Hệ quả của bệnh thành tích trong giáo dục

Trong những năm gần đây, dư luận xã hội, đặc biệt là những người quan tâm đến tiền đồ dân tộc, mỗi lần gặp nhau họ thường bàn luận về chất lượng giáo dục, về đạo đức học đường, trong đó nghiêm trọng nhất là bệnh chạy theo thành tích.

Có thể nói bệnh thành tích trong giáo dục là căn bệnh đã ăn sâu vào nhận thức của nhiều người, từ phụ huynh đến giáo viên, từ nhà trường đến xã hội. Bởi vì phụ huynh nào cũng muốn cho con em mình học giỏi, điểm cao, thầy cô giáo nào cũng muốn cho lớp học mình tiên tiến, nhà trường nào cũng muốn đạt thành tích cao. Chính vì vậy mà từ ngành giáo dục cho đến chính quyền địa phương đều đề ra nhiều chỉ tiêu thi đua: Thi giáo viên giỏi, học sinh giỏi, người tốt việc tốt, rồi phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm, phong trào làm đồ dùng dạy học... khiến cho nhiều giáo viên bị áp lực nặng nề. 

Ai cũng biết thi đua rất cần thiết, là động lực giúp cho thầy và trò cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, muốn đạt chất lượng tốt, thi đua phải xuất phát từ những hành động thiết thực, trung thực, không che giấu khuyết điểm, yếu kém, không đánh giá, xếp loại nể nang, thiếu dân chủ. Đáng buồn nhất là một số phụ huynh vì nuông chiều con cái nên sẵn sàng mua chuộc giáo viên mỗi khi con mình bị điểm thấp hoặc bị kỷ luật để mong cầu được ưu ái.

Mặc dù Bộ Giáo dục - Đào tạo đã vận động nhân dân “nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, nhưng thực tế ngày càng có nhiều biểu hiện tụt hậu khiến cho nhiều người cảm thấy đau lòng. Bằng chứng là ở một số nơi nhiều em học rất kém nhưng cuối năm tổng kết vẫn có những em được xếp loại xuất sắc và loại giỏi, loại trung bình rất hiếm thấy. Thậm chí có nhiều em đáng lẽ lưu ban nhưng vẫn được lên lớp. Thành tích đáng lẽ ra là nỗ lực thật sự của thầy và trò, đằng này lại ngụy tạo, gian dối, khai khống số liệu, kết quả để nâng cao thành tích. 

Thiết nghĩ chúng ta cần chấm dứt tình trạng áp đặt chỉ tiêu một cách máy móc, cụ thể như trường chuẩn phải có dưới 5% học sinh yếu kém hoặc trường nào có tỷ lệ học sinh đỗ cao trường đó sẽ được tuyên dương. Chúng ta nên nhìn thẳng vào tình hình thực tế của địa phương trước khi giao chỉ tiêu cho phù hợp.

Tình trạng áp đặt chỉ tiêu quá cao sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, học sinh sẽ bị lệch chuẩn, không tự đánh giá được khả năng học tập của mình. Tác hại lâu dài là bệnh thành tích sẽ lây nhiễm đến nhiều bệnh khác như báo cáo thiếu trung thực, làm suy giảm niềm tin của nhân dân.

Cách nay vài tháng, nhiều tờ báo đã đưa tin TS. Hang Chuon Naron, Bộ trưởng Giáo dục - Thanh niên Campuchia đã có cuộc cải cách giáo dục rất ngưỡng mộ. Ông đã bắt đầu chống tiêu cực trong thi cử từ năm 2014. Nhờ siết chặt trong thi cử, nghiêm ngặt khi coi thi mà tỷ lệ học sinh tốt nghiệp Phổ thông trung học từ 80% năm 2013 xuống còn 25,7% trong năm 2014. Từ đó, học sinh và phụ huynh mới nhận ra rằng muốn đổ đạt cần phải ra sức học tập. Trò nào không nỗ lực chuyên cần chắc chắn sẽ bị đánh rớt, không thể trông chờ vào sự rủi may hay quay cóp nữa. Từ đó, chất lượng giáo dục và tỷ lệ tốt nghiệp được nâng dần lên. Việc làm của TS. Hang Chuon Naron đã được đại diện UNESCO tại Campuchia ca ngợi “Điều này có lợi cho Campuchia”.

Ngoài chỉ tiêu, phong trào thi đua dạy tốt học tốt, nhiều giáo viên, nhiều cán bộ quản lý còn bị áp lực về việc xếp loại đạo đức học sinh trong nhà trường khiến cho tình thầy và trò, phụ huynh và giáo viên dần dần mất thiện cảm, dẫn đến thầy trù dập học sinh, phụ huynh trả thù giáo viên, làm ảnh hưởng nặng nề đến uy tín giáo dục. Điển hình như có một cô giáo ở Cần Thơ vì chạy theo thành tích thi đua mà giao cho em Tổ trưởng tổ Cờ Đỏ ghi tên những bạn hay nói chuyện, đùa giỡn hoặc đánh nhau. Có em còn ghi vào sổ liên lạc gia đình một cách tùy tiện rồi giao cho cô giáo ký tên trước khi gởi về gia đình. Việc làm này rất phản tác dụng, vì một em lớp trưởng hoặc tổ trưởng rất dễ chủ quan, tùy tiện khi nhận xét về bạn mình.

Mới đây, tại Trường PTCS Vĩnh Xương (An Giang) đã xảy ra một vụ việc đau lòng. Đó là em nữ sinh lớp 10 vì mặc áo mỏng và chạy xe phân khối lớn nên bị cô giáo chủ nhiệm bắt em viết kiểm điểm và thực hiện cấm túc 2 tuần để học tập quy tắc ứng xử và lao động. Lúc đầu em nhận khuyết điểm nhưng sau đó vì bị phê bình trước tập thể nên em hoảng loạn tâm lý, tự tử bất thành vào ngày 30-11-2020, để lại bức thư tuyệt mệnh gây xôn xao dư luận. Đây cũng là hệ quả của bệnh thành tích thi đua nên cô giáo mới siết chặt nội quy như thế.

Đất nước chúng ta đang trên đường đổi mới, hội nhập và phát triển, xã hội ngày càng văn minh và hiện đại. Những giá trị, chuẩn mực đạo đức của con người cũng vì thế mà cần thay đổi sao cho phù hợp. Đã đến lúc chúng ta cần phải cương quyết “Nói không với tiêu cực trong thi cử và chống bệnh thành tích trong giáo dục”, mà người gương mẫu đi đầu là cán bộ giáo dục, sau đó là toàn xã hội. Có như thế ngành giáo dục mới hoàn thành sứ mạng đào tạo nhân tài và giành lấy địa vị xứng đáng trên trường quốc tế.

Tin cùng chuyên mục