Hóa chất công nghiệp nguy hiểm: Cấm vẫn bán

Hóa chất công nghiệp nguy hiểm: Cấm vẫn bán

Vụ Nguyễn Văn Dũng (30 tuổi, quê tỉnh Bến Tre, tạm trú tại quận 8, TPHCM) tạt axít người yêu đơn phương vào trưa 3-11, khiến 6 người xung quanh bị bỏng gây chấn động dư luận. Sau vụ việc này, vấn đề quan ngại nhất hiện nay là tình trạng công khai mua bán và sử dụng trái phép các loại hóa chất công nghiệp tràn lan ở TPHCM. Thêm vào đó, luật pháp còn nhiều kẽ hở, công tác kiểm tra - xử lý của địa phương, ngành chức năng bỏ ngỏ đang góp phần làm tăng nguy cơ xảy ra các vụ án mạng, tai nạn thương tâm.

Cấm bán, nhưng mua vẫn có!

Chiều 4-11, một ngày sau khi vụ tạt axít làm 6 người bị bỏng xảy ra ở TPHCM, hoạt động mua bán tại chợ hóa chất Kim Biên (quận 5) và khu vực xung quanh vẫn diễn ra nhộn nhịp. Có điều, mỗi khi khách đến xem hàng, các tiểu thương đều rất cảnh giác và dè dặt. Dè dặt không phải vì sợ khách hàng mua hóa chất sử dụng vào mục đích nguy hiểm, mà vì sợ công an, nhà báo cải trang lấy thông tin để xử phạt hoặc đăng bài với hành vi kinh doanh trái quy định. Nghe chúng tôi trình bày cần mua một lượng lớn acid sulfuric (H2SO4 - loại loãng) để sử dụng cho cửa hàng sạc bình ắc quy trên đường Hồ Thị Kỷ (phường 1, quận 10), bà L. - chủ sạp T.L (chợ Kim Biên) nửa tin nửa ngờ, vừa liếc mắt vừa nói: “Bữa nay cấm rồi, không bán thứ đó… Mà có phải chú mua để làm bình xe máy không đó. Nói thiệt là sau vụ tạt axít vừa qua, sáng giờ công an họ rảo dữ quá nên… Mà chú muốn mua bao nhiêu?”. “20 lít” - tôi đáp.

Các vi phạm trong kinh doanh hóa chất, nhất là hóa chất công nghiệp tại khu vực chợ Kim Biên (phường 13, quận 5, TPHCM) đang diễn ra tràn lan.

Các vi phạm trong kinh doanh hóa chất, nhất là hóa chất công nghiệp tại khu vực chợ Kim Biên (phường 13, quận 5, TPHCM) đang diễn ra tràn lan.

Nghe vậy, bà L. vẫy tay ra hiệu để chúng tôi vào sâu trong sạp và nói: “25.000 đồng/lít, nhưng 4 giờ chiều mới có. Nếu mua thì đặt cọc trước 100.000 đồng. Còn gấp thì qua kia”. Vừa nói, bà L. vừa chỉ tay sang cửa hàng hóa chất nằm bên kia đường, có tên là Công ty TNHH Đ.L.B. Tại đây, tiếp xúc với chúng tôi là một người phụ nữ xưng là chủ cửa hàng và cũng là giám đốc công ty. Bà này cho biết, công ty có bán hóa chất acid sunfuric loãng nhưng chỉ bán sỉ (50 lít trở lên), không bán lẻ. Thấy chúng tôi lưỡng lự, bà giám đốc công ty đưa card visit có ghi số điện thoại (08. 95099…) và nói: “Khi nào cần thì cứ a lô. Lấy trực tiếp hay chở bỏ tận nhà đều có”. Tiếp tục ghé vào một số cửa hàng bán hóa chất quanh khu vực chợ Kim Biên để mua bột hít shi-sha (loại phụ gia thực phẩm gây nghiện, cấm mua bán), chúng tôi đều được chủ các cửa hàng cung cấp những loại chất theo yêu cầu. Ở cửa hàng M.T nằm trên đường Kim Biên (phường 13, quận 5), không chỉ lấy loại hóa chất chúng tôi cần mua, chủ cửa hàng tên K. còn mang ra cho xem một số loại hóa chất công nghiệp như: Amiton, Sulfur dichloride, Phosphorus trichloride, Hydrogen cyanide... và nói khi nào cần thì liên hệ. Khi được hỏi, các loại hóa chất này nằm trong danh mục kinh doanh có điều kiện, công ty có được phép bán? Nghe vậy, ông L. lấy giấy phép đăng ký kinh doanh đưa chúng tôi xem và nói: “Giấy phép cấp bán hóa chất, hương liệu, màu thực phẩm (trừ các mặt hàng hóa chất độc hại). Nói là trừ hóa chất độc hại nhưng đâu có giới hạn loại nào đâu nên mình cứ bán. Mà cũng hiếm khi mấy ổng (cơ quan chức năng - PV) xuống kiểm tra. Có kiểm tra cũng đứng ở phía trước kiểm một số mặt hàng, chứ ai vào trong lục lọi đâu mà sợ”.

