Hiến tặng cho những người hùng bám biển

Hiến tặng cho những người hùng bám biển

Nhà sưu tập đồ cổ Hoàng Văn Cường

Nhà sưu tập đồ cổ Hoàng Văn Cường

“Bây giờ là hơn lúc nào hết, chúng ta phải dốc sức toàn bộ để ủng hộ ngư dân bám biển, gìn giữ chủ quyền biển đảo thiêng liêng. Ngư dân Việt Nam đang ngày đêm ra khơi, bất chấp mọi nguy hiểm tính mạng và của cải trước sự hung hăng của các tàu Trung Quốc. Họ là những người hùng đúng nghĩa”, nhà sưu tập đồ cổ Hoàng Văn Cường xúc động tâm tình…

Đã từng trải qua đạn bom

Thời chiến tranh, ông Cường là phóng viên ảnh chiến trường của Hãng Thông tấn UPI (United Press International, Mỹ), trực tiếp tác nghiệp tại chiến trường miền Nam cho đến ngày 30-4-1975. Do đó, ông đã trực tiếp chứng kiến cảnh bom rơi đạn nổ, những cái chết, những đổ nát tan hoang khắp miền Nam. “Tôi quá thấm thía những nỗi đau chiến tranh và giờ đây, là một con dân nước Việt, tôi lại đứng trước viễn cảnh này sau 40 năm hòa bình, nên tôi thấy không thể ngồi yên mà mình phải đóng góp một cái gì đó cho quê hương, cho đồng bào, nhất là ngư dân đang hàng ngày, hàng giờ đối mặt với hiểm nguy”, ông Cường tâm niệm.

Đó cũng là nỗi lòng của ông trước cuộc thử thách thời vận của đất nước, mà theo ông, đây là cuộc thử thách cam go nhất, lâu dài nhất trước “người bạn láng giềng” hung hãn, với chủ nghĩa Đại Hán đang trỗi dậy bất chấp mọi đạo lý và luật pháp quốc tế. Ông cũng khẳng định, bằng tất cả nội lực của một dân tộc có truyền thống chống ngoại xâm lẫy lừng, Việt Nam phải tự đấu tranh, phải cho thế giới thấy rằng, mặc dù nhỏ bé nhưng chúng ta nắm chính nghĩa, nắm lẽ phải và không bao giờ khuất phục trước bất cứ một kẻ xâm lược mạnh đến mức nào. Theo dõi thời cuộc từng ngày, từng giờ, nên khi nghe Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TPHCM phát động chương trình ủng hộ vì biển đảo quê hương, ông Cường quyết định sẽ bán đấu giá số cổ vật ông đã sưu tập trên 45 năm để ủng hộ. Đây là bộ sưu tập đồ cổ đồ sộ trên 2.000 món, với những món độc nhất vô nhị ở Việt Nam, mà giới sưu tập đồ cổ trong và ngoài nước “nằm mơ” cũng khó thấy. Bộ sưu tập này được tạp chí Life of Asia (tháng 5-2014) đánh giá rất cao về tính mỹ thuật, nghệ thuật và cũng được thẩm định với giá trị ban đầu trên 70 triệu USD.

Chiếc sàng có giá trị khoảng 2 triệu USD

Chiếc sàng có giá trị khoảng 2 triệu USD

Về quyết định “để đời” của mình, ông Cường tâm sự: “Bộ sưu tập của tôi có giá thật, nhưng đứng trước tình cảnh hiện nay thì tôi giữ lại cho riêng mình để làm gì? Giặc vào nhà rồi thì liệu bộ sưu tập này có còn không? Tôi cũng đã bàn bạc và thống nhất để lại di chúc cho vợ con, giá bán bộ sưu tập bao nhiêu, tôi chỉ giữ lại cho gia đình mình 30% là đủ sống, còn 70% tôi hiến tặng hết để ủng hộ ngư dân đang gìn giữ biển đảo. Thế là tôi mãn nguyện nhắm mắt được rồi”. Bộ sưu tập hơn 2.000 món đồ cổ của ông Cường đang được lưu giữ tại nhà riêng của ông ở 64 Đông Du (quận 1) và nằm rải rác tại quận 7 và 9, TPHCM.

