Hoa hồng đỏ của tôi

Mấy tháng nay, ba tôi chuyển qua ăn chay trường. Khỏi phải nói, ngã rẽ đột ngột này làm con cái trong nhà đến cả họ hàng gần xa ai cũng ngạc nhiên, bàn tán. Trước đây, má chỉ ăn chay tháng 10 ngày. Giờ ba tôi ăn chay trường, nên má “trườn” theo. Bữa vui vui, má thủ thỉ: “Ba tu trễ, nhưng giác ngộ nhanh”. Tôi cười, chọc má: Chưa chắc. 
Hoa hồng đỏ của tôi

1. Má tôi thuộc dạng buồn vui ít biểu lộ ra mặt. Có lẽ, bà thấm nhuần chân lý “cảm xúc nào rồi cũng là vô thường”. Nhưng bận này, ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, cứ rảnh rỗi là má lên mạng để sưu tầm các món chay, rồi vui vẻ nấu nấu, nướng nướng đổi món cho ba tôi. Ba cũng không còn đòi hỏi, khó khăn đường ăn uống, nhưng tánh má cứ thích lo. Tôi biết bước ngoặt của ba là phần thưởng ý nghĩa nhất mà ba tôi tặng cho vai vợ, vai mẹ, vai “người giữ lửa” của má cho cái tổ lúc ấm, lúc lạnh này mấy chục năm qua. 

Ba tôi tài giỏi, ý chí quật cường dữ lắm. Chưa bao giờ tôi thấy ba tôi chịu đầu hàng nghịch cảnh trước của bao cơn sóng gió, cuồng phong của cuộc đời. Bôn ba, xoay xở đủ nghề để nuôi vợ nuôi con. Sự nghiêm khắc có phần hơi độc đoán khiến chị em tôi ít gần ba, càng lớn lại càng xa. Tánh ba hay áp đặt; chị em tôi không chia sẻ được với ba thì vẫn còn có bạn bè, có trường lớp, có chỗ để cân bằng cảm xúc. Nhưng với má tôi thì bị cái rào chắn gia trưởng của ba tôi bít lối. 

Sau này, ra đời, học gì bên ngoài thì học, còn chữ “nhẫn” cứ học cách đối đãi của má tôi với chồng, với cả các em chồng nữa. Má không thanh minh thanh nga gì trước mọi sự hiểu lầm của các cô chú tôi, cho đến một ngày, má thu phục được hết từ cách sống của mình. Hồi đầu mùa dịch này, biết tôi có phụ làm khẩu trang vải để trao tặng cho người nghèo, má kêu thằng cháu ngoại chở bà đến những nơi có nhiều người khốn khó để bà gửi khẩu trang, đỡ đần việc cho các bạn tình nguyện viên. Tôi không muốn, vì bà thuộc diện người cao tuổi cần được bảo vệ trong nhà trong thời gian giãn cách xã hội, nhưng bà cứ đi, vẫn chắc nịch một câu “một gram hành động hơn một tấn giáo điều”! 

2. Nhiều người nói tôi giống má nhất nhà, theo nhiều nghĩa. Có lẽ vì tôi là con đầu lòng, nên chịu nhiều ảnh hưởng từ những gì mà bà chăm chút, nhen nhóm… từ khi tôi tượng hình.

Từ nhỏ, tôi ăn uống dễ dãi, sao tôi cũng nuốt được vì má tập cho tụi tôi ăn đủ thứ. Má dạy, phải tập dễ ăn, để nếu có rơi vô hoàn cảnh nào, ở đâu cũng sống được. Hồi mới đi làm, có tí tiền, tôi thích mua trang sức để đeo. Má không thích, dùng chiêu “búa tạ” để tôi thức tỉnh. Bà nói tôi diêm dúa như cây thông Noel. Má nói, đường còn dài, khi sa cơ lỡ vận, nhìn người trống trơn, rồi đâm ra mặc cảm. Mà hễ thiếu tự tin thì sẽ cản trở nỗ lực làm lại cuộc đời. Đó là lời dạy của một người từng là ái nữ của một chủ tiệm kim hoàn ở miền Trung. 

Tuổi trẻ của má tôi là đàn ca hát xướng, là sinh hoạt văn nghệ văn gừng trong gia đình phật tử. Hồi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mất, bà cũng lặng lẽ một mình đến viếng ông, dù ông chỉ làm thầy dạy nhạc của bà có ít ngày khi ông ra Quy Nhơn. Má tôi vừa làm giáo viên, vừa làm phát thanh viên trên radio, lấy ba tôi rồi theo chồng vào Nam. Kể từ đó, một phần vì cuộc mưu sinh đồng cam cộng khổ cùng chồng, một phần vì hoàn cảnh của thời cuộc, bà buộc phải cất vào ký ức những sở thích, đam mê văn nghệ. Tôi chỉ thỉnh thoảng nghe má hát khe khẽ những bài nhạc cũ, có khi bà hứng chí dạy tôi hát luôn, rồi bà lục cho xem những tấm hình đen trắng đã ố, trong đó má với dì tôi đang hát, đang múa ở trường, ở chùa Bồ Đề… thật đẹp.

Bài học đánh vần ê, a… đầu tiên là má dạy, chứ không phải là cô giáo. Chiều nào đám con nít trong xóm cũng thập thò, lấp ló lén nhìn tôi thút thít ngồi “đồ” chữ cho xong để được chạy đi chơi. Má tôi kêu tụi nó vào học luôn, nhưng tụi nó làm biếng và làm thinh, chỉ lắc đầu. Tôi học sớm một năm so với tuổi, nên bà chịu khó tìm đến thầy cô để học cách dạy “cải cách” về kèm cặp tôi thêm. Chữ nghĩa có nhiều đến đâu, nhưng với má, học làm người nhất định không được lơ là. Mỗi một giai đoạn trưởng thành của chị em tôi, bà có cách “độ” rất có lý. Lúc má mê hoặc tụi tôi bằng những câu chuyện tâm linh huyền bí, lúc bà đem nhân quả ra hăm he…

Người ta nói, trường giang sóng sau dồn sóng trước. Con của má giờ đứa nhỏ nhất cũng gần nửa đời người, chúng tôi không cần má nhắc “gieo gì, ắt sẽ gặt nấy”. Cứ mỗi chiều chủ nhật, bà gom tụi nhỏ lại, khi thì dẫn đi nhà sách, lúc đưa đến sinh hoạt gia đình phật tử ở chùa gần nhà… Đôi chân đó đã yếu hơn, không còn vững vàng nữa. Bước chân mới nay đã chậm hơn, không còn thoăn thoắt nữa, nhưng bà vẫn túc tắc gieo duyên cho từng đứa cháu. 

Má tôi không phải là thánh sống. Bà cũng có lúc vui - buồn, nắng - mưa bất chợt như bao bà mẹ khác. Bà cũng có kiểu “khi yêu - mềm dịu như bông, khi giận - nhọn sắc như chông như chà”. Nhưng bà luôn sống hướng thiện, chấp nhận thay đổi chính mình, miên mật trên con đường tu sửa bản thân.

Cái đèn cù đó vẫn xoay tròn không mệt mỏi, hết ngày này sang ngày khác, mấy chục năm nay. 

Mùa Vu Lan này, hoa hồng đỏ của tôi thắm hơn trên ngực áo!

Tin cùng chuyên mục