Hoàng Sa và Trường Sa là máu thịt!

Hoàng Sa và Trường Sa là máu thịt!

Bất chấp sự uy hiếp, gây hấn của Trung Quốc đưa nhiều tàu và máy bay quân sự vào vùng biển Việt Nam nhằm bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép, hàng vạn ngư dân miền Trung vẫn quyết tâm cưỡi sóng vươn khơi, bám biển, bám ngư trường truyền thống Hoàng Sa - Trường Sa. Họ như những “ngọn hải đăng” lấp lánh trên biển, khẳng định và giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Thuyền anh ra khơi có ngại chi...

Trong cái nắng oi ả của những ngày tháng 5, chúng tôi tìm về làng chài Bình Tân và Bình Tịnh, thuộc xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Hôm ấy là một ngày hết sức đặc biệt, hầu hết các gia đình trong xã đều làm giỗ.

Đã 8 năm trôi qua (2006-2014), nhưng trong tâm trí mỗi ngư dân nơi đây vẫn in sâu ngày 19-4 âm lịch định mệnh đó, ngày khăn tang xõa trắng khắp làng chài, khi cơn bão có tên quốc tế Chanchu đã cướp đi sinh mạng 83 ngư dân đang đánh bắt trên ngư trường Hoàng Sa - Việt Nam. Những chàng trai trẻ, những ngư dân hiền lành, chất phác của làng chài nghèo đã mãi nằm lại với vùng biển quê hương trong sự đau xót và tiếc thương vô hạn của dân làng... Thời gian có thể làm mọi cảnh vật thay đổi nhưng lòng yêu biển, tình cảm gắn bó ngày ngày rong ruổi theo những con tàu vượt muôn trùng khơi của người dân nơi đây không hề thay đổi.

Các tàu vẫn ra khơi

Các tàu vẫn ra khơi

Tiếp chúng tôi ngay trên bãi biển, ngư dân Nguyễn Thành Xê ngồi miệt mài “tu bổ” chiếc thúng chai sau một đêm ra khơi bội thu tôm cá trở về. Mới 59 tuổi nhưng ông đã có trên 40 năm lênh đênh theo tàu đánh cá. Ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa rất đỗi quen thuộc với ông. Ông kể, thời trai trẻ, ông thường theo các tàu cá đi đánh bắt hàng tháng trên biển và thường ghé lại các đảo ở Hoàng Sa để tránh bão. Giờ đây, khi tuổi cao, lực cạn, ông không còn đủ sức theo tàu hàng tháng đánh bắt trên biển nhưng không vì thế mà ông bỏ biển, vẫn theo tàu đánh bắt ven bờ, tối đi sáng về, giúp ông phần nào đỡ nhớ nghề.

Trong tâm trí ông Xê, quần đảo Hoàng Sa hiện lên với nhiều kỷ niệm. Những lần tàu cập vào đảo ông đều mang về các rặng san hô làm quà cho người vợ đang tần tảo nơi quê nhà. Hơn nữa, nơi đây được coi là nơi “hồi sinh” cuộc đời ông khi cơn bão Chanchu đổi hướng đột ngột làm nhiều tàu bị đắm trong làn nước dữ. Ôm một mảnh gỗ, ông trôi dạt và được cứu vớt nơi quần đảo Hoàng Sa khi đã đuối sức cùng kiệt. Ở quê nhà, vợ con và người thân của ông đã lập bàn thờ và mộ gió, sau đó ông trở về làm ai cũng ngỡ ngàng. Sau biến cố đó, ông không hề nao núng mà vẫn quyết tâm bám biển và động viên con cháu cùng vươn khơi.

Nối nghiệp cha, 2 con trai ông là Nguyễn Thành Sự và Nguyễn Thành Tâm lần lượt theo các tàu câu mực và đánh bắt cá ngừ đại dương tại khu vực quần đảo Hoàng Sa. Với tay nghề lão luyện bao nhiêu năm vươn khơi, những kinh nghiệm đánh bắt ông đều truyền lại cho các con, để các con ông ra khơi khai thác thủy sản đem về lợi ích kinh tế cho đất nước và góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo.

Chia sẻ về 2 người con trai nối nghiệp, ông Xê vui lên hẳn: “Tụi nó dự kiến đi 3 tháng nhưng mới gần 2 tháng tàu đầy ắp nên cập bến sớm, chia mỗi đứa được 45 triệu đồng. Đang vào chính vụ, mực cá nhiều nên các tàu tranh thủ đi đánh bắt lại. Biển của mình, tha hồ đánh bắt chả phải sợ ai cả”.

Thắp nén nhang tưởng nhớ 2 đứa con đã mãi mãi nằm lại trong lòng biển khơi, cô Trần Thị Thinh (sinh năm1958) cho biết: “Với 2 người thân nằm lại ở biển, tôi xem biển khơi như một phần cuộc sống của mình. Ba mẹ tôi đi biển, chồng tôi đi biển, con tôi đi biển, giờ đến đời cháu tôi cũng khuyến khích ra khơi. Bám biển, bám ngư trường truyền thống Hoàng Sa và Trường Sa để cho Trung Quốc thấy rằng dân mình ngoan cường không bao giờ chịu khuất phục, không bao giờ chịu mất chủ quyền”.

Đó là những lời tâm sự cũng như là khát vọng tự bao đời nay của lớp lớp ngư dân nơi đây, vẫn ngày đêm cưỡi sóng ra Hoàng Sa bám biển mưu sinh, giữ vững chủ quyền.

