Phá bỏ lúa hè-thu ở Đồng Tháp

Hậu quả từ đê bao ngăn lũ?

Hậu quả từ đê bao ngăn lũ?

Như báo SGGP ra ngày 21-5 đưa tin về một chuyện lạ có thật đang xảy ra ở Đồng Tháp: nhiều hộ dân phá bỏ lúa hè-thu sắp đến ngày thu hoạch do dịch bệnh vàng lùn lây lan trên diện rộng. Trong lúc các ngành chức năng nỗ lực khống chế dịch bệnh và hỗ trợ bà con thoát khỏi cảnh đói, thì vấn đề bức xúc đặt ra là “chuyện làm đê bao” tràn lan đã đến lúc phải trả giá?

  • Điêu đứng vì... dịch bệnh!

Chiều ngày 21-5, chúng tôi tìm đến huyện Tháp Mười - nơi xảy ra dịch bệnh vàng lùn hoành hành lúa hè-thu. Ông Hai Cấp, nông dân ấp 2, xã Mỹ Đông lắc đầu than: “Cả đời làm ruộng chưa bao giờ dịch bệnh xuất hiện nhiều như hiện nay. 18 công lúa thì hơn 10 công bị vàng lùn, xịt thuốc cả chục lần không hết; cuối cùng đành phá bỏ ruộng…!”. Đi sâu vào ấp 2 rồi sang ấp 5, hàng chục hécta lúa đang trổ bông nhưng bị bệnh nên loang lổ da beo.

Hậu quả từ đê bao ngăn lũ? ảnh 1
Lúa bị dịch bệnh vàng lùn tràn lan ở Mỹ Đông- Tháp Mười. Ảnh: H.P.L.

Bà Dương Thị Lệ nói như khóc: “Gia đình trông cậy vào 5 ha lúa để sống, vụ này đầu tư giống, phân, thuốc, nhân công… trên 28 triệu đồng. Giờ bị dịch bệnh, mất trắng, nợ ngân hàng biết lấy đâu để trả?”. Không riêng Mỹ Đông, các xã Mỹ Quý, Láng Biển… cũng bị đại dịch vàng lùn phá hại lúa tràn lan.

Nhiều nông dân cho biết, ban đầu lúa phát triển rất tốt, sau đó một vài đám ruộng có bệnh nhưng ai cũng nghĩ là bệnh thông thường nên chẳng quan tâm. Càng ngày bệnh lan rộng, chạy tìm mua thuốc xịt nhưng… vô vọng! Theo thống kê mới nhất của Sở NN- PTNT Đồng Tháp, riêng địa bàn huyện Tháp Mười có khoảng 5.317 ha lúa nhiễm bệnh vàng lùn.

  • Đâu là nguyên nhân?

Cần phải thấy rằng, nhiều năm qua Tháp Mười được xem là huyện làm nông nghiệp hiệu quả nhất ở Đồng Tháp. Từ năm 2000- 2001 đến nay, dọc các xã Mỹ Đông, Mỹ Quý… khu đê bao chống lũ kiên cố hình thành rất sớm. Khi đê bao ra đời thì hàng loạt diện tích được “tăng vụ” chóng mặt. Từ 1-2 vụ lúa/năm tăng lên 3 vụ/năm, rồi 2 năm đến 7 vụ…, đất đai được thâm canh liên tục không ngơi nghỉ. Đây có phải là điều kiện để dịch bệnh bùng phát?

Thạc sĩ Dương Nghĩa Quốc, Phó Giám đốc Sở NN- PTNT Đồng Tháp phân tích: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh tràn lan ở Tháp Mười. Trước nhất, có thể do dịch rầy nâu từ vụ đông-xuân xử lý chưa triệt để truyền sang, song song đó, bà con quen sử dụng giống cũ không kháng được bệnh; việc phát hiện và xử lý không kịp thời… Ngoài ra, làm đê bao không xả lũ và gieo sạ lúa tăng vụ liên tục nhiều năm, không diệt được mầm bệnh lưu tồn trong đất…”.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Chiếm, Trưởng Bộ môn Môi trường và quản lý tài nguyên thiên nhiên- Trường Đại học Cần Thơ, cảnh báo: “Tăng vụ, nhất là làm vụ 3, chỉ đem lại cái lợi trước mắt; nhưng về lâu dài kéo theo nhiều hệ lụy. Canh tác lúa nhiều vụ làm đất bị ngập quanh năm và ở trạng thái khử. Thiếu oxy làm chậm tiến trình phân hủy của rơm rạ, lượng phù sa bồi đắp ít, giảm độ màu mỡ của đất…”.

Một kết quả điều tra đáng quan tâm ở An Giang cho thấy: năng suất lúa ở vùng không đê bao luôn ổn định, bình quân 5,86 – 6,74 tấn/ha. Trong khi vùng đê bao chỉ đạt khoảng 5,28 tấn/ha, mặc dù lượng phân bón sử dụng nhiều hơn từ 131- 134 kg/ha! Các nhà khoa học cho rằng: Đê bao triệt để ngăn sự trao đổi với môi trường bên ngoài. Khai thác liên tục, làm cho đất ngày càng nghèo dưỡng chất, chi phí đầu tư cao nhưng hiệu quả thấp. Việc sử dụng phân, thuốc quá nhiều, khiến môi trường bị suy thoái, các vi sinh vật trong đất như trùng, bọ… bị tiêu diệt, đất lão hóa. Ngoài ra, môi trường nước cũng ô nhiễm do sự lưu tồn của thuốc trừ sâu không phân hủy kịp. Từ đó, mầm bệnh luôn tiềm ẩn và dễ phát sinh.

Mặc dù chưa có kết luận chính xác nhưng dịch bệnh bùng phát ở Tháp Mười đã dóng lên hồi chuông cảnh báo việc xây đê bao ngăn lũ tràn lan ở ĐBSCL. Dù vậy, các địa phương vẫn làm đê bao và sẵn sàng ngăn lũ để tăng vụ trong mùa lũ tới. Thạc sĩ Dương Nghĩa Quốc, Phó Giám đốc Sở NN- PTNT Đồng Tháp tính toán: “Tới đây, cần chuyển đổi cơ cấu từ chuyên lúa sang lúa - màu; lúa - cá; lúa - tôm… Lũ về thì mở đê bao để nuôi thủy sản và lấy phù sa. Hiệu quả cao hơn lúa vụ 3 và đảm bảo độ màu mỡ cho đất. Đây sẽ là giải pháp ổn định sản xuất lâu bền…”. 

HUỲNH PHƯỚC LỢI

Tin cùng chuyên mục