Hiệp định thương mại tự do giữa các nước hai bờ Thái Bình Dương đang trong vòng đàm phán thứ 18 và dự kiến đạt được thỏa thuận chung vào cuối năm 2013. Tham gia vào sân chơi này, Việt Nam sẽ gặt hái được gì và ngay từ bây giờ nên chuẩn bị những sách lược nào để hội nhập. Một số chuyên gia đã phân tích về “quyền và nghĩa vụ” của Việt Nam khi tham gia vào TPP.
Ông Herb Cochran, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham): Hạn chế tăng trưởng và cơ hội phục hồi
Để bàn sâu về Hiệp định TPP, chúng ta hãy bắt đầu bằng việc nhìn lại giá trị thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ từ sau khi Hiệp định Thương mại Song Phương có hiệu lực vào tháng 12-2001, theo sau là việc gia nhập WTO tháng 1-2007 với dự báo đến năm 2020. Trong đó, giá trị thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, từ cột mốc 1,5 tỷ đô la Mỹ năm 2001 lên đến 24,9 tỷ đô la Mỹ năm 2012; và dự báo sẽ đạt 51,6 tỷ đô la Mỹ vào năm 2020, ngay cả nếu không tham gia TPP.
Tham gia TPP, đồng thời tích cực thực hiện mạnh mẽ những cam kết có thể tăng cường giá trị thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ lên đến 64,7 tỷ đô la Mỹ vào năm 2020. Và giá trị xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 22 tỷ đô la Mỹ vào năm 2020. Tăng cường thực hiện các cam kết WTO và tham gia tích cực vào TPP sẽ giúp giải quyết vấn đề kinh tế mà Việt Nam đã và đang đương đầu trong nhiều năm qua, và dường như vẫn phải tiếp tục đối phó nếu không thực hiện một hành động thiết thực nào. Bằng chứng cho thấy, Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã kết luận rằng Việt Nam đang trong tình trạng “chậm trễ tăng trưởng cơ cấu”.
Không quan trọng về cấu trúc thương mại và đầu tư ra sao, ASEAN, APEC, BTA, WTO, TPP, ASEAN Blueprint 2015 hoặc ngay cả Đối tác Hợp Tác Kinh Tế Khu Vực, cá nhân các công ty Việt Nam và Hoa Kỳ đều xây dựng những mối quan hệ thương mại với nhau. Thực tế là việc các nhà máy FDI chiếm 2/3 giá trị xuất khẩu của Việt Nam đã cho thấy rõ rằng chưa có nhiều công ty Việt Nam xây dựng được những mối quan hệ như vậy. Nhà mua hàng Hoa Kỳ (và các quốc gia khác) đã thiết lập tốt chuỗi cung ứng, các hướng dẫn và thủ tục giúp họ trở thành nhà cung cấp, phát triển kinh nghiệm kinh doanh trong khu vực. Hiện nay họ đang rời khỏi Trung Quốc để đến các nước vùng Đông Nam Á, với nhiều lý do khác nhau. Để giúp Việt Nam cạnh tranh, thay thế nhà cung cấp tại Trung Quốc và tại các quốc gia ASEAN hoặc các nhà máy FDI tại Việt Nam, họ phải hiểu và thực hiện theo các hướng dẫn để trở thành nhà cung cấp.
Để hưởng lợi ích từ việc tham gia hiệp định TPP, các công ty Việt Nam cần tăng cường tham gia các hội chợ chuyên ngành tại Hoa Kỳ, nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng tính cạnh tranh, tìm hiểu kỹ về các quy định trong nhập khẩu của các nước thành viên TPP, đồng thời nâng cao bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm, bảo hiểm hàng hóa đường biển.
Ông Ray Nayler, Quyền Trưởng phòng kinh tế, Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TPHCM: Tận dụng thế mạnh sẵn có
Có thể khẳng định, tính thích nghi và tinh thần doanh nghiệp, khả năng đương đầu thách thức là thế mạnh của Việt Nam và cũng chính là những gì cần thiết để có thể tận dụng tốt nhất những cơ hội hiệp định TPP mang lại cũng như vượt qua thách thức cạnh tranh. Trước tiên nên mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường, tăng xuất khẩu từ Việt Nam, đặc biệt sang thị trường Hoa Kỳ, đối với các sản phẩm như dệt may, hải sản, da giày, sản phẩm từ gỗ… Đồng thời, tăng cường khả năng tiếp cận thị trường cho các sản phẩm mới như phụ tùng xe ô tô và hải sản chế biến. Tăng đầu tư từ Hoa Kỳ và các nước khác vào Việt Nam và hỗ trợ phát huy tốt hơn những cơ hội do quá trình tái cơ cấu mang lại. Tận dụng xu hướng hội nhập kinh tế trong khu vực để nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế và mở rộng quan hệ với các đối tác thiết yếu.
Hiệp định TPP đạt được những tiến bộ đáng kể trong các lĩnh vực như thị trường hàng hoá, hải quan, quy tắc xuất xứ hàng hoá, rào cản kỹ thuật trong thương mại cũng như các lĩnh vực an toàn thực phẩm, dịch vụ và đầu tư. Hiệp định này sẽ mở rộng cửa cho thị trường xuất khẩu sản phẩm dệt may của Việt Nam sang Hoa Kỳ. Cụ thể, sau khi ký kết Hiệp định TPP, những mặt hàng xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam như dệt may sẽ được cắt giảm thuế khi tiếp cận thị trường Hoa Kỳ, Úc và các quốc gia thành viên TPP khác. Hiệp định TPP không chỉ tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu và cắt giảm thuế mà còn tạo ra những động lực mạnh mẽ cho đầu tư và phát triển. Tham gia Hiệp định TPP sẽ thúc đẩy quá trình cải cách thị trường, hiện đại hoá và hội nhập của Việt Nam. Bất cứ lĩnh vực xuất khẩu nào của Việt Nam vốn đang chịu mức thuế nhập khẩu cao tại một trong các thị trường tham gia TPP, trong đó có Hoa Kỳ, sẽ được hưởng lợi đáng kể.
Tuy nhiên, Hiệp định TPP có tính chất hỗ tương nên mỗi thành viên sẽ chỉ được hưởng lợi khi cũng đồng thời cho phép các thành viên khác tiếp cận thị trường của mình. Những bước đi khó khăn và nỗ lực phải bỏ ra để có thể hoàn tất Hiệp định TPP theo đúng lịch trình, xét về phí tổn, sẽ không thấm vào đâu nếu bỏ lỡ cơ hội hội nhập với 10 thị trường lớn cùng nhiều thị trường khác nữa.
LẠC PHONG ghi