Theo đó, 3 nước quyết tâm đi đầu trong việc xây dựng một môi trường thương mại và đầu tư tự do, công bằng, đa dạng, không phân biệt đối xử, minh bạch, có kế hoạch cụ thể và ổn định, đồng thời duy trì các thị trường mở.
Nhận thức được nhu cầu cấp thiết của hợp tác khu vực nhằm khôi phục chuỗi cung ứng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, các bộ trưởng chia sẻ ý định hướng tới khởi động một sáng kiến mới để đạt được mục tiêu này thông qua hợp tác, dự kiến ra mắt vào cuối năm nay.
Bộ trưởng 3 nước cũng kêu gọi các nước khác trong khu vực ủng hộ và tham gia sáng kiến này. Đề xuất của Nhật Bản về khôi phục chuỗi cung ứng có 2 mục tiêu chính.
Thứ nhất là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để biến nơi này trở thành “đầu tàu về kinh tế”.
Thứ hai là xây dựng mối quan hệ bổ sung lẫn nhau giữa các nước đối tác. Trước đó, Nhật Bản đã hợp tác với Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về chuỗi cung ứng và dự kiến tìm cách kết hợp các chuỗi này lại với nhau.
Trong khi đó, Australia có cách tiếp cận mới khi đề cập đến liên kết tại khu vực. Phát biểu tại Diễn đàn Aspen (Mỹ) hôm 4-8, Thủ tướng Australia Scott Morrison nhìn nhận việc thành lập một liên minh giữa các quốc gia “cùng chí hướng” ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là ưu tiên tối quan trọng để duy trì ổn định trong khu vực giữa bối cảnh phải đối diện với cách hành xử hăm dọa ngày một lớn từ Trung Quốc.
Trong bài trả lời phỏng vấn độc quyền với tờ Financial Review ngày 30-8, ông Morrison cho rằng hợp tác Bắc Kinh - Canberra đang ở thời điểm xấu nhất, nhưng đó không phải là lỗi của Australia, mà là do những điều chỉnh trong cách hành xử của Trung Quốc. Hồi tháng 5, Trung Quốc áp thuế trừng phạt đối với lúa mạch nhập khẩu từ Australia. Đến tháng 8, Bắc Kinh đe dọa sẽ có hành động tương tự đối với mặt hàng rượu vang của Australia. Đó được xem là đòn trả đũa cho việc Chính phủ Australia cấm tập đoàn Huawei tham gia phát triển mạng 5G tại nước này. Kế đến là việc Canberra ban hành luật chống nước ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của nước này, được cho là để ngăn chặn việc các doanh nhân, công ty Trung Quốc tham gia tài trợ cho một số chính khách Australia.
Theo báo Nikkei Asean Review, hội nghị 3 nước lần này do Nhật Bản tổ chức, là một nỗ lực rõ ràng nhằm giảm sự phụ thuộc thương mại vào Trung Quốc - một đối tác thương mại lớn của cả 3 quốc gia này. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh những căng thẳng về thương mại và địa chính trị đang leo thang trong khu vực. Căng thẳng trong quan hệ Trung - Mỹ chưa hạ nhiệt, bế tắc ở biên giới Trung Quốc - Ấn Độ vẫn chưa có lối thoát và dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành nhiều nơi, dẫn đến những thay đổi về bối cảnh kinh tế và công nghệ quy mô toàn cầu.
Trong khi cả Ấn Độ và Nhật Bản đều có những tranh chấp biên giới chưa được giải quyết với Trung Quốc, thì quan hệ của Canberra với Bắc Kinh cũng đang rạn nứt. Shamshad Ahmad Khan, một chuyên gia về quan hệ Ấn Độ - Nhật Bản và là cộng tác viên tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc có trụ sở tại New Delhi, cho rằng: “Việc 3 nước trên quyết tâm thoát khỏi sự kiểm soát của Trung Quốc là điều hoàn toàn tự nhiên”.