Cuối tháng 9 vừa qua, Công ty Sân khấu và Nghệ thuật Thái Dương cho ra mắt các bạn nhỏ một cuốn sách ảnh khá đẹp, ghi lại hình ảnh một số vai diễn của nghệ sĩ Thành Lộc trên sân khấu IDECAF, kèm theo cuốn sách là một đĩa CD “Những điều thần tiên” gồm 12 bài hát do anh và một số em thiếu nhi cùng hát.
Được biết trước đó, các nhạc sĩ sáng tác 12 bài hát trong đĩa CD đã tặng lại tiền bản quyền tác giả của mình cho nhóm thực hiện. Trong lời giới thiệu, nghệ sĩ Thành Lộc cho biết, toàn bộ số tiền thu được từ cuốn sách và đĩa CD này sẽ được dùng vào việc ủng hộ các bệnh nhi ung thư tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM. Đây là một nghĩa cử rất đáng trân trọng.
Những bài hát trong CD phần lớn là những bài hát quen thuộc với các em thiếu nhi cả nước và là “những kỷ niệm đẹp từng song hành với tuổi thơ của người hát” (tức Thành Lộc). Chúng ta gặp ở đây “Thiếu nhi thế giới liên hoan” (Lưu Hữu Phước), “Trái đất này của chúng em” (Trương Quang Lục-Định Hải), “Sóng biển rì rào” (Phan Huỳnh Điểu), “Hôm nay mẹ trực đêm” (Hoàng Hiệp-Lê Bá Diễm Chi), “Cho con” (Phạm Trọng Cầu-Tuấn Dũng), “Năm ngón tay ngoan” (Trần Văn Thụ) v.v… Nhưng điều đáng tiếc là bên cạnh những bài hát “nằm lòng” của các em nhỏ, còn có một bài hát từng bị lên án là “đạo nhạc”.
Cách nay ít lâu Ban kiểm tra Hội Âm nhạc TPHCM có mời nhạc sĩ Q.B. đến để khẳng định bài hát “Tuổi 16” của anh đã lấy nhạc của nước ngoài và viết lời Việt. Trước chứng cớ sắc bén của các thành viên trong Ban kiểm tra khi so sánh âm hình giai điệu, âm hình tiết tấu, tiến hành hợp âm… từng ô nhịp, từng câu của bài “Tuổi 16” với một bài nước ngoài làm đối chứng, sau cùng tác giả cũng đã thừa nhận hành vi “đạo nhạc” của mình.
Kết quả kiểm tra này đã được phổ biến công khai trong giới âm nhạc TPHCM. Như vậy, ta có thể thấy rằng việc đặt bài này cạnh các bài nổi tiếng khác trong đĩa CD để phổ biến cho trẻ em là việc không nên làm. Điều tai hại trước mắt là đĩa CD này đã làm cho hàng ngàn các bạn nhỏ nước ta (đã mua đĩa) ngộ nhận bài “Tuổi 16” là một bài hát Việt.
Tai hại kế tiếp là việc phổ biến bài này trong CD sẽ vô tình khuyến khích việc “đạo nhạc”, một hiện tượng đang xuất hiện trong một số nhạc sĩ trẻ. Tai hại lâu dài là khi nghe bài hát này, các bạn nước ngoài sẽ đánh giá không tốt về hành vi “đạo nhạc” của nhạc sĩ Việt Nam. Mong rằng trong lần tái bản đĩa CD này, những người thực hiện nên cương quyết loại bỏ “hạt sạn” ra khỏi “chén cơm ngon” để bảo đảm sự trong sáng và chân thực của ca khúc Việt Nam viết cho tuổi thơ.
THÚY NGỌC