Có kiểm tra, xử lý, nhưng...

Trao đổi với PV Báo SGGP về tình trạng kinh doanh hóa chất độc hại, nguy hiểm trong chợ Kim Biên, bà Lưu Thị Kim Nhung, Trưởng Ban quản lý chợ một mực khẳng định: “Trong chợ, các chủ sạp chỉ kinh doanh chất phụ gia thực phẩm, không hề bán hóa chất công nghiệp. Vì ở chợ, Ban quản lý có phân công một người làm tổ trưởng ngành hàng hóa chất, thường xuyên đi kiểm tra. Khi nghi vấn sạp nào bán hóa chất công nghiệp, sẽ báo cho Ban quản lý chợ kiểm tra, xử lý”. Tuy nhiên, khi chúng tôi chỉ ra một số trường hợp chủ sạp chợ hứa bán hóa chất acid sunfuric cho phóng viên thì bà Dung cho rằng, có thể có một số chủ sạp làm “cò” móc nối, hướng dẫn đến các công ty ngoài phạm vi chợ để mua. “Mà ở khu vực ngoài phạm vi chợ thì Ban quản lý chợ không xử lý được, thẩm quyền thuộc về chính quyền địa phương” - bà Dung nói. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết trong số 17 hộ kinh doanh hóa chất tại chợ Kim Biên, hiện có 2 hộ ngoài sạp hàng bán trong chợ còn có 2 kho chứa hóa chất ở ngoài khu vực chợ. Về việc này, bà Lưu Thị Kim Dung cho rằng, Ban quản lý chợ cũng muốn đưa các kho của 2 trường hợp này vào chợ để dễ quản lý nhưng do chợ không còn diện tích nên phải chấp nhận.

Trong khi đó, về phía chính quyền địa phương, bà Trương Bích Vân, Phó Chủ tịch UBND phường 13, quận 5 (nơi có chợ Kim Biên), cho biết thời gian qua, phường có phối hợp với quận và các ngành chức năng (quản lý thị trường, công an kinh tế…) kiểm tra, xử lý các vi phạm trong kinh doanh hóa chất tại khu vực chợ Kim Biên mỗi tuần/lần. Tuy nhiên, tình trạng lén lút bán hóa chất công nghiệp và các vi phạm khác tại một số cửa hàng trong khu vực chợ này vẫn còn. Để xử lý triệt để các vi phạm trong kinh doanh hóa chất tại đây, từ năm 2008, phường đã kiến nghị UBND quận 5 nên quy hoạch khu vực chợ hóa chất Kim Biên thành một trung tâm chuyên kinh doanh hóa chất nhằm dễ quản lý. Khi đó, việc mua bán trong trung tâm có camera giám sát, khách hàng mua sỉ hay lẻ đều có hóa đơn chứng từ. Người mua các hóa chất độc hại, nguy hiểm sử dụng vào mục đích gì cũng phải trưng ra chứng cứ pháp lý… Qua đó, các cơ quan chức năng cũng sẽ dễ quản lý, giám sát và xử lý hơn. Dự án này đã được quận 5 chấp thuận và đưa vào thực hiện nhưng tiến độ đến đâu thì vẫn chưa biết.

Từ tháng 9-2013 đến nay, Công an quận 5 đã phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường TP, chính quyền địa phương, xử lý 11 trường hợp hộ kinh doanh tại chợ hóa chất Kim Biên sai phạm các quy định: kinh doanh hóa chất công nghiệp (acid nitric, acid fornic, hydroxide…); không có sự cố phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất; kinh doanh hóa chất không có nguồn gốc, nhãn mác… Thực tế trên cho thấy, các vi phạm trong kinh doanh hóa chất tại chợ Kim Biên, nhất là kinh doanh hóa chất công nghiệp độc hại, nguy hiểm vẫn đang rất báo động. Điều này đồng nghĩa với việc TPHCM vẫn đang phải đối diện với nguy cơ xảy ra án mạng, tai nạn do dùng hóa chất độc hại cao. Bao giờ TP mới hết nỗi lo này?

TUẤN VŨ - QUANG KHOA - VÕ THẮM

Tin cùng chuyên mục