Hành trình tìm lại di sản kiến trúc biệt thự Đà Lạt

40 năm sau ngày giải phóng, diện mạo đô thị Đà Lạt đã đổi thay nhiều với hàng loạt ngôi biệt thự mới mọc lên bên cạnh những căn, ngôi biệt thự sang trọng thuở nào vẫn còn nguyên giá trị như các khu biệt thự cổ Lê Lai, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Du...
Hành trình tìm lại di sản kiến trúc biệt thự Đà Lạt

40 năm sau ngày giải phóng, diện mạo đô thị Đà Lạt đã đổi thay nhiều với hàng loạt ngôi biệt thự mới mọc lên bên cạnh những căn, ngôi biệt thự sang trọng thuở nào vẫn còn nguyên giá trị như các khu biệt thự cổ Lê Lai, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Du...

 Với những ai quan tâm đến kiến trúc hoặc những du khách yêu mến Đà Lạt thì việc hồi sinh di sản biệt thự Đà Lạt là cả một hành trình dài có lúc tưởng như không có lối ra.

Gần 3 thập niên "lạc lối"

Từ những năm 1930-1945, Đà Lạt đã nổi tiếng là một thành phố nghỉ dưỡng có kiến trúc đẹp mà trong đó đẹp nhất là di sản biệt thự cổ châu Âu với khoảng trên dưới 1.500 biệt thự. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhiều căn biệt thự sang trọng trong diện nhà vắng chủ hoặc cải tạo trở thành nhà tập thể, trụ sở làm việc hoặc nhà riêng của cán bộ và người ta mặc sức cơi nới, sang nhượng. Có ai nghĩ một khu biệt thự cao cấp như Lê Lai có lúc đã trở thành nơi nhốt bò? Người ta vô tư xâm chiếm, vô tư sang tay nhau với giá khoảng 2 chỉ vàng/phòng, đủ cho một gia đình trẻ ở. Hay khu biệt thự Trần Hưng Đạo bị xuống cấp, đất bị xà xẻo bớt để hình thành nên một con đường mới Lê Văn Tám. Trên rất nhiều con đường, nhiều biệt thự sang trọng chỉ còn cái xác không hồn.

Một biệt thự cổ ở đường Yersin- Đà Lạt

Họa sĩ Quốc Hiệp là người từ Lạng Sơn vào định cư ở Đà Lạt từ năm 1978 đã thảng thốt trước vẻ đẹp của biệt thự Đà Lạt. Cũng chính anh là người chứng kiến sự đi xuống của nhiều biệt thự và lên tiếng báo động về sự xuống cấp của di sản biệt thự Đà Lạt trong nhiều bức tranh, qua nhiều lần triển lãm. 

Ngoài việc để xuống cấp, tính đến trước ngày 5-7-1994 (ngày ban hành Nghị định 61/CP về mua bán và kinh doanh nhà ở) thì chính quyền đã thực hiện bán hóa giá hơn 1.000 biệt thự thuộc sở hữu UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị Nhà nước (kể cả cơ quan quốc phòng, nội vụ và cơ quan Trung ương đóng tại địa phương) cho các hộ cá thể trên địa bàn thành phố Đà Lạt.

Vất vả tìm lại chính mình

Trước sự phê phán kéo dài của báo chí, tỉnh Lâm Đồng đã tỉnh ngộ. Tháng 12-1998, UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt đề án Sử dụng hợp lý quỹ biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn thành phố Đà Lạt. Có tổng cộng 187 biệt thự với tổng diện tích sử dụng 49.114,57m2 bắt đầu được đưa vào hồ sơ quản lý (số này chưa tính quỹ biệt thự tại đường Trần Hưng Đạo đã đưa vào Liên doanh DRI, số biệt thự đã giao cho các cơ quan thuộc lực lượng an ninh quốc phòng và số biệt thự là tài sản của Đảng, số đã giao cho Công ty Dịch vụ Du lịch Xuân Hương quản lý). Lần đầu tiên có sự đánh giá, phân loại biệt thự theo diện tích, theo giá trị kiến trúc, chỉ ra các khu biệt thự cần bảo tồn và kèm theo là cơ chế sử dụng, kêu gọi đầu tư. Lần đầu tiên người ta có kế hoạch ngăn chặn tình trạng biến biệt thự thành nhà ở tập thể, nhà công vụ. Nhiều khu chung cư được xây dựng để thực thi kế hoạch này như Dinh 1, Hoàng Hoa Thám, Hùng Vương, Đặng Thế Thân, C5… Đồng thời, tỉnh cũng tiến hành truy thu từ việc bán hóa giá hơn 1.000 ngôi biệt thự này những năm trước để thu về cho ngân sách hơn 23 tỷ đồng.  

