêu dùng có thể là giảm thuế hoặc tăng chi tiêu hoặc cả hai. Nhưng kích cầu thường chỉ được dùng khi nền kinh tế lâm vào trì trệ hay suy thoái, đang cần vực dậy. Đặc biệt, kích cầu hay được sử dụng khi nền kinh tế rơi vào trạng thái bẫy thanh khoản, khi mà chính sách tiền tệ trở nên mất hiệu lực vì lãi suất đã quá thấp, nhằm tác động tới tổng cầu. Để biện pháp kích cầu có hiệu quả thì việc thực hiện phải đảm bảo: đúng lúc, trúng đích và vừa đủ. Nếu thực hiện sớm quá, kích cầu có thể làm cho nền kinh tế trở nên nóng và tăng áp lực lạm phát. Nhưng nếu thực hiện chậm quá thì hiệu quả sẽ giảm.

Việc sử dụng kích cầu như một công cụ chính sách để ổn định kinh tế vĩ mô hiện đang nhận được cả ủng hộ lẫn phản đối. Những người phản đối kích cầu đưa ra luận điểm vì nền kinh tế hoạt động còn kém hiệu quả, nên không những không hiệu quả mà còn đem lại thâm hụt ngân sách và hệ quả tiếp theo là nợ Chính phủ gia tăng.

* Vậy, theo ông, giải pháp nào là hợp lý sắp tới?

Trong ngắn hạn, Chính phủ vẫn cần tiếp tục chính sách kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, song đồng thời cũng cần thực hiện chính sách hỗ trợ phục hồi tăng trưởng để doanh nghiệp vượt qua khó khăn như nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa (đầu tư công). Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2015, trên cơ sở kiểm soát lạm phát đã và sẽ được kiềm chế tốt hơn thì vẫn phải nới lỏng chính sách tiền tệ. Việc cung tiền cho nền kinh tế sẽ được đảm bảo với tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán, đồng thời duy trì được tính thanh khoản cho các tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, việc tín dụng cho nền kinh tế được đẩy ra mạnh hơn thông qua tháo gỡ các rào cản tiếp cận nguồn vốn, xử lý nợ xấu sẽ đem lại tích cực cho khối doanh nghiệp ngoài nhà nước - động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế - đang gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, biện pháp này vẫn chỉ có thể giúp tăng trưởng xoay quanh 6%. Điều quan trọng là Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Đây là điều kiện quan trọng để nâng cao hiệu quả và năng suất. Cải thiện, nâng cao năng suất và hiệu quả của nền kinh tế cũng như của các doanh nghiệp là nhân tố quyết định tới sự phát triển ổn định, bền vững của nền kinh tế. Bởi nếu không sớm hay muộn cũng lại dẫn đến lạm phát và bất ổn kinh tế vĩ mô.

* Nhưng, nếu thực hiện các biện pháp nới lỏng mạnh thì lạm phát năm 2015 cũng sẽ đối mặt với nhiều áp lực hơn, nhất là khi điều chỉnh tăng đầu tư công, dư nợ tín dụng, giá điện, than và dịch vụ công... Theo ông, làm cách nào để xử lý hài hòa vấn đề này?

Để đạt được mục tiêu CPI năm 2015 tăng khoảng 5%, tăng trưởng kinh tế đạt 6,2%, tôi cho rằng vẫn cần tiếp tục kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời thực hiện tốt các giải pháp, như: tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, chính sách tài khóa chặt chẽ. Trong đó, điều hành lãi suất phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp... Đặc biệt, việc điều chỉnh giá các mặt hàng cơ bản và dịch vụ công cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành liên quan và lộ trình hợp lý về thời điểm tăng giá, mức tăng giá.

Ngoài ra, trong điều hành, kiểm soát lạm phát, theo tôi, đã đến lúc cần có sự thay đổi. Hiện nay khi tranh luận về tăng trưởng và lạm phát, nhiều quan điểm cho rằng, điều hành theo lạm phát mục tiêu, ổn định ở mức hợp lý, chứ không phải cứ thật thấp là tốt. Nếu không có giải pháp phù hợp thì tăng trưởng sẽ dưới mức tiềm năng và tụt hậu về kinh tế. Lạm phát năm 2014 cho thấy cần phải thay đổi cách đặt mục tiêu lạm phát hàng năm, trung hạn mà nhiều nước trên thế giới đang làm. Cụ thể, Chính phủ vẫn thực hiện mục tiêu lạm phát như hiện nay như là mức trần, nhưng sẽ quy định thêm mức tối thiểu nhằm tạo một hành lang an toàn, tin cậy và cho phép được sử dụng linh hoạt các công cụ chính sách để đạt tới nhiều mục tiêu vĩ mô khác nhau. Chẳng hạn như ở năm 2015, Chính phủ nên coi chỉ tiêu CPI 5% là mức lạm phát mục tiêu, mức sàn có thể được ấn định ở khoảng 3%, và các năm sau cũng như vậy. Từ đó, Ngân hàng Nhà nước tính toán, điều hành chính sách tiền tệ sao cho đạt được mục tiêu trung hạn ưu này.

Xin cảm ơn ông.

NGỌC QUANG (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục