Hiểm họa khủng bố từ trong lòng châu Âu

Hiểm họa khủng bố từ trong lòng châu Âu

Khác với vụ khủng bố 11-9 tại Mỹ khi những kẻ khủng bố là những người nước ngoài nhập cảnh vào Mỹ, vụ đánh bom khủng bố tại London do những kẻ khủng bố lớn lên trong lòng nước Anh thực hiện. Hai vấn đề đang làm đau đầu người Anh cũng như châu Âu sau các vụ đánh bom khủng bố là: cái gì đã đẩy sự bất mãn hoặc thất vọng của một số trong cộng đồng thiểu số người Hồi giáo đến hành động khủng bố và hành động khủng bố ở London có thật sự là do những tên khủng bố tại Anh tự ý thực hiện hay là họ hành động theo chỉ đạo của mạng lưới khủng bố thế giới?

  • Mạng lưới khủng bố trải rộng khắp châu Âu

Hiểm họa khủng bố từ trong lòng châu Âu ảnh 1

Cộng đồng Hồi giáo London biểu tình chống khủng bố.

Mới đây, trùm khủng bố đang bị truy lùng gắt gao ở Iraq, Abu Musab Al Zarqawi đã xây dựng được mạng lưới của mình ở Tây Ban Nha. Hay như trường hợp Mohammed Bouyeri vừa phải ra tòa tuần rồi tại Hà Lan cũng là một bằng chứng. Bouyeri bị buộc tội giết đạo diễn Theo van Gogh do ông này đã làm phim đụng chạm đến người Hồi giáo.

Bouyeri thuộc mạng lưới khoảng 15 thành viên người Hồi giáo Hà Lan bị buộc nhiều tội khác nhau. Họ thuộc thế hệ thứ ba hoặc thứ tư của người Hồi giáo tại Hà Lan, hầu hết ở tuổi thanh thiếu niên, không hài lòng với đất nước mình và tìm nhiều người có cùng ý tưởng thông qua Internet.

Tuy vậy, hầu hết những hành động phạm pháp do nhóm này gây ra cho thấy họ chưa phải là thành phần chuyên nghiệp. Một người trong số họ bị bắt năm 2003 khi đang cố gắng tạo một quả bom theo cách hướng dẫn trên... Internet nhưng lại sử dụng sai loại phân bón (dùng làm chất nổ).

Tuy vậy, nhóm đã mời được một người Syria có “tay nghề” cao hơn về huấn luyện. Đây cũng chính là người tuyển mộ các chiến binh Hồi giáo thánh chiến.

Tại Anh, các cơ quan an ninh đã kết luận rằng, trong thời gian gần đây, mối liên hệ giữa thanh niên địa phương và các “bố già” từ nước ngoài được thiết lập trên cơ sở thanh niên thi hành mệnh lệnh. Điều đáng ngạc nhiên chính là những nhân vật hoặc các nhóm cuồng tín tự tìm đến các bậc đàn anh để học hỏi.

Hiểm họa khủng bố từ trong lòng châu Âu ảnh 2

Các nghi can khủng bố phần lớn xuất thân từ các nhóm Hồi giáo cực đoan.

Al-Qaeda giờ đây không lộ liễu tuyển mộ người để thực hiện thánh chiến vì tên tuổi của họ đang bị các lực lượng an ninh chú ý nhưng ít nhất họ cũng đã đặt được một số tay chân ở Anh.

  • Con đường “tầm sư” của các thanh thiếu niên Hồi giáo châu Âu

Năm 2001, Mỹ và đồng minh dễ dàng nhận diện cuộc tấn công khủng bố ngày 11-9 là do mạng lưới Al-Qaeda thực hiện với nhiều căn cứ, các cơ sở tài chính và các thủ lĩnh. Tuy nhiên, từ đó trở đi, Al-Qaeda ngày trở nên vô hình và gần như là “nhãn hiệu” chung của nhiều nhóm khủng bố khác mà qua các phương tiện truyền thông đại chúng họ tìm cảm hứng từ Al-Qaeda.

Vậy cộng đồng thanh thiếu niên Hồi giáo tại Anh, Pháp hay Hà Lan “tầm sư” bằng cách nào? Nhiều quan chức cấp cao Anh cho rằng, mặc dù có nhiều con đường để dẫn họ đến với sự cực đoan nhưng đa số đều có khuynh hướng theo mô tuýp về xã hội và tâm lý.

Thông thường, khi một thanh niên Hồi giáo trở nên xa lạ với xã hội mình đang sống, anh ta tìm đến rượu, thuốc lá và dần dần đi tới vi phạm pháp luật, sau đó đến với các nhóm Hồi giáo cực đoan để tìm sự đồng cảm.

Tại Anh, nước được xem là không có nhiều luật phân biệt sắc tộc và tôn giáo so với nhiều nước khác ở châu âu nhưng người Hồi giáo vẫn bị phân biệt trong xã hội về mặt kinh tế. Họ có mức sống thấp, thường bị thất nghiệp và khó mua được nhà ở. Theo thăm dò vào năm 2001, chỉ có 48% người Hồi giáo ở Anh có thể chủ động về kinh tế, tỷ lệ này đối với người Thiên Chúa giáo là 65%, người Hindu 67% và người không có tôn giáo 75%.

Mọi việc trở nên nguy hiểm hơn khi những thanh niên Hồi giáo tìm tới tiếp xúc với các cựu binh ở Tresnia, Bosnia hoặc tại các trại ở Afghanistan, nơi mà người ta ước tính đã có hàng trăm thanh niên người Anh theo Hồi giáo đã được huấn luyện. Với kinh nghiệm của mình, các “cựu binh” này sẽ huấn luyện những kỹ thuật gây tội ác rùng rợn nhất.

Suốt những năm của thập kỷ 1990, cuộc nội chiến đẫm máu tại Algeria đã đưa đến việc nhiều phần tử Hồi giáo cực đoan sang Pháp tấn công ga xe điện ngầm ở Paris. Trong số những di dân Hồi giáo gần đây tới Anh có cả những người từng tham gia các cuộc xung đột sắc tộc ở nhiều nước Nam á. Ahmed Omar Saeed Sheikh, một người Anh gốc Pakistan được xem là chủ mưu vụ bắt cóc và giết hại nhà báo Mỹ Daniel Pearl, từng học tại Trường Kinh tế London.

Tác giả người Pháp Oliver Roy khi viết về chủ nghĩa Hồi giáo toàn cầu đã phân tích vì sao những người Hồi giáo tại các nước phương Tây chống lại xã hội tại đây. Theo ông, những người này ở trạng thái lơ lửng, nghĩa là họ đã quên phong tục, văn hóa của quê cha đất tổ nhưng lại chưa thể dung hòa với những giá trị của xã hội mới.

Chính vì thế, họ dễ dàng bị lôi kéo. Hơn thế nữa, một chuyên gia khác của Pháp về Hồi giáo, Antoine Sfeir thì cho rằng sự “nổi dậy” của các thanh niên Hồi giáo tại các nước châu Âu là do bất bình đẳng về giới tính.

Trong khi đa số thiếu nữ gốc Hồi giáo đều hòa nhập tốt vào xã hội phương Tây thì các nam thanh niên tỏ ra bất lực, do đó bằng nhiều cách, họ mong muốn lấy lại vai trò của phái mạnh theo truyền thống gia trưởng của nhiều nước châu Á. Thế rồi, những thanh niên này đã đi theo tiếng gọi “chiến binh” thánh chiến (?!) tại các vùng chiến sự như Iraq, Afghanistan thậm chí Tresnia. 

HUY QUỐC
(lược dịch từ The Economist)

Tin cùng chuyên mục