Hạn chế xe cá nhân cần những giải pháp đồng bộ

  Các giải pháp của Sở Giao thông Vận tải TPHCM hạn chế xe cá nhân chỉ mới dừng ở ý tưởng nhưng đã gây xôn xao dư luận những ngày gần đây. TS Nguyễn Quốc Hiển (ảnh), Trưởng khoa Công trình Giao thông, Trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM, thừa nhận, đến giờ đề án này mới chỉ dừng lại ở “ý tưởng” là quá muộn.
Hạn chế xe cá nhân cần những giải pháp đồng bộ
Hạn chế xe cá nhân cần những giải pháp đồng bộ ảnh 1

Các giải pháp của Sở Giao thông Vận tải TPHCM hạn chế xe cá nhân chỉ mới dừng ở ý tưởng nhưng đã gây xôn xao dư luận những ngày gần đây. TS Nguyễn Quốc Hiển (ảnh), Trưởng khoa Công trình Giao thông, Trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM, thừa nhận, đến giờ đề án này mới chỉ dừng lại ở “ý tưởng” là quá muộn.

- Người dân thành phố trong những ngày qua đặc biệt quan tâm đề án hạn chế xe cá nhân của Sở Giao thông Vận tải TPHCM trình UBND TPHCM. Đề án kiến nghị tăng thuế, phí để “đẩy” giá xe lên, quản lý xe đăng ký mới thông qua quota (đấu giá quyền sở hữu xe để khống chế số lượng)… Tất cả giải pháp trên không nằm ngoài mục đích hạn chế xe cá nhân. Quan điểm của TS như thế nào?

- Trước tiên phải thấy rằng, TPHCM không thể không có các giải pháp căn cơ để hạn chế xe cá nhân. Hiện nay, TPHCM đã trở thành một trong 30 siêu đô thị đông dân nhất thế giới. Gần như tất cả siêu đô thị này đều có các biện pháp hạn chế sự tăng trưởng xe cá nhân. Do vậy, đến bây giờ TPHCM mới đề xuất đề án này theo tôi là quá muộn.

Với tốc độ tăng trưởng ô tô trên địa bàn TPHCM là 15%/năm, cứ sau 5 năm, lượng xe của thành phố tăng gần gấp đôi. Một số nghiên cứu của chúng tôi cũng chỉ ra rằng, rất nhiều tuyến đường trong đô thị, nếu chỉ tăng thêm 10% số phương tiện thì tốc độ di chuyển trung bình của dòng xe sẽ giảm thêm 30%. Ở đâu cũng vậy, khả năng đáp ứng của hệ thống hạ tầng giao thông có hạn, đất đai có hạn và nguồn lực tài chính có hạn. Do vậy, bên cạnh việc đầu tư mở rộng, xây thêm đường sá thì để giải quyết bài toán không có cách nào khác là chúng ta phải giảm nhu cầu đi lại, thông qua việc quy hoạch đô thị và chia sẻ nhu cầu đi lại, tức sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.

- Trong thời gian qua, một số ý kiến cho rằng hạn chế xe cá nhân là do đường sá không đáp ứng được nhu cầu. TS nhận định như thế nào về thực trạng này?

- Đúng là tỷ lệ đất dành cho giao thông của TPHCM ở mức thấp, đặc biệt tại khu vực các quận trung tâm. Tuy nhiên, chúng ta không thể làm khác với cách mà các thành phố khác trên thế giới đã làm. Đó là phát triển hệ thống giao thông công cộng để hạn chế xe cá nhân. Ngoài ra, cần phải xem lại công tác quy hoạch giao thông và quy hoạch đô thị đã được thực hiện tốt hay chưa khi mà các khu dân cư, các dự án mọc lên rất nhiều nhưng hạ tầng giao thông lại không được cải thiện bao nhiêu.

- Nếu TPHCM thông qua đề án của Sở Giao thông Vận tải TPHCM, nó sẽ tác động, ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là đời sống người dân thành phố?

- Trong một nghiên cứu của Tập đoàn Siemens, giao thông được xem là mối quan tâm hàng đầu trong việc phát triển kinh tế. Giao thông chiếm một tỷ lệ lớn trong quỹ thời gian cũng như thu nhập của mỗi cư dân đô thị. Do vậy, nếu thực hiện đề án sẽ ảnh hưởng đến gần như tất cả cư dân đang sinh sống và làm việc tại TPHCM. Việc đi lại của mình bị hạn chế nên mọi người có phản ứng đầu tiên không tích cực cũng là dễ hiểu. Điều này đòi hỏi sự đồng thuận và sự chia sẻ của mỗi người dân. Nếu mỗi người hy sinh một ít thì giao thông thành phố sẽ được lợi rất nhiều.

