Trung vệ Mustafi và tiền vệ Xhaka khiến Arsenal tốn đến 70 triệu bảng, nhưng những gì họ nhận được là quá ít. Sự có mặt của họ không khiến cho số bàn thua của Arsenal trước Bayern Munich giảm đi, ngược lại còn tăng thêm.
Cũng có thể ông Wenger mua nhầm người nhưng cũng có thể, cái giá của những cầu thủ nói trên quá cao chỉ vì nơi họ đến là Premier League chứ không phải League One hay Bundesliga, Serie A. Với cái giá đó, người ta tưởng Arsenal mạnh hơn nhưng thực ra, đó chỉ là một hoạt động mua sắm bình thường của bóng đá Anh.
Nhận định này được HLV Pep Guardiola tán đồng. Trước trận đá với Stoke hôm qua, nhà cầm quân người Tây Ban Nha phải than thở rằng cái giá chuyển nhượng tại Anh quá khủng khiếp, khiến cho những người như ông rất khổ sở trong việc “mua sắm”. Ví dụ như ở Champions League, qui định chỉ cho 17/25 cầu thủ là người nước ngoài, điều này buộc Man.City phải tìm nguồn cầu thủ Anh nhưng chẳng biết tìm ở đâu ra mà có chi phí thấp. Như đã biết, Pep là người ưa thích sử dụng cầu thủ tự đào tạo nhưng ở môi trường ngoại hạng Anh, khi cầu thủ nước ngoài chiếm hầu hết suất ra sân, cầu thủ bản địa ít dần đi cả về tài năng lẫn số lượng.
Cả 2 câu chuyện của Arsenal và Man.City nói trên thật ra đều xuất phát từ một nguyên nhân: mức độ hấp dẫn của giải ngoại hạng. Các qui định về chuyên môn thì ở đâu cũng như nhau, luôn ưu tiên cho cầu thủ bản địa nhưng khổ nỗi, giải ngoại hạng hấp dẫn lại nhờ các ngôi sao nước ngoài. Điều này dẫn đến việc một CLB Anh phải chi đến 2 lần tiền chuyển nhượng lớn cho việc mua ngoại binh và bổ sung cầu thủ bản địa. Như trường hợp của Arsenal, ông Wenger tìm đâu ra những tiền vệ trụ và hậu vệ giỏi ở nước Anh? Hoặc như Man.City, 5 năm qua họ phải “sống” trên bộ khung ngoại binh được Mancini mua sắm ở thời kỳ mà CLB này chưa chịu ràng buộc của luật cân bằng tài chính.
Kết quả là các CLB Anh ra châu Âu thi đấu với một hình ảnh hoành tráng nhưng thực lực thì yếu xìu.
VIỆT KHANG