TPHCM đất chật người đông nên ngày càng nhiều người dân tìm đến công viên để thư giãn, tập thể dục… Mặt khác, trong khi TP đang sắp xếp, quy hoạch lại từng diện tích đất trong các công viên để tạo sân chơi - vốn quá ít ỏi - cho thanh thiếu niên thì có một thực tế, các công viên đang bị hàng rong vây bủa dẫn đến mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng đến tình hình trị an của khu vực.
- Điệp khúc “đẩy, đuổi”
Quãng 15 giờ Công viên 23-9 đã có lác đác người dân thả bộ trong khuôn viên. Trong khi các tuyến đường xung quanh vẫn nườm nượp người qua lại. Hàng chục người bán hàng rong cũng mon men tề tựu dọc theo vỉa hè ôm lấy công viên. Vừa thấy bóng 5 chiếc mô tô của lực lượng Thanh tra xây dựng quận 1 và Đội Cảnh sát giao thông - trật tự - phản ứng nhanh (Công an quận 1, TPHCM) trờ tới, hai người bán nước ngọt, trái cây… trên khu vực vỉa hè phía công viên gần ngã ba Phạm Ngũ Lão - Đề Thám (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1) liền hấp tấp bưng thùng chứa các loại nước ngọt và thúng trái cây lủi vào… trong công viên đứng chờ đoàn kiểm tra đi qua. Lực lượng liên ngành chỉ còn biết đứng bên ngoài barie ngăn cách công viên với vỉa hè “mắng vốn” rằng “nếu tiếp tục vi phạm, sẽ bị tịch thu phương tiện vi phạm”…
Tương tự, ở vỉa hè phía công viên gần giao lộ đường Phạm Hồng Thái - Lê Lai, quận 1, vừa thấp thoáng thấy bóng áo trắng sữa của đoàn thanh tra từ xa, một chị đang ngồi bệt với đôi quang gánh chứa lỉnh kỉnh trứng cút, trái cây, bánh tráng… đứng phắt dậy, quẩy quang gánh đi, chốc chốc lại ngoái nhìn đoàn thanh tra. Cùng lúc, một người đàn ông trung niên bán nước ngay đó vội vàng ôm đồ nghề - một thùng xốp cỡ vừa - chạy vào công viên rồi nhanh chóng hạ xuống đất, chắp tay ra sau lưng đứng chờ. Khi đoàn thanh tra tấp vào lề đường, trên vỉa hè chỉ còn trơ một quầy nước giải khát trống không và bao nước đá đang tan chảy loang lổ xuống lòng đường…
Ông Phạm Nhất Trí, chuyên viên Thanh tra xây dựng quận 1, thành viên đoàn kiểm tra liên ngành, than thở: “Thanh tra xây dựng quận và các lực lượng của phường chỉ có chức năng xử lý các hành vi lấn chiếm lòng lề đường, trong đó có hàng rong ở… lòng lề đường. Do đó, nếu hàng rong chạy vào trong khuôn viên công viên, dù chỉ 2 - 3m, lực lượng liên ngành cũng… bó tay, bởi công viên do ngành công viên cây xanh quản lý. Chính vì thế, những người bán hàng rong chỉ việc chờ cho khuất bóng đoàn kiểm tra là… bổn cũ soạn lại!”.
- Sóng ngầm
Hàng rong khiến Công viên Gia Định (thuộc địa bàn phường 3, quận Gò Vấp và phường 9, quận Phú Nhuận) nhếch nhác từ nhiều năm nay. Trên vỉa hè đường Hoàng Minh Giám đi xuyên công viên, lúc cao điểm tập trung cả vài chục xe đẩy tay các loại, nhưng khi có mặt bảo vệ công viên, hàng rong chỉ cần dịch chuyển xe đẩy chạy xuống lòng đường là bảo vệ… không thể làm gì được! Còn mỗi khi lực lượng công an - bảo vệ dân phố - dân phòng phường 3, quận Gò Vấp tuần tra thì hàng rong lại dạt sang phường 9, quận Phú Nhuận (cách vài bước chân) và ngược lại…
Một trong những lý do khiến tình trạng trên kéo dài là những người bán hàng rong rất ngoan cố, cù nhầy, thậm chí có nghi vấn nơi đây tồn tại hiện tượng bảo kê của dân “anh chị”. Những năm trước, Sơn “đen” - một đối tượng lang thang, chuyên “xin đểu” ở khu vực này thường “hỏi chuyện” những người bán hàng rong, bắt họ cống nạp chút đỉnh mới để yên cho buôn bán. Năm ngoái, sau khi Sơn “đen” sa lưới pháp luật, lại nổi lên một “anh hai” - những người bán hàng rong nơi đây thường gọi anh H. (khoảng 40 tuổi, ngụ quận 8, TPHCM). H. và gia đình sống bằng việc điều hành một hệ thống xe đẩy tay bán hàng rong ở Công viên Gia Định gồm: xe bán bánh mì; bán nước mía; cá viên, bò viên chiên… Trong các hoạt động chống đối lực lượng bảo vệ công viên, H. luôn đóng vai trò đầu trò.