- Thực tế cho thấy, hiện nay các nước đang hướng người dân chọn phương tiện giao thông công cộng. Vậy, Việt Nam liệu có làm được điều này hay không, cụ thể là TPHCM?

- Đúng vậy. Các quốc gia và các thành phố giàu có, văn minh trên thế giới đều có hệ thống giao thông công cộng phát triển. Một hệ thống giao thông công cộng phát triển sẽ phải dựa trên hệ thống bánh sắt như tàu điện, metro. Để làm được điều này, cần có một sự quyết tâm rất lớn từ chính quyền TPHCM cũng như Trung ương. Lấy ví dụ, hơn 10 năm trước, nhờ quyết tâm thay đổi, Thị trưởng Seoul khi đó là Lee Myung-bak đã biến thành phố này từ một thành phố toàn bê tông cốt thép trở thành một đô thị xanh như hiện nay. Gần đây hơn, Chính phủ Trung Quốc đã dốc toàn lực cho việc phát triển giao thông công cộng.

Tình trạng kẹt xe vào giờ cao điểm luôn là nỗi ám ảnh của người dân TPHCM

- Vậy theo TS,  đâu là liều thuốc đặc trị để giải quyết triệt để tình trạng ùn tắc giao thông hiện nay tại các thành phố lớn của cả nước?

- Tôi cho rằng trước hết phải tập trung cho phát triển giao thông công cộng, cụ thể là dồn sức đầu tư cho hệ thống vận tải hành khách khối lượng lớn như metro, đường sắt, đồng thời tái cấu trúc lại hệ thống xe buýt để tăng khả năng tiếp cận cho người dân. Tuy nhiên, để giao thông công cộng thu hút người dân, cần tạo môi trường cho họ có thể đi bộ. Như vậy, hệ thống vỉa hè các tuyến đường phải được quản lý chặt chẽ, tạo lề đường thông thoáng, đi lại thuận tiện. Tiếp đó, cần có ngay các giải pháp hạn chế sự tăng trưởng của ô tô bởi đây mới là nguyên nhân chính gây ùn tắc trong đô thị. Cuối cùng là có các giải pháp quản lý xe máy để hạn chế và hướng đến lộ trình cấm hẳn phương tiện này trong tương lai khi hệ thống giao thông công cộng đi vào quỹ đạo.

Phó GS.TS Phạm Xuân Mai, Giảng viên Đại học Bách khoa TPHCM: 

Nên đẩy nhanh các dự án giao thông công cộng

Theo tôi, nếu hạn chế xe cá nhân thì nên tập trung hạn chế xe máy. Riêng với các loại ô tô không nên tăng thuế, phí mà nên hạn chế đi lại trong khu trung tâm. Cá nhân tôi cho rằng, việc hạn chế xe cá nhân chỉ là giải pháp tạm thời. Giải pháp tốt nhất là tăng cường giao thông công cộng, các dự án giao thông công cộng phải được phát triển nhanh, làm sao để giao thông công cộng chiếm đến 30-40% nhu cầu, lúc đó mới giải quyết căn bản được việc ách tắc giao thông tại TPHCM. Bên cạnh đó, phải quy hoạch lại mạng lưới giao thông TPHCM, để các trung tâm đô thị, thương mại ở khu vực nội thành phải được giãn ra thông qua các thành phố vệ tinh. Hiện nay, các dự án giao thông công cộng hiện đại của TPHCM như tàu điện ngầm triển khai quá chậm.

Th.S Phạm Sanh, Chuyên gia trong lĩnh vực giao thông:

Phải thực hiện đồng bộ các giải pháp

Thời gian gần đây, nền kinh tế đã có dấu hiệu hồi phục, số lượng ô tô cá nhân tăng nhanh, hiện tượng kẹt xe xảy ra thường xuyên ở TPHCM. Nội dung đề án nặng về hạn chế xe cá nhân, nhẹ về phát triển hạ tầng và hệ thống giao thông công cộng. Vì vậy, muốn giải quyết chuyện kẹt xe ở TPHCM phải giải quyết căn cơ 3 vấn đề cơ bản: phát triển hạ tầng, phát triển hệ thống giao thông công cộng và kiểm soát tốt quy hoạch đô thị.

Thiên Trang - Hương Giang

Tin cùng chuyên mục