Nhưng cũng phải trầy trật lắm tỉnh mới tìm được các doanh nghiệp tâm huyết đầu tư nâng cấp 2 khu biệt thự cổ Lê Lai và Trần Hưng Đạo. Trong đó, khu biệt thự cổ Lê Lai được Công ty Thương mại Khánh Hòa và các nhà đầu tư TPHCM bỏ ra hơn 100 tỷ để phục hồi nguyên trạng và xây mới thêm để trở thành khu nghỉ dưỡng 4 sao Ana Mandara Dalat. Ông Nguyễn Văn Võ, Giám đốc KDL Ana Mandara Dalat, cho biết: “Dù sửa lại nhưng vẫn giữ 80 - 90% so với nguyên trạng từ gạch ốp tường, bệ cửa sổ gỗ, gạch lát nền và cả thiết bị vệ sinh cũng phải đặt mua từ nước ngoài, do đó chi phí bảo trì rất lớn”. Trong đó, để duy trì hồ bơi nước ấm ngoài trời, công ty đã đun nước nóng bằng điện theo mô hình máy nén khí thay thế cho cách cũ là đun bằng dầu diesel cho tiết kiệm để khách có thể bơi từ 6 giờ sáng giữa trời lạnh Đà Lạt là cả một kỳ công. Hiện nay có 65% khách lưu trú là người nước ngoài, giải quyết việc làm cho 145 lao động với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. 

Một góc khu biệt thự Trần Hưng Đạo mới được trùng tu

Cùng thời gian, khu biệt thự cổ Trần Hưng Đạo cũng được phục sinh với số vốn đầu tư hơn 150 tỷ đồng để đưa di sản này trở về với nhân dân Đà Lạt theo như lời của chủ đầu tư. Trước đây mỗi biệt thự có hàng rào riêng nhưng giờ đây đã được dỡ bỏ để trở thành một khu biệt thự liên hoàn có cây xanh, bồn hoa và thảm cỏ được bố trí một cách hài hòa. Trước đó, một loạt biệt thự được Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai nâng cấp thành khách sạn đạt chuẩn quốc tế.   

Mới nhất, tỉnh đã giải phóng thêm một loạt biệt thự của các sở, ban, ngành để tập trung về Tòa nhà Hành chính và đây là một phần của Đề án Sử dụng hợp lý Quỹ biệt thự Đà Lạt. Với số biệt thự dôi dư, tỉnh sẽ bán đấu giá tăng thu cho ngân sách.

Mơ về một danh hiệu di sản

Theo các kiến trúc sư hàng đầu Việt Nam, ở Việt Nam có 2 đô thị di sản kiến trúc là Huế và Đà Lạt. Nếu Huế là di sản thời đại phong kiến được xây dựng phục vụ cho triều đình nhà Nguyễn đã thuộc về quá khứ thì biệt thự Đà Lạt chính là di sản đang sống cùng với cơ thể của đô thị hôm nay. Vì thế đánh giá đúng và có kế hoạch bảo tồn, phát huy thì giá trị của nó là vô giá. 

Hiện vẫn còn nhiều căn biệt thự trên các con đường Lê Hồng Phong, Huyền Trân Công Chúa, Yersin… đang cần được đánh giá, có kế hoạch “giải phóng” để đưa vào hồ sơ và trên hết rất cần có một kế hoạch hành động dài hơi của UBND tỉnh Lâm Đồng để hướng tới làm hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận kiến trúc biệt thự Đà Lạt là di sản văn hóa của thế giới. Đó cũng là cách để nâng tầm thương hiệu quốc tế cho du lịch Đà Lạt.*

Văn Phong

Tin cùng chuyên mục