Trước đó, ngành ngân hàng cũng đã triển khai gói hỗ trợ 250.000 tỷ đồng nhằm cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí… Các biện pháp này đã đủ mạnh để giúp doanh nghiệp cầm cự, vượt qua khó khăn hiện nay? PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Vietnam, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực tư vấn phát triển, nghiên cứu kinh tế, phân tích chính sách.
- Phóng viên: Ông nghĩ sao về gói hỗ trợ giãn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và tiền thuê đất mà Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ?
TS LÊ DUY BÌNH: Gói hỗ trợ qua hình thức cho phép chậm nộp với một số khoản thuế này sẽ là biện pháp có tác động trực tiếp nhất trong các biện pháp hỗ trợ kể từ đầu mùa dịch Covid-19 tới nay. Hỗ trợ này có tác động gần như ngay lập tức tới gần 800.000 doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa. Hàng triệu hộ gia đình, hộ và cá nhân kinh doanh có hoạt động liên quan tới sản xuất, chế biến thực phẩm, dệt, sản xuất giày, vận tải, đường sắt, dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch… sẽ được hỗ trợ về khả năng thanh khoản trong 5 tháng để phục hồi sau khi dịch qua đi. Biện pháp này sẽ là sự sẻ chia và hỗ trợ rất cần thiết của Chính phủ với cộng đồng DN và cá nhân kinh doanh trên cơ sở tính toán cân nhắc cẩn trọng nhằm đảm bảo những cân đối lớn về kinh tế vĩ mô.
- Có ý kiến, DN sau 5 tháng vẫn phải nộp nên thực tế biện pháp này không hiệu quả. Ông có ý kiến ra sao?
Tôi không đồng ý với nhận định như vậy. Một trong những khó khăn lớn nhất của các DN là khả năng thanh khoản, tức là năng lực để thực hiện các nghĩa vụ thanh toán ngắn hạn. Hỗ trợ bằng hình thức này là hoàn toàn phù hợp để giải quyết khó khăn và cũng sẽ được cộng đồng DN và các hộ kinh doanh đánh giá cao. Đặc biệt là nó sẽ có sự hỗ trợ trực tiếp ở diện rộng với nhiều đối tượng.
Những kỳ vọng miễn hoàn toàn các khoản phải nộp ngân sách này là không khả thi và chưa thực sự cần thiết. Chính sách thuế cần phải đảm bảo được nguyên tắc công bằng với tất cả DN và người kinh doanh. Cũng cần lưu ý rằng, con số 80.200 tỷ đồng tương đương khoảng 5% tổng thu ngân sách nhà nước. Miễn toàn bộ khoản thu này đồng nghĩa với việc thâm hụt ngân sách lập tức tiệm cận con số 10% trong năm nay. Điều đó sẽ phá vỡ tất cả cân đối vĩ mô và dẫn đến những hệ lụy khác cho nền kinh tế như: tăng nợ công, giảm chi cho phát triển, tăng lạm phát, giảm chi tiêu cho an sinh xã hội cho những nhóm người yếu thế.
Chúng ta mới ở quý 1 và đang có những triển vọng về việc khống chế dịch; đang có dấu hiệu tích cực về sự phục hồi và tiếp tục tăng trưởng của nền kinh tế. Khả năng các DN phục hồi sản xuất kinh doanh và thực hiện các nghĩa vụ nộp ngân sách này vào nửa cuối năm nay là có thể. Hơn nữa, việc thực thi các biện pháp cũng cần phải tuân thủ các nguyên tắc vận hành của một nền kinh tế thị trường, của mục tiêu về đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, các quy định của pháp luật về thẩm quyền của Chính phủ trong việc sử dụng các biện pháp hỗ trợ. Tùy thuộc vào diễn tiến của tình hình dịch bệnh cũng như của nền kinh tế trong những tuần và những tháng sắp tới, các biện pháp mới, hỗ trợ mới cũng có thể được bổ sung. Nhưng với bối cảnh hiện tại, biện pháp hỗ trợ như vậy là phù hợp và hiệu quả.
- Một số ý kiến cho rằng, DN sẽ khó khăn hơn nhiều so với khủng hoảng tài chính năm 2008. Vì thế, các biện pháp phải có sự chọn lọc, mạnh mẽ hơn. Ví dụ như giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu (đang là 4.000 đồng/lít), giảm thuế GTGT, thuế TNDN; giảm lãi vay đến 5%, thậm chí bằng 0; giãn nợ vay ngân hàng, tạm dừng đóng các loại bảo hiểm đến cuối năm…
Giá xăng dầu trong nước đang được hỗ trợ mạnh mẽ bằng sự sụt giảm giá dầu thế giới. Vấn đề của ngành GTVT hiện giờ nằm ở cầu đối với dịch vụ này hơn là ở mức giá xăng dầu. Hơn nữa, với mục tiêu phát triển xanh và bền vững, chúng ta cần kiên định với các mức phí về bảo vệ môi trường đối với xăng dầu cũng như các nhiên liệu hóa thạch khác.
Việc hạ lãi suất cũng là biện pháp hỗ trợ rất cần thiết cho DN, hộ gia đình và cá nhân kinh doanh trong bối cảnh hiện nay. Nhưng giảm lãi vay đến 5% thậm chí bằng 0% là điều không thực tế, không phù hợp với thị trường. Lãi suất bản chất cũng là một loại giá và nó phải được quyết định bởi thị trường và các chính sách tiền tệ trên cơ sở cân đối với các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô. Ngân hàng cũng là DN và họ cần đảm bảo được an toàn trong hoạt động cũng như khả năng bền vững về tài chính. Họ cần đưa ra một mức giá đủ hấp dẫn để thu hút người dân, DN gửi tiền vào và đưa ra một mức giá đảm bảo để họ đủ trả tiền cho người gửi tiền, trang trải chi phí hoạt động của mình. Lúc này, các ngân hàng có thể chia sẻ bằng cách giảm bớt phần lợi nhuận mình được hưởng để giảm lãi vay cho DN và người kinh doanh, nhưng không thể xuống mức mà làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới an toàn về tài chính của ngân hàng.
Chúng ta cần cẩn trọng với biện pháp cho phép các tổ chức tín dụng được giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại theo quy định và về thời hạn các tổ chức tín dụng được áp dụng biện pháp này. Biện pháp này chứa đựng những nguy cơ làm tăng tỷ lệ nợ khó đòi trong hệ thống ngân hàng trong tương lai; tăng những rủi ro về pháp lý với ngân hàng, các tổ chức tín dụng nếu như không có các quy định rõ ràng để bảo vệ các tổ chức tín dụng khi có rủi ro pháp lý có thể phát sinh trong tương lai khi thực hiện biện pháp này.
Do vậy, các biện pháp hỗ trợ cần được cân nhắc với tác động ngắn hạn, dài hạn, trên cơ sở tính toán tới các đối tượng khác nhau và với việc mục tiêu duy trì ổn định kinh tế vĩ mô là mục tiêu tối thượng. Các DN và người kinh doanh cũng nên có kỳ vọng và yêu cầu hợp lý đối với sự hỗ trợ từ Chính phủ. Tinh thần tự lực cánh sinh từ mỗi DN vẫn là yếu tố quyết định. Có như vậy, DN mới có giải pháp hiệu quả nhất cho mình để vượt qua giai đoạn khó khăn này.