Hàng bình ổn giá: Nơi cần lại chưa có

Những năm gần đây, người dân TPHCM đã quen thuộc với cảnh chen nhau mua hàng tại các siêu thị, trung tâm thương mại tại khu vực nội thành vì nơi đó có hàng bình ổn giá. Tuy nhiên, đối với người dân nghèo sinh sống ở ngoại thành, công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, tình trạng trên chỉ xuất hiện trên… TV. Với họ, để mua được những mặt hàng thuộc chương trình bình ổn giá còn rất xa vời.
Hàng bình ổn giá: Nơi cần lại chưa có

Những năm gần đây, người dân TPHCM đã quen thuộc với cảnh chen nhau mua hàng tại các siêu thị, trung tâm thương mại tại khu vực nội thành vì nơi đó có hàng bình ổn giá. Tuy nhiên, đối với người dân nghèo sinh sống ở ngoại thành, công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, tình trạng trên chỉ xuất hiện trên… TV. Với họ, để mua được những mặt hàng thuộc chương trình bình ổn giá còn rất xa vời.

  • Nội thành: nhiều; ngoại thành: thiếu

Theo thống kê sơ bộ, tính đến thời điểm hiện tại, TPHCM có trên 1.983 điểm bán hàng bình ổn thị trường. Trong đó, hơn 90% (khoảng 1.803 điểm) các điểm bình ổn thuộc nội thành; số còn lại (trên 180 điểm) rải đều tại những huyện ngoại thành.

Chẳng hạn Công ty cổ phần SXTM Thành Thành Công (chuyên về đường túi RE) là một ví dụ. Hiện mặt hàng đường của công ty này chỉ tập trung tại một số quận, huyện: quận 5, quận 6, quận Tân Bình… Riêng khu vực tập trung một số lượng lớn công nhân lao động như KCN Tân Tạo (quận Bình Tân) lại không có điểm bán hàng bình ổn.

Người dân sống tại Khu dân cư Bắc Lương Bèo (quận Bình Tân) khẳng định họ chỉ mua hàng rong tự phát cạnh KCN. “Giá trời ơi, nhưng chúng tôi phải chấp nhận. Riêng đường cát trắng, giá luôn ở mức 23.000 – 25.000 đồng/kg” – chị Ngân, công nhân giày da Công ty Pouyuen cho biết.

Công nhân KCN Tân Tạo (quận Bình Tân) mua hàng tại chợ tự phát dọc Quốc lộ 1A. Ảnh: NGÂN HẠNH

Công nhân KCN Tân Tạo (quận Bình Tân) mua hàng tại chợ tự phát dọc Quốc lộ 1A. Ảnh: NGÂN HẠNH

Tương tự mặt hàng gạo, dầu ăn… cũng phân bố không đều giữa các quận, huyện nội thành so với ngoại thành. Cụ thể, gạo trắng thường của Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn: quận Bình Thạnh có 10 điểm; huyện Nhà Bè có 1 điểm. Dầu ăn của Công ty TNHH MTV Lương thực TPHCM: quận 1 có 5 điểm; quận 6 có 5 điểm; quận Thủ Đức và Hóc Môn có 1 điểm… Mặt hàng trứng gia cầm của Công ty TNHH Ba Huân: tại quận 1 có 40 điểm bán hàng bình ổn; quận 3 có 20 điểm; quận Bình Thạnh có 64 điểm; tuy nhiên huyện Củ Chi chỉ có 1 điểm.

Ghi nhận thực tế cho thấy, hầu hết các mặt hàng bình ổn đều tập trung tại các hệ thống siêu thị. Vào giờ tan ca, những công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất có muốn mua hàng tại những điểm bình ổn như đã thông báo gặp không ít khó khăn.

Đối với các KCN Tân Tạo (quận Bình Tân); KCX Tân Thuận (quận 7); KCN Tân Bình (quận Tân Bình); KCX Linh Trung (quận Thủ Đức)… điểm hàng bình ổn thường khó tìm hoặc hầu như không thấy. Một số công nhân tại KCN Tân Bình (quận Tân Bình) khi được hỏi về việc mua hàng bình ổn đều lắc đầu khẳng định: “Chúng tôi không rõ, chắc hàng đó chỉ có ở trung tâm TP thôi”.

  • Bao giờ mở rộng đến những vùng trắng?

Nhiều ý kiến cho rằng công nhân, người lao động có thu nhập thấp… mới là đối tượng cần được hưởng ưu đãi từ các mặt hàng bình ổn của nhà nước. Tuy nhiên, chính sự lệch pha trong quá trình phân bố hàng bình ổn thị trường đã khiến người tiêu dùng ngoại thành, nhất là các khu công nghiệp, khu chế xuất - nơi tập trung đông đảo công nhân lao động có thu nhập thấp chịu nhiều thiệt thòi.

Trao đổi về sự bất cập trên, hầu hết doanh nghiệp cho biết do còn vướng những khó khăn như: vị trí thuê mặt bằng, giá cả… Được biết, trong tình hình giá tăng phi mã như hiện nay, các yếu tố khách quan về giá bởi thị trường tạo ra cũng khiến doanh nghiệp… chùn bước, chưa muốn đầu tư.

“Hiện nay, mặt hàng đường đang nóng bỏng từng ngày. Diễn biến giá đường trên thị trường được người dân theo dõi tựa… giá vàng”, một người dân sống tại quận Bình Tân chia sẻ.

Trước thực trạng này, Giám đốc phụ trách mặt hàng đường túi thuộc Công ty cổ phần SXTM Thành Thành Công, Trần Sĩ Duy cho biết, sắp tới công ty sẽ mở thêm các điểm bán hàng bình ổn đường tại các quận, huyện khu vực ngoại thành. Trước mắt sẽ kết hợp đưa mặt hàng đường cùng bán trong cửa hàng của Cửa hàng thực phẩm Vissan, Công ty TNHH Ba Huân…

Ông Duy cho biết thêm, cùng bán kết hợp sản phẩm giữa các công ty bình ổn thị trường với nhau sẽ tiết kiệm chi phí thuê mặt bằng, trả công nhân viên… Tâm lý người tiêu dùng thích mua hàng tại nơi đa dạng mặt hàng. Điều này góp phần đẩy mạnh sức mua trong dân.

Hiện tại, Công ty CP SXTM đường Thành Thành Công đang tăng cường bán hàng bình ổn lưu động tại các quận vùng sâu, vùng xa như: Thủ Đức, Bình Chánh, Nhà Bè… Tuy nhiên, công ty đang phải đối mặt với việc người dân đầu cơ đường.

Theo bà Lê Thị Đào, Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM cho rằng, chưa thể xây dựng ngay các điểm bán hàng bình ổn giá tại ngoại thành bởi nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan, trước hết là vấn đề mặt bằng, kinh phí của doanh nghiệp. Tuy nhiên, bà Đào cũng cho biết Sở Công thương TPHCM sắp tới sẽ làm việc với các quận huyện, kết hợp với ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất để nhanh chóng giải quyết nghịch lý trên. 

THI HỒNG

Tin cùng chuyên mục