Như nhiều nước đang phát triển, Việt Nam cũng đang đối mặt rất nhiều vấn đề xã hội từ giáo dục, y tế đến môi trường, đô thị... và vấn nạn kẹt xe tại các đô thị lớn đang hàng ngày, hàng giờ làm nhức đầu các nhà quản lý, làm chính sách và đặc biệt đang gây bức xúc trong người dân tại các thành phố lớn, những người đang hàng ngày sống chung với vấn nạn kẹt xe.
Có nhiều lý do, người thì cho rằng do lượng xe cá nhân phát triển quá nhanh trong khi đường sá đô thị phát triển theo không kịp, người lại bảo do quy hoạch chưa hợp lý, thiếu đô thị vệ tinh, người dân sống ở ngoại thành nhưng làm việc ở trung tâm nên buổi sáng kẹt xe đường vào, buổi chiều kẹt xe đường ra... Lý do nào cũng đúng, cũng hợp lý, vấn đề là giải pháp nào để hạn chế kẹt xe.
Cách đây khoảng 10 năm, vấn nạn kẹt xe đã rộ lên, nhiều cơ quan chức năng, cá nhân đã hiến kế, không ít tờ báo đã mở diễn đàn hiến kế nhằm giảm kẹt xe. Nhiều giải pháp được đưa ra bàn luận, từ việc quy hoạch đô thị vệ tinh, điều chỉnh lệch giờ làm việc của người lớn, giờ học của học sinh - sinh viên đến hạn chế xe cá nhân.
Thực tế nhiều giải pháp đã được áp dụng, còn nhớ TPHCM từng thực hiện giải pháp mỗi người chỉ được đăng ký đứng tên sử dụng 1 xe 2 bánh gắn máy nhưng rồi chỉ vài năm sau phải bãi bỏ quy định này. Giải pháp trợ giá vé xe buýt để người dân tăng cường đi xe buýt tuy đạt được kết quả bước đầu nhưng vẫn chưa giải quyết vấn đề một cách căn cơ. Có địa phương thí điểm thực hiện giải pháp điều chỉnh lệch giờ làm việc, giờ học giữa các cơ quan, trường học... nhưng chỉ sau thời gian ngắn phải trở về như cũ.
Thời gian gần đây, vấn nạn kẹt xe lại được dư luận đặt vấn đề, vì sao sau hàng chục năm phát triển, nhiều giải pháp cùng tiền bạc đổ vào để giải quyết nạn kẹt xe, nhưng tình trạng này vẫn chưa chuyển biến là bao. Và thế là không ít giải pháp lại được đề xuất nhưng xem ra cũng chưa có gì mới. Vẫn là hạn chế xe cá nhân, phát triển phương tiện vận tải hành khách công cộng. Nếu như trước đây tập trung hạn chế xe 2 bánh gắn máy thì nay chuyển sang hạn chế ô tô, tiếp tục trợ giá và đầu tư cho vận tải hành khách công cộng...
Về nguyên lý, những giải pháp trên đều đúng, vấn đề là cách thức triển khai và lộ trình triển khai. Tại Singapore, để mua được 1 chiếc ô tô không khó, nhưng để lưu hành lại là chuyện khác. Có mức phí dành cho xe chạy vào buổi sáng, mức phí cho xe chạy ban ngày, ban đêm và nếu muốn ra đường bất cứ giờ nào thì chủ sở hữu xe phải chịu mức phí khá cao mà không phải ai cũng trả nổi. Còn phương tiện vận tải hành khách công cộng, theo quy hoạch, đến năm 2015, bất cứ từ điểm nào tại đất nước này đến trạm xe buýt hay trạm tàu điện gần nhất không quá 300m. Còn khi đã lên xe buýt, tàu điện thì mát lạnh, sạch sẽ, an toàn và nhanh không kém đi xe cá nhân.
Khi đã có giải pháp đúng còn cần thêm sự đồng bộ, trách nhiệm và sự quyết tâm. Về giải pháp, có lẽ các nhà quản lý, làm chính sách đã đi học tập kinh nghiệm ở đủ các nước, từ các nước đang phát triển đến các nước phát triển, từ các nước tương đồng về sự phát triển đến tương đồng về văn hóa...Vấn đề người dân mong chờ là trách nhiệm vì cộng đồng vì sự phát triển chung và quyết tâm thực hiện các giải pháp đã được đưa ra.
Sài Gòn Giải phóng thứ bảy