
(SGGP 12G).- Là nữ Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Nia (thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông), chị H’Mai, người dân tộc Mạ, đã nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp chính quyền và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”...
Vượt lên khó khăn

“Những năm 1980 là khoảng thời gian thật gian khổ, mình đi học mà cái bụng sôi ào ào, đói lắm. Nhiều lần ông bà già (bố mẹ) bắt mình phải nghỉ học để lên rẫy, nhưng mình vẫn muốn học lắm nên đành trốn đi, rồi ông bà cũng chịu cho mình học tiếp”, chị H’Mai nhớ lại.
Tiếp chuyện chúng tôi, người phụ nữ dân tộc Mạ có đôi mắt sáng, miệng rất tươi thoáng buồn khi nhớ lại những tháng ngày đã qua. Bố mẹ chị có 7 người con, chị là cô gái thứ 5 trong gia đình, được bố mẹ cưng chiều.
Tuy vậy, cuộc sống thời thơ ấu của chị gặp muôn vàn khó khăn. Ngày ngày theo bố mẹ, cùng các anh chị lên nương. Lúc đói quá, chị cùng gia đình phải ăn tạm củ sắn, củ khoai để cầm cự qua bữa. Cái đói, cái rét, bệnh tật… luôn rình rập và sẵn sàng đổ ập xuống gia đình chị bất cứ lúc nào.
Ngôi nhà vách đất xiêu xiêu trong cơn mưa rừng, “mọc” chông chênh trên ngọn đồi cao. Chị H’Mai hóm hỉnh: “Trông ngôi nhà lúc đó y như tổ chim vậy. Chỉ cần một cơn gió đủ mạnh là có thể hất tung ngôi nhà xuống sườn đồi. Nhưng tụi mình vẫn phải sống, vẫn phải kiếm cái ăn cho no cái bụng”.
Tuy cuộc sống khó khăn nhưng ý chí ham học của chị không bị dập tắt. Sáng tới trường; chiều phụ bố mẹ, anh chị chăm sóc đàn heo; tối học bài tới khuya. Cực khổ là thế nhưng chị H’Mai không vắng mặt một buổi học nào. Cô gái Mạ cứ thế lớn lên giữa đại ngàn hùng vĩ. Không chỉ học chăm, cô gái H’Mai khi ấy còn được mọi người biết đến với giọng hát đối trong trẻo. Những buổi lễ hội của buôn làng như lễ mừng mùa, đâm trâu, cầu mưa… chị luôn xuất hiện để góp vui văn nghệ.
Năm 1985, khi vừa tròn 18 tuổi, người con gái Mạ xinh đẹp nhất buôn làng kết duyên với thầy giáo Lê Văn Điểu, hơn chị 7 tuổi, là con trai một trong một gia đình quê ở Nghệ An. Anh chị quen biết và yêu nhau trong dịp thật tình cờ. Chị - cô cán bộ xã xinh xắn - gặp anh - thầy giáo trẻ - tại một buổi sinh hoạt chi đoàn của địa phương. Mến chị từ ánh mắt, nụ cười, giọng nói ngay từ buổi đầu gặp gỡ nên anh Điểu đã quyết định “tấn công”. Bất chấp sự ngăn cản, cấm đoán của gia đình, anh chị vẫn vượt qua tất cả để đến với nhau.
Giỏi việc nước, đảm việc nhà
Khi mới ra riêng, anh chị chỉ có “đôi bàn tay trắng”. Bằng sự kiên trì, quyết tâm cao để thoát đói, thoát nghèo, anh chị Điểu – H’Mai đã gầy dựng được những thành quả thật đáng khâm phục.
Năm 1986, cháu lớn Lê Thị Thùy Trang ra đời. Hoàn cảnh kinh tế của đôi vợ chồng trẻ gặp muôn vàn thiếu thốn. Gia đình, dòng họ hai bên đều nghèo nên không thể giúp đỡ gì cho con cháu. Cặp vợ chồng trẻ cùng cô con gái nhỏ phải sống tạm trong căn chòi gỗ ở rẫy, vừa để trông cà phê, vừa là nơi ở và làm việc.
Nhờ sự nỗ lực phấn đấu, kết hợp với nguồn vốn vay xóa đói giảm nghèo của xã, từ 2 sào cà phê ban đầu, giờ chị đã có hơn 2ha cà phê, 2 sào tiêu cùng một đàn heo, gà đông đúc. Tổng thu nhập hằng năm, trừ hết chi phí, anh chị Điểu – Mai lãi khoảng từ 90 triệu đồng đến 100 triệu đồng. Đây quả là số tiền không nhỏ đối với một gia đình cán bộ công nhân viên chức như anh chị.
Được người dân tín nhiệm, năm 2004 chị trúng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân xã Đắk Nia; năm 2005, chị được bầu làm Phó Chủ tịch UBND xã. Anh Lê Văn Điểu, chồng chị, hiện là Hiệu trưởng Trường THCS Phan Bội Châu xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa.
Ngoài giờ làm việc tại cơ quan, chị H’Mai lại tất bật với công việc nhà. Bên cạnh việc chăm sóc đàn heo, gà, chị còn có thêm nghề nấu rượu cần, ngoài việc cung cấp cho nhu cầu của bà con trong vùng, chị cũng muốn “giữ lại nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc mình”. Nhìn những ché rượu cần đủ loại, nhìn bàn tay thoăn thoắt nhặt lá, ướp lá khử ché của chị (cho rượu thơm ngon)… chúng tôi vô cùng thú vị. Chị nhiệt tình mời chúng tôi thử “vít rượu cần”. Những giọt rượu sóng sánh, vàng tươi như mật ong khiến chúng tôi ngây ngất.
Con gái lớn Lê Thị Thùy Trang hiện là sinh viên năm 3 Trường Đại học Kinh tế TPHCM; cậu út Lê Tuấn Hoàng, 15 tuổi, đang học lớp 9 Trường Văn Hóa 3, tỉnh Đắk Lắk. Con cái học giỏi, gia đình hạnh phúc, đó là niềm mong mỏi của bao người. Chị H’Mai là người may mắn vì đang có trọn vẹn những thứ ấy trong tay. “Không chỉ nuôi dạy, chăm sóc, giáo dục con cái học giỏi, chị H’Mai còn là một cán bộ xã nhiệt tình, tận tụy với công việc; xứng đáng là người phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà”, chị H’Zum, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đắk Nia nhận xét.
Ngân Hạnh