Hai mặt vấn đề nhập cư

Châu Âu, tháng 4. Thời tiết khá mát mẻ và thậm chí là lạnh với nhiều người khi nền nhiệt độ trung bình tại khu vực từ 14-16°C. Tuy nhiên, bầu không khí tại Luxembourg ngày 11-4 trở nên ngột ngạt với cuộc họp của các bộ trưởng Tư pháp các nước thành viên của liên minh châu Âu (EU). Chủ đề “nóng” được tập trung bàn thảo trong cuộc họp là tình trạng di cư bất hợp pháp trong thời gian qua khiến không ít chính phủ phải đau đầu.

Di cư toàn cầu là vấn đề không còn mới mẻ. Xung đột chính trị, điều kiện sống tại nhiều khu vực bị đe dọa, khoảng cách giàu nghèo giữa các châu lục, các quốc gia… khiến làn sóng di cư bùng nổ mạnh mẽ. Ngoại trưởng Ý, ông Franco Frattini, đã phải kêu gọi EU khẩn trương cùng Ý phân chia gánh nặng 20.000 người Tunisia di cư đến các bờ biển của Ý trong những tuần qua. Theo thống kê của Tổ chức Di trú quốc tế (IOM), hiện có 240 triệu người di cư trên toàn thế giới. 10 năm trước con số này chỉ là 60 triệu.  

Nhiều nước phát triển trên thế giới giờ đây dị ứng với cụm từ “di cư” bởi những hệ lụy mà xã hội các nước này phải hứng chịu từ vấn đề trên. Ngoài thảm họa nhân đạo do các quốc gia không có đủ kinh phí lo cho người di cư, nguy cơ buôn người, buôn lậu trở nên khó kiểm soát. Tình trạng các chủ tàu khi đưa người vượt biên với thỏa thuận mang theo hàng hóa buôn lậu hoặc tiền bất hợp pháp rất phổ biến.

Với số lượng người nhập cư lớn, tình hình tội phạm ở biên giới ngày càng trở nên phức tạp. Người nhập cư bất hợp pháp thường là những lực lượng lao động sống bên lề xã hội, do đó vừa bị bóc lột dễ dàng và cũng là đối tượng lý tưởng để các băng đảng xã hội đen lôi kéo.

Tuy nhiên, theo Đại sứ EU tại Indonesia và Brunei, ông Julian Wilson, vấn đề di cư không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội cho các nước tiếp nhận và “xuất khẩu”.

Tại Ý, một số ngành nghề lao động đơn giản mà hầu như người dân bản địa không mấy ai còn muốn làm như: giúp việc cho các gia đình, làm việc ở các cơ sở luyện kim, quét rác, thậm chí nghề “gia truyền” làm pizza bây giờ cũng chẳng mấy khi thấy chính người Ý đứng làm.

Gần 80% các cửa hàng pizza ở Ý hiện nay đều có “đầu bếp” là người Ai Cập. Điều này dẫn đến hai hiện tượng. Thứ nhất, tỷ lệ thuế thu nhập của người nước ngoài phải đóng cho chính phủ Ý ngày một tăng, làm giàu cho ngân sách quốc gia. Thứ hai, nếu không có những người nhập cư, nước Ý sẽ bị khủng hoảng lao động trong những ngành nghề nói trên.

Rất nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng lâm vào tình cảnh như Ý khi dân số già, lực lượng lao động không có nên phải hút các lao động nhập cư có kỹ năng từ các quốc gia khác. Trong khi đó, những quốc gia “xuất khẩu” lao động cũng thu về những nguồn lợi không nhỏ. Ông Wilson cho biết, theo một thống kê năm 2009, có đến 440 tỷ USD được các lao động nhập cư gửi về quê nhà, một yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy kinh tế mỗi quốc gia và kinh tế toàn cầu.

Di cư toàn cầu là hiện tượng tất yếu của xã hội phát triển, đặt ra cả cơ hội và thách thức cho thế giới. Để ngăn chặn nạn di cư bất hợp pháp và khuyến khích di cư tích cực, chính phủ các nước rất cần một chính sách  nhập cư hợp lý, chặt chẽ về luật pháp sao cho hài hòa về lợi ích kinh tế cũng như xã hội giữa các nước liên quan.

ĐỖ VĂN

Tin cùng chuyên mục