Hệ lụy từ những hình ảnh bạo lực trên mạng

Theo Báo Washington Post, các hình ảnh, nội dung “lạnh người”, rùng rợn về cuộc xung đột tại Dải Gaza và Ukraine đang tràn ngập internet. Đến mức Colin Henry, nhà nghiên cứu về bạo lực chính trị và internet tại Đại học George Washington (Mỹ), ví von: dường như đột nhiên có thêm nhiều rạp chiếu phim trong thị trấn và một số rạp trong số đó chuyên chiếu các bộ phim kinh dị.

Bùng nổ cảnh giết chóc

Washington Post đưa ra dẫn chứng về một đoạn video do quân đội Israel công bố. Theo đó, binh sĩ Israel ở trên tàu chiến đã sử dụng súng trường và lựu đạn để tấn công rất nhiều người đang nổi trên mặt nước. Các quan chức quân đội Israel cho biết mục tiêu là chống lại những tay súng Hamas cố gắng tấn công vào bờ biển Israel trong cuộc tấn công hiệp đồng vào Israel hồi đầu tháng 10. Tất cả những người bị tấn công được cho là đã chết ngay sau đó.

Trước đây, những đoạn phim bạo lực như vậy thường chủ yếu được chia sẻ trên những web đen, không phải ai cũng xem được. Nhưng giờ, video đã xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội và các diễn đàn thảo luận, bao gồm cả subreddit r/CombatFootage (thuộc mạng xã hội Reddit, có 1,6 triệu người theo dõi) với hàng chục video bạo lực được đăng cùng thời điểm với video nói trên.

Video vụ tấn công trên biển do quân đội Israel công bố
Video vụ tấn công trên biển do quân đội Israel công bố

Các cuộc xung đột ở Dải Gaza và Ukraine đã tạo ra sự bùng nổ các video trực tuyến thể hiện sự khủng khiếp của chiến tranh hiện đại, một cách vô tình (và cả cố ý) đưa những hình ảnh giết chóc và tàn bạo đến với người xem toàn cầu - những người chưa sẵn sàng tiếp nhận. Những video bạo lực xuất hiện ngày càng nhiều khi các chiến binh dễ dàng sử dụng điện thoại di động và camera GoPro để ghi lại/phát trực tiếp các cảnh quay cho mục đích quân sự hoặc tuyên truyền. Kết quả là lượng người dùng internet đổ xô đến các trang chuyên phát video, bản tin và nhóm kín bị kiểm duyệt lỏng lẻo tìm kiếm video bạo lực tăng nhanh.

Chuyên gia Colin Henry nhận định: “Hệ thống truyền thông trực tuyến ngày càng bị phân mảnh đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều đất hơn cho những loại nội dung tương tự”.

Tổn thương gián tiếp

Các nhà lãnh đạo quân sự và những người lính rành kỹ thuật số, vì muốn có những hình ảnh thực tế của cuộc xung đột hoặc tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, đã phát trực tiếp các video qua các dịch vụ như Telegram hoặc đăng lại chúng trên các nền tảng truyền thông xã hội như X (trước đây là Twitter). Trên Telegram, cánh quân sự của lực lượng Hamas đã đăng các đoạn phim cho thấy video giao tranh đẫm máu, các cuộc tấn công của máy bay không người lái (drone) và giết hại binh lính Israel. Basem Naim, lãnh đạo bộ phận quan hệ quốc tế của Hamas, tuyên bố các đoạn phim vừa để thu hút sự chú ý của thế giới, vừa để khích lệ các chiến binh trong cuộc chiến phía trước.

Đối với nhiều người, những video bạo lực bất ngờ xuất hiện trên các trang web phát tự động hoặc mạng xã hội đã trở thành nỗi sợ hãi. Một số trường học và các nhóm giáo dục phải hướng dẫn phụ huynh giám sát, hạn chế con em họ sử dụng mạng xã hội. Nhiều bác sĩ tâm lý cảnh báo việc xem đi xem lại những hình ảnh ghê rợn có thể dẫn đến “tổn thương gián tiếp”, kéo theo tổn hại sức khỏe tâm thần của người xem.

Tuy nhiên, không ít người lại chủ động tìm kiếm những video bạo lực để xem và được các chiến binh “hỗ trợ”. Lữ đoàn cơ giới 110 của Ukraine - một đơn vị bộ binh chuyên dùng drone để thả chất nổ, đã đăng hơn 100 video lên kênh Telegram của mình, trong đó có nhiều video cho thấy cảnh các binh sĩ Nga thiệt mạng. Các video này thường được đăng lại với phụ đề bằng tiếng Anh trên các chuyên mục phụ như r/UkraineWarVideoReport, nơi có hàng ngàn lượt xem và bình luận. Nhiều người cảm thấy xót xa khi thấy những hình ảnh trên, nhưng cũng có người khác tỏ ra thích thú khi xem những cuộc tàn sát. Các hình ảnh như vậy từ lâu đã đóng vai trò định hình sự hiểu biết của công chúng về các sự kiện hiện tại.

Không thể phủ nhận trong nhiều trường hợp, từ những hình ảnh chân thực, người dân thế giới nhận thức và lên tiếng phản đối chiến tranh, lên án sự tàn bạo. Ngược lại, những video cũng bị lợi dụng để gieo rắc nỗi kinh hoàng và kích động phản ứng thái quá về mặt cảm xúc, khiến người xem vô hình trung bị cuốn vào và trở thành công cụ tuyên truyền. Amanda E. Rogers, chuyên gia tại tổ chức tư vấn Century Foundation, nghiên cứu về chủ nghĩa cực đoan, cho biết gần một thập niên trước, hình ảnh tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) chặt đầu các nhân viên cứu trợ, nhà báo và những người khác đã đánh dấu một bước ngoặt đối với những kẻ khủng bố. Chúng nhìn thấy “giá trị” của việc đăng tải những thước phim ghê rợn.

Tin cùng chuyên mục