Hàng loạt dự án bệnh viện... mắc kẹt - Bài 1: Mòn mỏi chờ đợi

Giảm tải cho cơ sở khám chữa bệnh tuyến trên là một trong những nỗ lực của TPHCM thời gian qua khi đưa vào sử dụng hàng chục bệnh viện khang trang, hiện đại, với tổng số vốn lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng. Song có một thực tế, thành phố vẫn còn những bệnh viện xuống cấp, tạm bợ khiến bệnh nhân lẫn đội ngũ y bác sĩ cùng chịu trận; trong khi đó, nhiều dự án mở rộng, xây mới bệnh viện chờ… giải cứu.
Hành lang Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM chen chúc người bệnh và thân nhân
Hành lang Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM chen chúc người bệnh và thân nhân

Không dám nhập viện

Sảnh khoa Khám bệnh 1, Bệnh viện Tâm thần TPHCM những ngày cuối tháng 11 luôn chật kín người tới thăm khám. Khuôn viên khoa khám có diện tích chưa đến 150m2, người bệnh và thân nhân ngồi kín từ sảnh tới các khoa phòng. 

Mất gần 10 phút động viên con trai, cụ bà Nguyễn Thị Hạnh (72 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) mới đưa được người đàn ông trung niên khuôn mặt cau có bước vào phòng khám bệnh. Vừa ngồi xuống nghế, người con giật phăng khẩu trang đeo trên mặt, miệng la lối đòi về.

Bà Hạnh than: “Gần đây, con tôi bệnh chuyển nặng, nhiều khi nóng giận thất thường, rồi đập phá đồ đạc trong nhà. Bác sĩ xem cho cháu vào điều trị nội trú được không?”. Thế nhưng, sau khi theo nhân viên y tế xuống khoa Nội trú chưa được bao lâu, cụ Hạnh quay lại gặp bác sĩ năn nỉ: “Phòng ốc ở đây nhỏ hẹp, ẩm thấp, sợ cháu vào trong đó bệnh nặng thêm. Tôi xin cháu về điều trị ngoại trú”.

Bệnh viện Tâm thần TPHCM hiện có 3 cơ sở với tổng quy mô 300 giường, nhưng cơ sở vật chất đều xuống cấp trầm trọng. Khuôn viên bệnh viện tù túng, những lớp gạch men nền ở các khoa phòng, sảnh khu khám bệnh bong tróc, khung cửa gỉ sét kéo kín, các mảng tường hoen ố, mốc rêu xanh đỏ… Đặc biệt, 5 khu nội trú và khu hành chính ở cơ sở nội trú Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh) sau 38 năm sử dụng đã xuống cấp nghiêm trọng; hành lang, trần nhiều chỗ bong tróc vôi vữa, lộ cả cốt sắt, nhiều mảng tường và cột xuất hiện vết nứt, thấm nước mỗi khi mưa lớn… Cơ sở xuống cấp khiến người bệnh ngán ngại đi khám, người nhà đắn đo cho bệnh nhân nhập viện điều trị.

Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng trong lần tháp tùng Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam xuống kiểm tra cơ sở vật chất một số bệnh viện của thành phố, đã than: “Ở TPHCM, có lẽ cơ sở vật chất Bệnh viện Tâm thần là xuống cấp nhất trong các bệnh viện. Rất tội người bệnh!”.

Đẩy qua, đá lại

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM đã 160 tuổi, mới được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao chứng nhận xác lập kỷ lục bệnh viện lâu đời nhất Việt Nam. Mỗi ngày nơi đây tiếp nhận 2.000-3.000 người dân tới thăm khám, điều trị. Do mặt bằng chật hẹp, với mỗi phòng khám của bệnh viện chỉ chưa đầy 10m2, các bác sĩ, điều dưỡng làm việc trong không gian bí bách, chen chúc trong khi tiếp nhận khám, điều trị nhiều bệnh lây nhiễm… Thế nhưng, dự án xây mới khoa Khám bệnh của bệnh viện đã 15 năm nay vẫn không thể khởi công do vướng quy hoạch đường sá và công viên cây xanh.

Theo hồ sơ, ngày 15-8-2007, UBND quận 5 có Quyết định 12/2007, trong đó có nội dung quy hoạch đất Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM (bao gồm cả Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM và Bệnh viện Tâm thần TPHCM). Theo đó, đất dành cho y tế của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM chỉ còn 11.867m2; 4.896m2 đất dự phóng đường Cao Đạt và 31.822m2 đất dành cho cây xanh, thể dục thể thao. Nhưng trong khuôn viên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM lại có Di tích lịch sử quốc gia Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán, vì vậy bệnh viện muốn xây dựng phải xin phép các cơ quan quản lý ngành văn hóa. 

Sau nhiều lần cầu cứu, năm 2011, UBND TPHCM chấp thuận cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM triển khai dự án xây dựng mới khối khoa Khám bệnh. Đến năm 2016, dự án được HĐND TPHCM quyết định chủ trương đầu tư công và được ghi vốn chuẩn bị đầu tư. Trái ngang là Sở GTVT vẫn giữ quan điểm, đường Cao Đạt dự phóng (đoạn từ Lê Hồng Phong đến Huỳnh Mẫn Đạt) phải giữ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 đã được phê duyệt, nhằm đảm bảo việc tổ chức giao thông thuận lợi cho khu vực. Còn để điều chỉnh quy hoạch không mở tuyến đường dự phóng này, đề nghị quận 5 lập đồ án điều chỉnh quy hoạch, nêu rõ nguyên nhân, cơ sở pháp lý… 

Tháng 4-2022 vừa qua, Sở GTVT tiếp tục đề nghị UBND quận 5 cho ý kiến về điều chỉnh quy hoạch không mở tuyến đường Cao Đạt dự phóng. Tới tháng 7-2022, UBND quận 5 mới có Công văn số 876/UBND-QLĐT ngày 13-7-2022 gửi Sở QH-KT về tuyến đường Cao Đạt dự phóng.

