“Hô khoan... xin mời tất cả xố con”

Đấy là một điệu hò trong 9 mái hò khoan ở Quảng Bình. Bất cứ ở đâu có câu hò vang lên, nơi đó sẽ có hát hò dân ca. Về vùng sông nước Lệ Thủy, ngay những đứa trẻ tiểu học đã biết sanh phách, đàn nhị... và hát hò đối đáp các điệu giã gạo, đưa linh... Thú vị hơn, điệu hò bản địa ấy đã bát ngát vang xa diễn xướng tận trời Tây.
“Hô khoan... xin mời tất cả xố con”

Đấy là một điệu hò trong 9 mái hò khoan ở Quảng Bình. Bất cứ ở đâu có câu hò vang lên, nơi đó sẽ có hát hò dân ca. Về vùng sông nước Lệ Thủy, ngay những đứa trẻ tiểu học đã biết sanh phách, đàn nhị... và hát hò đối đáp các điệu giã gạo, đưa linh... Thú vị hơn, điệu hò bản địa ấy đã bát ngát vang xa diễn xướng tận trời Tây.

“Bảo tàng” hò khoan cổ

Lệ Thủy (Quảng Bình) được ví là vùng đất của gạo trắng nước trong bởi sông Kiến Giang và phá Hạc Hải. Con người dung dị hiền từ, điệu hò khoan dung dưỡng cuộc đời mỗi người lớn lên ở vùng đất này. Nhà giáo hưu trí Trần Văn Khởi (70 tuổi, ở thị trấn Kiến Giang) cho biết: “Hò khoan Quảng Bình diễn xướng tại các làng quê từ xa xưa, ngày nay đã đóng đinh thành hò khoan Lệ Thủy, bởi người ở đây hát hò khoan nhiều nhất, diễn ra trong mỗi gia đình. Cho nên, Lệ Thủy như bảo tàng sống của hò khoan xứ Quảng Bình - mà nhiều làng xã đã mai một đi. Bất cứ ai muốn biết hò khoan Quảng Bình thì địa chỉ ưu tiên nhất là Lệ Thủy, nơi này còn nhiều tấm lòng yêu vô cùng vô tận điệu hò mà nhạc sĩ Hoàng Vân đã đưa vào bài Quảng Bình quê ta ơi.

Cụ bà Đỗ Thị Hồng Minh (80 tuổi, ở Liên Thủy) là minh chứng hò khoan trở thành mạch nguồn và nhân cách sống từ nhỏ. 12 tuổi, thời làng quê không ánh điện, người ta đưa cối giã gạo ra bên bờ sông dưới ánh trăng, cụ theo phụ việc. Giã gạo ngày xưa khi ấy cứ thế hát hò. “Ngày xưa ít học, chữ nghĩa không có nhưng theo anh em, ba mẹ đi giã gạo thì hò khoan thấm dần, thấm dần mà lớn lên”, cụ Minh vừa nói vừa hát: Lệ Thủy gạo trắng trong/ Ai về Lệ Thủy thong dong con người…, rồi cụ xướng lên điệu cổ thuộc làu từ thời con gái: Thiếp xa chàng đêm mơ ngày tưởng/ Như ngọn gió nồm vất vưởng mùng vi/ Vì ai con hạc nọ lại phải xa quy/ Thôi em vuốt lá gan chịu chữ từ bi cho thấu trời/ Đã xa nhau thì xa cho mất/ Đã gần thì cho thành thất thành gia/ Đừng như con bướm nọ với hoa/ Lâu lâu đáo tới, dạ ta thêm buồn…

Hò khoan ở Lệ Thủy có đến 9 mái được tục truyền tên cổ từ xưa, gồm mái chè, mái nện, mái xắp, mái ba, mái ruổi, mái nhì, hò khơi, hò nậu xăm, hò lỉa trâu. “Hô khoan xin mời tất cả xố con” được cụ Trần Khởi giải thích từ “xố con” có nghĩa mời bà con cùng hò lên để động viên cho người hò chính có cảm hứng hát tiếp, nó cũng là cách truyền sức trong việc sáng tạo ra câu hò trong cuộc sống lao động, giao duyên từ vùng biển đến đồng bằng, trung du và miền núi. Đã ghé Lệ Thủy, nhất định phải nghe những điệu giao duyên hay khó tả. Nghệ nhân Nguyễn Thị Lý và nhóm của chị có 21 thành viên trong câu lạc bộ hò khoan địa phương, đây là câu lạc bộ tốt nhất trong trình diễn bởi chất giọng, sự cuốn hút, cách luyến láy truyền cảm hứng để người nghe cùng “hố khoan”.

