
Hưởng ứng cuộc vận động “Kỷ vật của những người đi B”, thiếu tướng Phùng Đình Ấm (tên thường dùng là Ba Cung) đã có nhã ý gửi tặng Báo SGGP một bức ảnh chụp từ năm 1994 – bức ảnh khó quên chứa đựng những ký ức một thời kháng chiến trên mảnh đất Tây Nguyên.

Bức ảnh đồng chí Phùng Đình Ấm và Bớ Đơm Bơri chụp ngày 9-5-1994.
Là thượng úy trước lúc đi B, tháng 5-1959, đồng chí Ba Cung được lệnh trở lại chiến trường miền Nam để phối hợp với Đảng bộ tỉnh Đắc Lắc xây dựng, phát triển cơ sở và mở đoạn đường hành lang chiến lược Bắc – Nam ở cuối dãy Trường Sơn - tức là vùng Ba biên giới, nối liền 2 chiến trường Nam Tây Nguyên và Đông Nam bộ, với cương vị Phó Trưởng đoàn B90.
Nhóm của đồng chí Ba Cung gồm 25 người có nhiệm vụ xóa vùng trắng do địch kiểm soát, tạo điều kiện cho miền Bắc XHCN chi viện kịp thời cho chiến trường Nam bộ. Vào đến Nam Đắc Lắc vào cuối năm 1959, trải qua gần 1 năm cực kỳ gian khổ, đoàn đã dựa vào dân, liên lạc với từng người, tổ chức từng cơ sở, mở rộng địa bàn, xây dựng bàn đạp và mở đường nhích dần về Nam.
Đến ngày 30-10-1960 và 4-11-1960, 2 mũi mở đường của đoàn mới bắt liên lạc được với Lực lượng vũ trang cách mạng của Xứ ủy Nam bộ và Liên tỉnh miền Đông. Từ đó, con đường huyết mạch được lưu thông từ Bắc vào Nam, góp phần vào việc mở ra cục diện mới cho cách mạng miền Nam.
Trong khoảng thời gian đó, người đầu tiên đoàn bắt liên lạc, xây dựng thành hội viên nòng cốt ở vùng ba biên giới là ông Bớ Đơm Bơri. Ông đã vận động dân làng Bu Rơ Nga đi theo cách mạng, tạo một phong trào du kích chống Mỹ mạnh mẽ nhất vùng. ông là người dân tộc thiểu số đầu tiên ở vùng ba biên giới được kết nạp Đảng.
Bớ Đơm Bơri đã nhận Ba Cung làm con nuôi – cùng ăn, cùng ở, cùng chiến đấu trong những năm đầu kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1959 – 1964). Trải qua nhiều năm tháng, hết kháng chiến chống Mỹ đến làm nghĩa vụ quốc tế tại chiến trường Campuchia, đến năm 1994, thiếu tướng Phùng Đình Ấm mới có điều kiện trở lại thăm buôn Bu Rơ Nga và thăm người cha nuôi “lão đồng chí” Bớ Đơm Bơri.
Ông nhớ lại: “Tôi và cha nuôi đã chụp bức ảnh ngày hội ngộ để ghi nhớ lại những kỷ niệm hào hùng và đầy tình cảm quân dân, nghĩa cha con những ngày đầu đi B…”.
TUẤN ANH