Hành động xanh ở hậu trường

Khi một bộ phim đóng máy, khoảng 95% vật liệu được sử dụng trong quá trình làm phim bị chuyển ra bãi rác. Đó là chưa kể nguồn nước, hệ sinh thái… ở nơi được chọn làm bối cảnh dựng phim cũng bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Giỏ rác phân loại tại phim trường của một đoàn làm phim ở Slovakia Ảnh: EURONEWS
Giỏ rác phân loại tại phim trường của một đoàn làm phim ở Slovakia Ảnh: EURONEWS

Tuy nhiên, các nhà sản xuất phim đang cố gắng tiến tới một ngành công nghiệp điện ảnh bền vững.

Nhiều cuộc thi, dự án hướng tới thông điệp “phim xanh - môi trường đẹp” đã được phát động trên toàn thế giới trong những năm qua. Bên cạnh những hãng phim đã có những sáng kiến trong lĩnh vực phát triển bền vững như Universal Pictures, Walt Disney Pictures, Warner Bros... của Mỹ, các đoàn làm phim ở châu Âu cũng đang chạy đua tham gia bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất phim. Dự án Green Screen (Màn ảnh xanh) như làn gió mát trong lĩnh vực này. Green Screen có tổng kinh phí là 2,6 triệu EUR, 85% trong số đó đến từ Chính sách gắn kết (Cohesion Policy) và 15% còn lại đến từ 8 công ty nghe nhìn liên kết với dự án đã được Liên minh châu Âu (EU) khởi động năm 2017.

Dự án khuyến khích các công ty sản xuất phim và truyền hình, các nhà cung cấp áp dụng biện pháp xanh, đào tạo nhân viên và tạo việc làm mới liên quan đến phát triển bền vững. Đến thời điểm hiện nay, các hãng phim nói riêng, hay ngành công nghiệp điện ảnh nói chung của Vương quốc Anh, Thụy Điển, Bỉ, Pháp, Romania, Tây Ban Nha, Ba Lan và Slovakia… không chỉ chú trọng vào những thước phim mãn nhãn trên màn ảnh, mà vẫn đang tìm cách giảm lượng khí thải carbon của một bộ phim hoặc một tập phim truyền hình trên phim trường xuống mức thấp nhất có thể.

Tại Čertižné - ở phía Đông Bắc Slovakia, nơi vừa quay xong bộ phim truyện Flood của đạo diễn Martin Gonda, đoàn phim gần 50 người đã lựa chọn đi tàu hỏa, thay vì ô tô hoặc máy bay. Ngoài ra, khi phải đi ô tô, họ cố gắng đi chung xe... Bên cạnh đó, đoàn phim cố gắng sử dụng đạo cụ và trang phục được thuê hoặc đồ cũ, máy phát điện tại chỗ đã bị loại bỏ để kết nối với lưới điện cục bộ. Trước khi quay phim, các đoàn phim được phổ biến nâng cao nhận thức và học cách sử dụng các công cụ tính toán lượng carbon.

Chẳng hạn như lượng khí thải carbon là bao nhiêu nếu đi tàu đến phim trường, bao nhiêu nếu họ đi máy bay, đi chung xe, hoặc đi ô tô một mình? Hầu hết các đoàn làm phim cũng đã “chiêu mộ” hẳn một nhà quản lý sinh thái để giám sát, thực thi và ghi lại các hoạt động bền vững trên trường quay. Bên cạnh số rác thải khổng lồ, ngành công nghiệp điện ảnh còn sản sinh ra một lượng khí carbon cao kỷ lục, gây ô nhiễm nguồn nước, phá hủy hệ sinh thái tự nhiên nơi được chọn làm bối cảnh phim…

Để khắc phục thực trạng này, những người làm phim không uống nước đóng chai, cố gắng tạo ra hệ thống các đồ vật có thể tháo rời để khi dựng cảnh xong có thể dùng cho cảnh khác, tránh xả rác quá nhiều, khắc phục những hậu quả gây ra đối với môi trường bằng cách trồng cây…

Thông qua các hành động đơn giản như lập ra các đội “nhặt rác”, nhiều nhà sản xuất phim đang dần biến những điều không thể thành có thể để tiến tới một ngành công nghiệp điện ảnh bền vững, cũng như tôn trọng hệ sinh thái của những nơi được chọn làm địa điểm quay phim.

Tin cùng chuyên mục