
Trước sức ép của quá trình đô thị hóa, gia tăng dân số, di dân tập trung tại các đô thị lớn... có lẽ chưa bao giờ vấn đề môi trường và xử lý rác thải đang được các nước châu Á, đặc biệt là các nước đang phát triển, quan tâm như hiện nay. Trong các giải pháp xử lý rác đang được một số nước trong khu vực thực hiện thành công, thì giải pháp chôn rác thải xếp sau cùng vì rác thải vẫn có vai trò đóng góp nhất định cho xã hội.

Bãi rác Payatas ở miền Nam Philippines
Rác - “khối u” ở đô thị
Rác thải đang được xem là thách thức cho nhiều nước trên thế giới nói chung và trong khu vực nói riêng. Rác thải được xem là “khối u” đang gây ra nỗi đau nhức nhối cho môi trường tại thủ đô và các thành phố lớn ở châu Á hiện nay. Philippines là một trong những nước đang phát triển đầu tiên trong khu vực phải đối mặt với sự gia tăng rác thải khổng lồ. Ngoài Smokey Mountain - một trong những bãi chôn rác lớn nhất trên thế giới - tại thủ đô Manila, rất nhiều bãi rác tập trung ở phía Nam như bãi rác Las Pinas, bãi rác Payatas…, nơi người dân nghèo đối mặt với vô vàn thứ độc hại vì tiếp xúc với rác thải mỗi ngày. Không chỉ ở Philippines, mà cảnh tượng tương tự còn diễn ra ở Mumbai của Ấn Độ. Nếu như thủ đô Jakarta của Indonesia đau đầu với những dòng sông rác thì thủ đô Bangkok của Thái Lan nhiều lần bị bao phủ bởi sương khói khi các bãi chôn rác ở thành phố này bắt lửa.
Đây chính là kết quả của quá trình đô thị hóa và phát triển công nghiệp. Theo số liệu của Ngân hàng thế giới, rác thải đang có xu hướng tăng nhanh ở Đông Á, đặc biệt là Trung Quốc và từ năm 2025, có nhiều khả năng tình hình đó sẽ diễn ra ở Nam Á.
Tái chế và tái sử dụng
Cho đến nay, các mô hình xử lý rác thải thành công và hiệu quả nhất trong khu vực phải kể đến các giải pháp xử lý rác thải ở Nhật Bản, Singapore, Thái Lan… Tại Nhật Bản, các hộ gia đình được yêu cầu phân chia rác thành 3 loại: rác hữu cơ dễ phân hủy để đưa đến nhà máy sản xuất phân bón; loại rác không cháy được như các loại vỏ chai, hộp… để tái chế; loại rác khó tái chế, hoặc hiệu quả không cao sẽ đưa đến nhà máy đốt rác thu hồi năng lượng. Với quy trình phân loại rác vô cùng nghiêm ngặt trước khi đưa vào xử lý, người ta đã hiểu vì sao nước lũ ở Nhật Bản lại trong hơn nước bể bơi.
Bên cạnh biện pháp tái chế, rác thải của Nhật Bản sẽ được đem đi đốt bằng công nghệ đốt hóa lỏng tầng sôi thân thiện (Circulation fluidized bed - CFB) để tránh ảnh hưởng xấu đến không khí, tro bụi không ảnh hưởng xấu đến đất đai và còn tận dụng nhiệt lượng tỏa ra trong quá trình đốt để sản xuất điện. Đây được xem là giải pháp phù hợp với tình hình Nhật Bản trong thời điểm hiện tại khi nước này dừng toàn bộ chương trình điện hạt nhân trên toàn quốc sau thảm họa Fukushima vào năm 2011. Hiện đã có nhiều nước nhập khẩu công nghệ này như Trung Quốc, Thái Lan và Singapore. Ngoài đốt và tái chế rác, Nhật Bản còn chôn nén rác để mở rộng diện tích đất. Đó là 249km2 đất tại vịnh Tokyo hay đảo nhân tạo đang có sân bay quốc tế Chubu Centrair gần thành phố Nagoya và sân bay Kansai...