Trong đó có nội dung: Hướng tuyến đường dự phóng Cao Đạt chia cắt phần đất hiện hữu của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM thành 2 phần sẽ gây ô nhiễm, nguy cơ lây nhiễm cao, mất an toàn cho 3 bệnh viện (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Tâm thần). Đồng thời, quận 5 kiến nghị UBND TPHCM chấp thuận phê duyệt, điều chỉnh cục bộ Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2.000 khu dân cư liên phường 1, 3, 4 của quận theo đúng yêu cầu của ngành y tế. Sở Y tế TPHCM cũng đề xuất cho điều chỉnh từ tổng mức đầu tư 284 tỷ đồng lên 400 tỷ đồng và bổ sung dự án thiết bị chuyên môn 300 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách.

Dự án... bất động

Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM được xây dựng vào năm 1968 trong khuôn viên rộng hơn 5.000m2 với quy mô ban đầu là 100 giường nội trú, đến nay đã mở rộng thành 600 giường, cũng chịu cảnh chật chội và xuống cấp. Bệnh viện chỉ có tuyến đường độc đạo rộng gần 2m lưu thông bên trong, trong khi thực tế mỗi ngày nơi đây tiếp nhận khoảng 5.000 lượt người tới thăm khám, điều trị. Cảnh chen chúc, tắc nghẽn từ ngoài cổng vào đến tận bên trong bệnh viện không tránh khỏi. Cứ mỗi lần có băng ca đưa vào, dòng người phải đứng nép, thậm chí giẫm chân nhau. Dọc hành lang các khoa của bệnh viện, không ít chỗ nước từ trên trần liên tục rỉ xuống, người bệnh nằm hàng dài. Phía trong các phòng bệnh, giường cũng được kê san sát, người nhà bệnh nhân ngồi, nằm la liệt, cả dưới gầm giường bệnh. 

“Chúng tôi luôn sống trong cảnh hồi hộp vì vấn đề quá tải và chất lượng dịch vụ y tế. Với diện tích chỉ gần 3m2/giường, mọi người phải cố gắng tận dụng cơ sở hạ tầng, đổi mới phong cách phục vụ, nâng cao kỹ thuật điều trị. Không chỉ bệnh nhân khổ mà đội ngũ y tế cũng khổ”, một bác sĩ khoa Cột sống A chia sẻ. 

Hàng loạt dự án bệnh viện... mắc kẹt - Bài 1: Mòn mỏi chờ đợi ảnh 1 Ký túc xá Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng (quận 5) xập xệ, nhưng chưa thể giải tỏa lấy đất mở rộng Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM. Ảnh: QUANG HUY

Để giải quyết vấn đề quá tải, dự án xây mới Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM (cơ sở 2, nằm trong cụm dự án xây mới Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM và Bệnh viện Mắt kỹ thuật cao tại khu 6A, ấp 4, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh trên tổng diện tích hơn 52.000m2) được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương vào năm 2010 theo hình thức BT. Sau 10 năm triển khai quy hoạch, đền bù giải tỏa, nay dự án vẫn chưa được khởi công do mới chỉ thu hồi được 30.440,7m2 (đạt 74,23%) tổng diện tích cần giải phóng mặt bằng, hiện còn 27/62 hộ dân chưa chấp thuận đền bù giải tỏa… 

Trước thực tế này,  Sở Y tế đã kiến nghị UBND TPHCM cho dừng dự án tại khu 6A, chuyển về địa điểm lô III-27 khu Tân Tạo - Chợ Đệm, thị trấn Tân Túc theo đề xuất của bệnh viện. Hiện vẫn không biết đến khi nào dự án Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình mới chính thức được khởi công, còn bệnh nhân thì mòn mỏi chờ đợi! 

Địa phương bối rối


Theo Phó Chủ tịch UBND thị trấn Tân Túc (huyện Bình Chánh), tháng 8-2017, địa phương nhận được Văn bản số 7946/STNMT-QLĐ của Sở TN-MT TPHCM về xử lý nhà đất tại số 152-154 Hồng Bàng (quận 5) theo Quyết định 09/2007/QĐ-TTg và xác định địa điểm dự kiến xây dựng Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực TPHCM tại khu Tân Tạo - Chợ Đệm, thị trấn Tân Túc. Giờ biết dự án xây mới Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM đang được Sở Y tế trình UBND TPHCM thông qua và chuyển về xây mới tại khu đất này, địa phương rất bối rối do chưa được làm việc với các sở ngành để biết cụ thể dự án sẽ triển khai như thế nào.


Tương tự, Chủ tịch UBND xã Lê Minh Xuân Võ Thanh Công tâm tư, thông qua báo chí biết thành phố đã đồng ý chủ trương mở rộng cơ sở nội trú Lê Minh Xuân của Bệnh viện Tâm thần từ 250 giường lên 1.000 giường với tổng diện tích 13ha. Hiện tổng khu đất này gần 18ha, trong đó cơ sở nội trú Lê Minh Xuân (2,6ha); hai bên hông bệnh viện là đất thổ cư của 80 hộ dân (12.000m2); phía sau lưng bệnh viện là đất rừng phòng hộ do Chi cục Lâm nghiệp - Sở NN-PTNT TPHCM quản lý (15ha). Hiện tại, xã không biết Sở Y tế TPHCM trình dự án sẽ lấy đất của hộ dân hay đất rừng phòng hộ. Nếu lấy đất thổ cư, việc đền bù giải tỏa sẽ rất khó khăn. 

Tin cùng chuyên mục