Hiệp định thương mại thắt chặt quy định trách nhiệm xã hội

12 nước là thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã chia sẻ một cam kết mạnh mẽ nhằm bảo vệ và bảo tồn môi trường, bao gồm cả việc các thành viên làm việc với nhau nhằm giải quyết các thách thức về môi trường như ô nhiễm môi trường, buôn bán động vật hoang dã, khai thác trái phép, đánh bắt trái phép và bảo vệ môi trường biển. Trường hợp những doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa không đảm bảo các yếu tố môi trường, hay nói rộng hơn là không thực hiện cam kết trách nhiệm xã hội sẽ không có chỗ đứng trên thị trường.

Trong khuôn khổ của TPP, 12 nước thành viên nhất trí đối với thực thi có hiệu quả pháp luật về môi trường và không làm suy giảm hệ thống pháp luật về môi trường, nhằm mục đích khuyến khích thương mại và đầu tư. Các bên cũng nhất trí thực thi các nghĩa vụ theo Công ước về Thương mại quốc tế đối với các loài động thực vật nguy cấp (CITES) và thực hiện các biện pháp nhằm đấu tranh và tăng cường hợp tác để ngăn chặn thương mại về động thực vật hoang dã được tiến hành một cách bất hợp pháp.

Ngoài ra, các nước thành viên cũng đồng ý thúc đẩy quản lý phát triển rừng bền vững, bảo vệ và bảo tồn các loài động vật và giống cây hoang dã được xác định là nguy cấp trong lãnh thổ của nước mình. Trong đó bao gồm cả các hành động mà các bên tiến hành nhằm bảo tồn toàn vẹn sinh thái của các vùng tự nhiên được bảo vệ đặc biệt, ví dụ như khu vực đầm lầy.

Trong nỗ lực bảo vệ vùng đại dương chung, các nước thành viên TPP nhất trí đối với quản lý bền vững nghề cá, thúc đẩy việc bảo tồn các loài sinh vật biển quan trọng. Đơn cử như đối với cá mập, sẽ thực hiện đấu tranh chống đánh bắt trái phép, cũng như nghiêm cấm một số hình thức trợ cấp nghề cá có tác động tiêu cực nhất dẫn đến tình trạng khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên cá. Các bên cũng nhất trí tăng cường tính minh bạch liên quan đến các chương trình trợ cấp và nỗ lực hết sức ngăn chặn việc đưa ra các hình thức trợ cấp mới dẫn đến đánh bắt cạn kiệt và vượt quá trữ lượng các nguồn tài nguyên.

Song song đó, các nước thành viên TPP cũng nhất trí bảo vệ môi trường biển khỏi ô nhiễm đánh bắt và bảo vệ tầng ô zôn khỏi các chất gây phá hủy. Theo đó, tái khẳng định cam kết trong thực thi hiệp định nhiều bên về môi trường (MEAs); cam kết minh bạch trong các vấn đề khi đưa ra, thực thi và thúc đẩy các quyết định về môi trường. Ngoài ra, nhất trí đối với việc tạo điều kiện cho cộng đồng đóng góp đối với việc thực thi Chương trình Môi trường thông qua các phiên xem xét và đánh giá việc thành lập Ủy ban về Môi trường nhằm giám sát việc thực thi chương này. Các nước thành viên còn nhất trí khuyến khích các sáng kiến tự nguyện về môi trường, ví dụ như các chương trình hợp tác về trách nhiệm xã hội; cam kết hợp tác và giải quyết các vấn đề thuộc mối quan tâm chung, trong đó bao gồm các khu vực bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học, thời gian chuyển đổi sang các nền kinh tế có mức khí thải thấp và phát triển bền vững.

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, khẳng định còn 2 năm nữa TPP mới có hiệu lực chính thức. Tuy nhiên, để DN chuẩn bị hoàn thiện hệ thống xử lý chất thải an toàn với môi trường thì khoảng thời gian này không phải là dài. Trên thực tế, thời gian qua hiệp hội đã phải tham gia can thiệp, hỗ trợ nhiều DN xử lý khủng hoảng, mà nguyên nhân là do vướng quy định trách nhiệm xã hội tại nhà máy sản xuất khi xuất khẩu sản phẩm ra thị trường thế giới, phổ biến tập trung ở những DN có thị trường xuất khẩu vào Nhật Bản, châu Âu và Mỹ. Đây là những thị trường chính của DN Việt nhưng cũng là những thị trường áp dụng các tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội như là rào cản kỹ thuật một cách chặt chẽ và khắt khe nhất. Do vậy, để hướng đến sản xuất phát triển bền vững, ngay từ bây giờ, các DN cần chủ động, quan tâm và đầu tư thỏa đáng đến vấn đề này.

PHÚC ANH

Tin cùng chuyên mục