Hò khoan Lệ Thủy trong một lần biểu diễn ở Bắc Ninh. Ảnh: TRẦN KHỞI

Người hát hò khoan ở Lệ Thủy còn xướng lên những câu rất hiếm gặp trong kho tàng dân ca ba miền: Con chim phụng hoàng bay ngang giữa chợ/ Nó hỏi chàng rằng đã có vợ hay chưa/ Hay là ôm duyên dạo miền sơn thủy/ Đi sớm về trưa một mình/ Con chim phụng hoàng bay qua hòn núi bạc/ Con cá ngư ông vọng nước ngoài khơi/ Tình thương đây đó đò ơi/ Long vân gặp bạn còn chờ bạn sang. Họ cứ hò qua hụi lại, xố con rồi xố lên theo điệu “khoan ơi hố khoan ơi là hố” đến đoạn cao trào: Gái xuân đi chợ Hạ mua con cá thu về chợ hãy còn đông/ Anh nói với em rằng em đã có chồng/ Tức mình em đổ cá xuống sông em về. Nghe vậy nam lại lên tiếng: Thầy mẹ bên nhà nói em đã có chốn xe dây/ Nay em tức mình đổ cá, đổ cá rứa hỏi mẹ thầy ăn chi?

Lạ nhất, hát cổ mà có những câu đắt như thế này: Gặp chàng đây nỉ năn trò chuyện/ Kẻo mấy lâu nay hiền viễn xôi xa/ Kể từ ngày sa lời hẹn, đêm thiếp nằm không ngủ/ Ngày cứ thiết tha với mối tình/ Là hỡi thiếp ơi lời chào cao hơn mâm cỗ/ Chàng gặp được thiếp như giữa chỗ vàng chôn/ Chứ có may đâu mà con trai lành lại gặp gái khôn/ Là như con cá gáy nằm giữa ao môn hóa rồng.

Toàn huyện phổ cập hò khoan

Ngày nay về Lệ Thủy, đi đâu cũng được nghe hò khoan, nó khác với ví dặm, quan họ Bắc Ninh hay vọng cổ miền Nam, đang lo lắng khó tìm đội ngũ kế cận sau này.

Hò khoan ở Lệ Thủy đã được phổ cập không chỉ ở vùng đồng bằng, miền biển mà ngay như người Vân Kiều vẫn hát được hò khoan một cách thuần thục. Ấy là bắt đầu từ một chiến lược bảo tồn từ cách đây 6 năm. Những nghệ nhân cao tuổi, những người tâm huyết với hò khoan đã đề đạt nguyện vọng đưa hò khoan vào giảng dạy trong trường học. Lãnh đạo huyện, HĐND huyện biểu quyết thông qua. Một chương trình dài hơi được hình thành. Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện đã triển khai môn học dân ca dân vũ hò khoan từ bậc mầm non đến hết cấp 3, tạo ra một huyện rộng lớn phổ cập hết các làn điệu hò khoan trong hàng ngàn hàng vạn học sinh.

Ông Hoàng Đại Hữu, Chủ tịch Hội Văn hóa nghệ thuật huyện, đánh giá: “Hò khoan đã được tiếp sức để bám sâu vào cội rễ lòng người, đặc biệt là thế hệ trẻ. Nay làng nào cũng có câu lạc bộ hò khoan, hoạt động rất tốt. Bọn trẻ học trong trường, cuối tuần được truyền dạy bởi người già, chúng rất thích hò khoan vì chúng sinh ra và lớn lên ở đây, biết cách để bảo tồn hò khoan theo cách sống động nhất”. Từ đó mà con em Lệ Thủy, như chị Nguyễn Thị Phong Thủy vào Huế làm ở Đoàn Nghệ thuật cung đình Huế, hát hò khoan có tiếng cũng mang ca từ diễn xướng này đến các rạp diễn ở châu Âu như Pháp, Bỉ, Hungari... và được đón nhận nhiệt tình.

Các nhà nghiên cứu ở Viện Âm nhạc Việt Nam, các chuyên gia văn nghệ dân gian ở Hà Nội đang làm hồ sơ đệ trình hò khoan Quảng Bình lên UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Nhà nghiên cứu ca dao dân ca Nguyễn Hùng Vĩ nói: “Trong một lần tôi được trò chuyện với GS-TS Trần Quang Hải, con trai cố GS-TS Trần Văn Khê, ông có nói rằng nếu như chỉ riêng một điệu Dạ cổ hoài lang được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại thì đến hò khoan Lệ Thủy, chỉ điệu hò “mái xắp” cũng sẽ làm nên được điều kỳ điệu đó”.

Hò khoan Lệ Thủy đã vậy, hò khoan Quảng Bình còn bát ngát vang xa.

MINH PHONG

Tin cùng chuyên mục