Để duy trì không cho buôn bán hàng rong trên khu vực vỉa hè và trước Công viên Gia Định, từ đầu tháng 4-2011, lực lượng bảo vệ của công viên được tăng lên 30 người, chia làm 2 ca tuần tra liên tục. Ngay lập tức, ngày 2-4, lực lượng hàng rong tại đây cũng thay đổi phương thức hoạt động. Họ không di chuyển vào khu vực công viên riêng lẻ từng xe mà tập trung thành từng đoàn dài, khoảng 20 xe/đoàn. Bảo vệ công viên mời họ ra khỏi khu vực trước công viên nhưng các chủ xe bán hàng rong không chịu. Tiếp đó, hàng chục người nhảy bổ đến khu vực công viên hăm dọa, lớn tiếng cho rằng bảo vệ công viên đã vượt quá quyền hạn vì họ buôn bán dưới lòng đường, không thuộc sự quản lý của công viên. Trước khi ra về, những người bán hàng rong còn buông lời dọa dẫm: “Nếu không cho bán hàng ở khu vực trước công viên thì những bảo vệ gặp… chuyện gì, đừng có trách!”. Nhiều lần, một số người bán hàng rong quá khích do H. cầm đầu còn kéo đến công viên, đặt điều kiện với ban quản lý công viên như: muốn họ không bán hàng rong thì phải… tạo công ăn việc làm cho họ!
Đặc biệt, mỗi khi lực lượng liên ngành của phường 3 Gò Vấp hoặc phường 9 Phú Nhuận xuất quân đẩy đuổi hàng rong, những người bán hàng rong đều… biết trước! Có ngày, 17 giờ lực lượng của phường 3 đi tuần tra thì trước đó chục phút, các xe hàng xong đã nhanh chóng mất hút vào các ngõ hẻm. Khi lực lượng chức năng rút lui, hàng rong lại đổ bộ “bao vây” công viên! Trong khi Ban quản lý Công viên Gia Định không giải thích được hiện tượng trên thì lãnh đạo địa phương thừa nhận, kế hoạch tuần tra đã bị… bể do những người bán hàng rong cắt cử người theo dõi ngược trở lại lực lượng chức năng.
- Giải pháp: Còn nhiều bàn cãi
Trung tá Nguyễn Quang Trọng, Trưởng Công an phường 3 quận Gò Vấp, cho biết từ đầu năm đến nay, công an phường đã thu giữ 40 xe đẩy tay các loại bán hàng rong ở khu vực Công viên Gia Định. Tuy nhiên, việc áp dụng Nghị định 34 của Chính phủ để xử phạt hành vi chiếm dụng đường phố đối với những người bán hàng rong là… khó khả thi. Bởi mức phạt cho hành vi này rất cao, từ 20 - 30 triệu đồng, trong khi tài sản của họ chẳng đáng bao nhiêu, ngay cả chiếc xe của họ cũng đi thuê. Nếu có ra quyết định xử phạt cũng… không thi hành được, vì họ không có tiền để “thi hành án”.
Còn theo bà Nguyễn Thị Xuân, Phó Chủ tịch UBND phường 9, quận Phú Nhuận, giải quyết vấn đề an sinh xã hội cho những người bán hàng rong là việc không hề đơn giản. Đa phần họ là người nhập cư, người ở các quận, huyện khác tới..., không có hộ khẩu hay tạm trú có thời hạn (KT3) nên việc giải quyết chính sách cho họ còn nhiều lấn cấn. Có thể thấy, nếu các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương không ngồi lại với nhau để bàn thảo, thống nhất cụ thể chương trình hành động “đẩy đuổi” kết hợp giải quyết an sinh xã hội bằng những giải pháp căn cơ thì sẽ không bao giờ giải quyết được triệt để tình trạng hàng rong bao vây TP, nhất là trong điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn hiện nay.
VÂN ANH - ĐƯỜNG LOAN