Theo thống kê sơ bộ, hiện toàn xã Bình Minh có trên 130 tàu cá, trong đó có 26 tàu đánh bắt xa bờ với gần 3.000 lao động đang hoạt động trên biển. Trong đó, thôn Bình Tịnh có 13 tàu cá hiện đang có mặt ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa - Trường Sa. Còn lại đại đa số đi thuê cho các chủ tàu lớn ở Đà Nẵng. Những thế hệ ngư dân nối tiếp nhau nơi biển khơi của đất nước, những thế hệ trẻ thay cha, thay chú ra những ngư trường truyền thống đánh bắt, giữ vững chủ quyền lãnh thổ.

Kiên trì bám biển, bám ngư trường

Ngư dân Nguyễn Thành Xê giờ đây có thể yên tâm vì các con đã nối nghiệp cha bám biển, bám ngư trường
Ngư dân Nguyễn Thành Xê giờ đây có thể yên tâm vì các con đã nối nghiệp cha bám biển, bám ngư trường

Những ngày này tại hầu hết các làng chài ven biển miền Trung đều vắng vẻ, chỉ còn phụ nữ, trẻ em và người già vì đang thời kỳ chính vụ khai thác cá nên hầu hết đàn ông đều theo các tàu đánh bắt xa bờ. Trước việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam, những ngư dân miền Trung bao đời gắn bó với biển, với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã hết sức bức xúc và phẫn nộ, kiên quyết phản đối cách hành xử ngang ngược của Trung Quốc và coi những lệnh cấm đánh bắt cá của họ là vô giá trị.

Tại làng chài Mân Thái, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, chúng tôi ghi nhận tinh thần các ngư dân không hề lo sợ, mà càng tỏ rõ quyết tâm kiên trì bám biển. Ngư dân Nguyễn Văn Ngàn cho biết: “Những ngày qua xem ti vi thấy Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 ở vùng biển Việt Nam, đâm húc, dùng vòi rồng tấn công các tàu Việt Nam, tôi rất bức xúc và vô cùng phẫn nộ. Ngư dân chúng tôi bao đời nay tiếp nối truyền thống của ông cha đi biển, khai thác hải sản ở ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa. Đó như là máu thịt của ngư dân miền Trung chúng tôi. Cho dù Trung Quốc có làm gì đi nữa thì chúng tôi vẫn ra khơi, vẫn đi biển. Ngư trường quen thuộc của chúng tôi, chúng tôi vẫn cứ ra”.

Cùng thái độ như ông Ngàn, ngư dân Đặng Văn Thà, làng chài Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, khẳng khái: “Ngư dân chúng tôi vẫn cứ đi biển, như ngàn đời nay bao thế hệ cha ông chúng tôi vẫn cưỡi gió, đạp sóng ra khơi. Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, điều ấy đã được ghi nhận trong các bản đồ lịch sử, vì vậy ngư dân ta cứ đánh bắt, chả có gì phải sợ”.
Nhiều ngư dân nơi vùng biển miền Trung vẫn ngoan cường ra khơi dù nhiều lần bị tàu Trung Quốc uy hiếp, thu giữ ngư cụ, bắt tàu... Tình yêu biển khơi vẫn luôn đau đáu trong lòng những người con làng biển.

Ngư dân Đặng Văn Thà, người có nhiều năm đi biển dài ngày, mong ước sẽ có thêm sự hỗ trợ từ nhà nước để có thể đóng mới những con tàu có công suất lớn, trang bị những thiết bị liên lạc hiện đại để ngư dân có thể liên hệ giúp đỡ nhau trên biển.

 

"Trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển đảo là của tất cả chúng ta"
Đó là khẳng định của ông Hồ Thanh Thưởng, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam trước toàn thể ngư dân trong xã. Ông nhấn mạnh: "Trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước là của tất cả người dân Việt Nam… Toàn thể đoàn viên và bà con ngư dân nêu cao tinh thần cảnh giác trước mọi âm mưu, thủ đoạn, hành vi vi phạm của Trung Quốc; sẵn sàng tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền biên giới biển đảo quê hương".

 

Rời làng chài trong buổi chiều muộn, chúng tôi vẫn nghe vang vọng lời của những ngư dân: “Hoàng Sa và Trường Sa với chúng tôi như là máu thịt, không đi biển sẽ nhớ lắm. Chúng ta hỗ trợ nhau đánh bắt, đoàn kết một lòng thì không sợ một thế lực nào hết, chúng ta quyết tâm giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội Nghề cá thành phố Đà Nẵng cho biết: “Thành phố hiện có trên 1.300 tàu đánh cá, trong đó có 240 tàu có công suất trên 100 sức ngựa. Trong những ngày này, Hội Nghề cá đã khuyến cáo ngư dân đi theo tổ đội để có thể hỗ trợ và bảo vệ nhau trên biển. Đến nay đã thành lập được 86 tổ đội và được hỗ trợ các thiết bị liên lạc tầm xa, định vị vệ tinh. Nhiều ngày qua, các tàu có công suất lớn đã rời âu thuyền Thọ Quang, thành phố Đà Nẵng để vươn ra đánh bắt nơi ngư trường Hoàng Sa của đất nước”.

Cùng với khí thế đó, nhiều ngư dân miền Trung ở Lý Sơn (Quảng Ngãi), Thuận An (Thừa Thiên - Huế), Tam Quan (Quảng Nam)… vẫn ngày đêm bám biển. Biển Đông đang “dậy sóng” nhưng ngư dân vẫn ngoan cường bám biển, bám ngư trường. Sự hiện diện của ngư dân trên biển chính là những cột mốc khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

HOÀNG TUẤN

Tin cùng chuyên mục