Hàn gắn

Chỉ vài ngày sau khi quân đội Ấn Độ và Trung Quốc hoàn tất việc rút quân giai đoạn 1 khỏi các điểm nóng tranh chấp nằm trên Đường kiểm soát thực tế (LAC) ở Đông Ladakh, hai bên đã có những chuyển động mới nhằm hàn gắn quan hệ song phương.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc chính thức tuyên bố ủng hộ Ấn Độ tổ chức hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) vào nửa cuối năm 2021. Phát biểu trên ngay lập tức thu hút sự chú ý của truyền thông thế giới.

Tờ Global Times nhận định, diễn biến này cho thấy, dù còn nhiều thách thức trong quan hệ giữa Bắc Kinh - New Delhi nhưng Trung Quốc không muốn để tranh chấp song phương ảnh hưởng tới cơ chế hợp tác giữa các quốc gia BRICS. Trung Quốc vẫn coi trọng vai trò của Ấn Độ với quốc tế, khu vực và đây là lựa chọn chiến lược của Bắc Kinh. Các quốc gia thuộc BRICS gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, là nhóm những thị trường mới nổi lớn nhất thế giới. Việc tăng cường hợp tác trong nội bộ BRICS không chỉ đem lại động lực phát triển mà còn nâng cao sáng kiến chiến lược của những nước này.

Về phía Ấn Độ, chính phủ và doanh nghiệp nước này chuẩn bị xem xét cấp phép cho 45 hồ sơ xin đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc. Trong số này có các tập đoàn lớn của Trung Quốc như Great Wall Motor và SAIC Motor. Các hồ sơ xin giấy phép này đã bị “treo” từ giữa năm ngoái, ngay sau khi Ấn Độ thắt chặt kiểm soát với các nhà đầu tư Trung Quốc do nổ ra căng thẳng biên giới giữa hai bên.

Dư luận kỳ vọng các bước đi này sẽ sớm làm “tan băng” mối quan hệ giữa hai cường quốc châu Á suốt 10 tháng qua. Căng thẳng kéo dài khiến mọi hoạt động giao thương, đầu tư giữa hai nước đều bị ảnh hưởng. Đây có lẽ là lý do đưa hai nước hướng tới một thỏa thuận rút quân giai đoạn đầu, làm cơ sở để khôi phục hợp tác. Việc giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ cũng được coi là cơ hội để Trung Quốc “tái cân bằng” quan hệ với quốc gia láng giềng.

Có ý kiến cho rằng, với tranh chấp lãnh thổ phức tạp từ hàng chục năm qua, hành động xuống thang giữa hai bên nhiều khả năng chỉ là giải pháp tạm thời chứ chưa phải giải pháp triệt để cho những mâu thuẫn cốt lõi dẫn đến xung đột ở biên giới. Cho dù như vậy, đây vẫn là các bước đi cần thiết trong giai đoạn hiện nay để tránh nguy cơ nổ ra một cuộc xung đột có thể gây nhiều thiệt hại.

Tin cùng chuyên mục