Hoạt động thư viện quận, huyện: Bao giờ đổi mới?

TPHCM có 24 quận, huyện đều có trung tâm văn hóa (TTVH), trong đó có hoạt động của thư viện. Nhưng có một thực trạng đáng buồn, hiện nay hầu hết các thư viện quận, huyện cơ sở vật chất đều xuống cấp, nguồn tài liệu sách báo nghèo nàn, cũ kỹ. Sự phát triển của các loại hình giải trí hiện đại khiến cho thư viện quận, huyện ngày càng “chết” dần, số lượng bạn đọc đến với thư viện chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Hoạt động thư viện quận, huyện: Bao giờ đổi mới?

TPHCM có 24 quận, huyện đều có trung tâm văn hóa (TTVH), trong đó có hoạt động của thư viện. Nhưng có một thực trạng đáng buồn, hiện nay hầu hết các thư viện quận, huyện cơ sở vật chất đều xuống cấp, nguồn tài liệu sách báo nghèo nàn, cũ kỹ. Sự phát triển của các loại hình giải trí hiện đại khiến cho thư viện quận, huyện ngày càng “chết” dần, số lượng bạn đọc đến với thư viện chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Mạng lưới thư viện: Èo uột bạn đọc

Khi chúng tôi hỏi thăm đường đến Thư viện quận 3 thì một điều đáng buồn là những người dân địa phương không mấy ai biết. Vòng vo mãi chúng tôi mới đến được TTVH quận 3 trên đường Võ Thị Sáu. Cổng trung tâm đóng kín mít, người bảo vệ cho biết, muốn vào thư viện phải đi vào cổng đường Cách mạng Tháng Tám.

Thư viện quận 3 ở một góc nhỏ, nằm sâu trong phòng truyền thống, trưng vài chục đầu sách báo trong tủ, còn lại đều cho hết vào bao tải. Chưa kể, giữa cái không gian chật hẹp đó là tiếng nhạc xập xình của Sân khấu Ca nhạc Cầu Vồng … Bảng tên TTVH quận 3 nằm “khép nép” ở một góc nhỏ bên cạnh nhiều băng rôn quảng cáo rất… hoành tráng.

Nhiều độc giả nhí đến đọc sách tại thư viện ông Phạm Thế Cường (quận Gò Vấp).

Thư viện quận 8 cũng chẳng khá hơn, chỉ là một phần của phòng truyền thống trong một con hẻm trên đường Âu Dương Lân. Tuy không gian ở đây khá yên tĩnh, nhưng do diện tích quá chật hẹp nên thư viện dường như không có người đến đọc sách. Có khi thư viện lại đóng cửa im ỉm trong giờ làm việc vì phụ trách thư viện chỉ có một người, nếu có việc đột xuất thì không có cách nào khác hơn là… phải đóng cửa. Đầu sách trong thư viện được trưng bày “khiêm tốn” trên các tủ kính. Ở đây không có kệ sách, thậm chí sách còn để trong bao tải hoặc thùng giấy, một chiếc bàn lớn vốn để đọc sách thì nay cũng được biến thành… nơi chứa sách. Khi chúng tôi yêu cầu tìm một vài cuốn sách về văn hóa, người thủ thư lắc đầu: “Vì là sách chuyên ngành, ít người đọc nên chúng tôi phải để hết vào bao tải cho… đỡ bụi”.

Theo anh Trần Văn Hồng (cán bộ Thư viện quận 6): khó khăn hiện nay của hệ thống thư viện quận, huyện là cơ sở vật chất, trang thiết bị còn nghèo nàn. Rất ít thư viện được đầu tư xây mới. Những vị trí tốt nhất của TTVH luôn dành cho các hoạt động mang lại lợi nhuận cho TTVH như: các lớp học, phòng tập thể hình, phòng kinh doanh, nhà hàng, tiệc cưới... Ở các TTVH, hầu hết thư viện thường bị đưa vào một góc chật chội, không đáp ứng được yêu cầu của hoạt động thư viện. Ở Thư viện quận 6, thư viện chỉ rộng khoảng 20m2, chỉ có vỏn vẹn một tủ kính trưng bày sách và một cái bàn để lỉnh kỉnh các loại sách báo, thậm chí còn không có không gian để đọc sách báo tại chỗ.