Quy trình xử lý rác thải của đảo quốc Singapore cũng là mô hình đáng để các thành phố lớn khác học hỏi khi tỷ lệ tái chế rác hiện ở ngưỡng rất cao là 60%. Cũng phân loại, tái chế và dùng cách đốt rác, nhờ đó giảm được lượng rác đổ vào các bãi chôn trong khi đáp ứng gần 3% nhu cầu điện năng của cả nước. Singapore đang có kế hoạch xây dựng nhà máy thứ 5 đốt rác thải thành điện, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2019.
Một khi đã qua tái chế, qua đốt xử lý…, rác thải còn lại 10% so với số lượng ban đầu sẽ được chuyển đến chôn ở bãi rác Semakau, bãi rác duy nhất của Singapore được xây dựng trên phần đất lấn biển, cách trung tâm thành phố 8km về phía Nam. Trong kế hoạch Singapore Xanh 2012 được thông qua vào năm 2006, Singapore đã ưu tiên giảm thiểu rác thải để giảm lượng chất thải phát sinh, đặc biệt từ các hộ gia đình qua các thỏa thuận tự nguyện với các ngành công nghiệp bao bì, giải khát và thực phẩm để giảm lượng bao bì tạo ra. Thống kê cho thấy có đến 63% hộ dân tham gia mặc dù tỷ lệ rác có thể tái chế thu hồi trong dân chỉ chiếm 13%.
Cũng như các nước đang phát triển khác, Thái Lan đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng trong lĩnh vực quản lý chất thải. Trước những năm 1990, hầu hết rác thải thu gom từ các đô thị Thái Lan đều được đổ xuống các bãi mở ngoài trời. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Chính phủ Thái Lan đã nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng quản lý chất thải và di dời các bãi rác thải ra xa khu vực dân cư. Các chính sách của chính phủ khuyến khích chính quyền địa phương và các ngành công nghiệp tư nhân đã góp phần giúp tỷ lệ tái chế rác ở Thái Lan đã tăng lên 25%, hơn mục tiêu của chính phủ đề ra là 22% và cung cấp cho các cộng đồng địa phương tiềm năng tạo ra thu nhập. Nhiều doanh nghiệp tái chế ăn nên làm ra và vươn ra khỏi quốc gia. Điển hình là Wongpanit, một doanh nghiệp thu mua chất thải tư nhân hiện có 400 chi nhánh trên toàn Thái Lan. Các khâu tiền xử lý rác thải như làm sạch, nén chặt, đóng bánh... đã tạo công ăn việc làm và cải thiện thu nhập đáng kể cho người dân địa phương. Hiện Wongpanit có thể xử lý 200 - 250 tấn rác thải mỗi ngày và đang phát triển quy mô sang cả các nước khác như Lào, Trung Quốc, Malaysia và Ấn Độ.
Tái chế được xem là giải pháp bền vững nhờ thu hồi một số lượng đáng kể nguyên liệu mà cũng gián tiếp làm giảm nhu cầu đối với nhiên liệu hóa thạch qua việc phục hồi vật liệu, giúp tiết kiệm nhiên liệu hóa thạch ròng hàng năm. Tại Singapore, ước tính tiết kiệm nhiên liệu hóa thạch lên đến tương đương 25.580 tấn dầu thô. Nhìn lại các giải pháp, Eugene Tay, Giám đốc tổ chức phi lợi nhuận Zero Waste SG, từng nhận định: “Hạn chế và tái chế của quy trình xử lý rác thải hiện được xem là giải pháp bền vững. Vứt bỏ rác chỉ nên xem là một lựa chọn cuối cùng”.
KHÁNH HƯNG (tổng hợp)