Long sàng của vua Dục Đức

Long sàng của vua Dục Đức

Những món đồ “tuyệt đỉnh”

Trong những món đồ cổ có giá trị của ông Cường, đầu tiên phải kể đến chiếc sập ba thành dùng để hút thuốc của một viên quan triều đình Huế. Chiếc sập gần 400 năm tuổi có nguồn gốc từ một vị quan người

Minh Hương, họ Lý, được viên quan triều đình Huế mua về sử dụng. Chiếc sập được làm nguyên miếng bằng gỗ Lệ Chi, được chạm khắc rất tinh xảo với hình con lân ôm quả địa cầu. Hiện chiếc sập được giới chơi đồ cổ đánh giá “thiên hạ vô đối” (không có chiếc thứ hai - PV). Ông Cường cho biết, có người đã trả ông 2 triệu USD cho chiếc sập này nhưng ông không bán. Nhưng còn tiết lộ “động trời” khác là ông có đến… 9 chiếc sập (hoặc sàng) tương tự. Có thể kể: quý phi sàng của bà Từ Dũ; long sàng của vua Dục Đức; sàng của vua Xiêm (Thái Lan) tặng vua Gia Long; sàng của Hoàng tử Đảm (vua Minh Mạng sau này), 2 sàng của các bà chúa…

Trong bộ sưu tập của ông Cường, có rất nhiều đồ của triều đình nhà Nguyễn, được gọi là đồ ngự dụng. Những món đồ sứ men lam, những chỉ dụ của vua hay những cây đèn được chạm khắc cầu kỳ. Ông Cường còn sở hữu bộ sưu tập 25 cây súng Nhật được chế tạo từ năm 1600, báng súng làm bằng ngà voi, hay sở hữu phần lớn đồ gốm sứ đời Minh… Bộ sưu tập của ông có 2 chén ngọc cực kỳ quý hiếm là Tham thì thâm và Lầm thì mạt, có từ đời Tống, cách nay hơn 11 thế kỷ. Chén Tham thì thâm có đặc tính, người uống trà (hoặc rượu) rót vào chén đến một mức “vừa đủ là ngon”, còn nếu tham mà châm thêm thì lập tức, trà (hay rượu) đã châm vào chén trước đó lập tức tràn hết ra ngoài. Chén Lầm thì mạt cũng có đặc tính này. Theo giới sưu tập đồ cổ, giá mỗi chén ngọc này không dưới 100.000 USD.

Chén ngọc Tham thì thâm

Chén ngọc Tham thì thâm

Ông Cường cho biết mong muốn được phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức bán đấu giá các món đồ cổ của ông mà dự kiến giá trị có thể lên tới hàng chục triệu USD. Di chúc ông tự tay viết có đoạn: “Toàn bộ tài sản bán ra, 70% hiến cho biển đảo, đồng bào ngư dân nghèo có tâm huyết vì biển đảo; hàng tháng, hàng năm bám biển nếu có sự cố hoặc tai nạn biển sẽ có số tiền ứng phó tiếp sức cho đồng bào ngư dân. 30% cho con cái và dòng họ, nội ngoại hai bên còn nghèo lắm, để xây từ đường hai bên nội ngoại. Đây là thông điệp thay lời di chúc”. Ông Cường cũng mong muốn các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, định giá số đồ cổ và thực hiện các bước tiếp theo.

Ngày 5-7 vừa qua, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TPHCM đã cử một đoàn cán bộ đến nhà ông Cường khảo sát các món đồ cổ trưng bày tại đây và tìm hiểu kỹ nguyện vọng hiến tặng 70% giá trị cổ vật cho đồng bào ngư dân đang ngày đêm bám biển. Từ khảo sát này, đoàn sẽ có hướng trưng bày, giới thiệu bộ sưu tập hơn 2.000 món đồ của ông Cường đến đông đảo người dân và có hướng tổ chức một cuộc đấu giá để tiếp nhận nguyện vọng hướng về người dân của ông Cường.

Quốc Bảo

Tin cùng chuyên mục