“Thư viện cộng đồng” mô hình cần nhân rộng

Trong khi thư viện các TTVH hoạt động èo uột thì những thư viện cộng đồng, do một số cá nhân tự gầy dựng để phục vụ nhu cầu của cộng đồng lại thu hút đông đảo người đọc. Điểm sáng của thư viện cộng đồng hiện nay là thư viện miễn phí của cựu chiến binh Phạm Thế Cường, thư viện “sách nói” cho người mù của cô Nguyễn Hướng Dương, thư viện xanh quận 9…

Là người ham mê đọc sách, khi thấy nhiều người, nhất là các em thiếu nhi, học sinh, chưa có một địa điểm để đọc sách và thiếu sách, ông Cường đã thành lập thư viện phục vụ sách miễn phí ngay tại nhà mình trên đường Lê Văn Thọ (quận Gò Vấp) và trở thành địa điểm quen thuộc của các em thiếu nhi trong xóm, thu hút nhiều học sinh, sinh viên các trường đại học.

Chị Hứa Phùng Thúy Hương (sinh viên ngành Sư phạm) cho biết: “Tôi có đến đây vài lần và tìm được nhiều cuốn sách hay. Tôi nghĩ, những thư viện cộng đồng miễn phí như thế này sẽ giúp cho mọi người có thêm nhiều tình yêu với sách và tri thức”. Ông Cường đã dành toàn bộ phòng khách rộng 42m² ở tầng trệt làm thư viện. Những quyển sách được xếp ngăn nắp, gọn gàng thuận tiện cho việc tìm kiếm theo từng chủ đề riêng.

Đến nay, thư viện của ông Cường đã có 30.000 quyển sách với đủ các thể loại do ông tự đi mua, quyên góp, xin từ nhiều nguồn... Tại đây, ông Cường còn thành lập CLB yêu sách Nguyễn Huy Tưởng với nhiều hoạt động. “CLB này sinh hoạt mỗi tháng một lần với từng chủ đề về các nhà văn, nhà thơ. Buổi họp mặt, giao lưu hàng tháng là nơi để các bạn trẻ có cơ hội chia sẻ niềm đam mê đọc sách, tìm hiểu về sách đồng thời cũng là nơi giúp các em được nghe, đọc và hiểu hơn về những nhà văn, nhà thơ, các bậc danh nhân đã đóng góp lớn cho nền văn học cũng như sự phát triển của nước nhà” - ông Cường bày tỏ.

Trên địa bàn thành phố, một số thư viện cộng đồng đang hoạt động khá hiệu quả như: Thư viện phường Cô Giang trên đường Trần Hưng Đạo, thư viện xanh ở phường Long Thuận (quận 9), được đặt trong ngôi nhà gỗ rộng hơn 300m2, với hơn 5.000 đầu sách và trở thành điểm đến yêu thích của người đọc sách. Điểm mới trong các mô hình thư viện cộng đồng này là không gian yên tĩnh, hoạt động độc lập và hoàn toàn miễn phí nên thu hút nhiều độc giả.

Bạn Nguyễn Văn Vĩnh, sinh viên Trường ĐH KHXH-NV TPHCM, tâm sự: “Tôi thích đọc sách, nhưng ít khi đến thư viện quận, huyện bởi vì thủ tục làm thẻ rườm rà, không gian đọc chật hẹp, oi bức, xung quanh là tiếng nhạc từ các phòng tập phát ra nên không thể tập trung đọc sách”.

Một thư viện khác mang lại kết quả xã hội khá tốt và mang đậm tính nhân văn là Quỹ từ thiện sách nói cho người mù (TPHCM) đã đem lại nguồn sáng tri thức cho gần 1 triệu người mù trên cả nước. Hiện nay, thư viện này đã đọc thu âm được hàng ngàn tựa sách in, phục vụ miễn phí hàng trăm ngàn băng cassette, CD - MP3 cho gần 100 trường học, hội người mù các tỉnh thành cả nước với các chương trình: sách giáo khoa, sách văn học, sách các danh nhân, sách kiến thức… được phát hành miễn phí ở 54 tỉnh, thành trên toàn quốc.

Xã hội ngày càng phát triển, con người cần có tri thức để phát triển toàn diện và bền vững, trong đó vai trò giáo dục của sách và hệ thống thư viện là cần thiết. Nhưng thực tế cho thấy nhiều bất cập trong mạng lưới thư viện quận, huyện hiện nay là vẫn còn vận hành theo cơ chế thời bao cấp, theo cách tư duy cũ cách đây hàng chục năm; ngồi chờ bạn đọc tìm đến, không tìm hiểu và đáp ứng được nhu cầu bạn đọc. Đổi mới hoạt động thư viện không chỉ là bỏ tiền đầu tư xây dựng mới, mà là thay đổi tư duy, thay đổi cách làm để không lãng phí, để phục vụ bạn đọc.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Tin cùng chuyên mục