Bộ Giáo dục - Đào tạo đang có kế hoạch điều chỉnh chương trình sách giáo khoa nhằm tiếp tục nâng cao kiến thức, kỹ năng các môn học. Xin được góp thêm lời bàn về việc học môn văn.
Với hệ trung học phổ thông (THPT), bất kỳ một nền giáo dục nào cũng xác định môn văn là một môn trụ cột, góp phần quan trọng tạo nên sự vững chắc của “xương sống” kiến thức và kỹ năng, nền tảng kiến tạo thế giới tinh thần cho học sinh. Ai cũng thấy tầm quan trọng hàng đầu của việc học văn trong nhà trường phổ thông. Dân tộc ta có truyền thống trọng văn. Bởi quan niệm học văn chính là học làm người nhân hậu, trung thực, có trí tuệ. Trong văn có khoa học tự nhiên, có lịch sử, địa lý cũng như các môn học liên quan tới con người. Nhưng, quan trọng nhất và bao trùm lên tất cả là học để thể hiện mình.
Những năm qua, có không ít những chuyện “cười ra nước mắt” trong các bài văn thi tốt nghiệp THPT. Khả năng diễn đạt ngôn từ trong lời nói, văn bản, bài viết của đa số sinh viên còn rất hạn chế, nếu không muốn nói là yếu kém. Thậm chí ngay cả các cử nhân, kỹ sư, bác sĩ khi nhập cuộc với đời sống, năng lực diễn đạt chưa tương xứng với bằng cấp. Bộ Giáo dục - Đào tạo không phải không biết điều này. Đã có nhiều cải tiến, điều chỉnh từ phương pháp dạy học, bổ sung, điều chỉnh sách giáo khoa cho phù hợp với thời đại, nâng cao chất lượng học của học sinh, trong đó có việc học văn. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa được như mong muốn. Vì sao vậy? Có nhiều nguyên nhân, ở đây, người viết chỉ xin bàn một nguyên nhân có tính nhận thức, quan niệm.
Dường như chúng ta chưa thông suốt, chưa quán triệt sâu sắc về tầm quan trọng của việc học văn là để học làm người, nên môn văn vẫn khu trú trong phạm vi giới hạn ngôn ngữ, noi theo cái hay, học theo cái đẹp trong sách vở. Chính vì thế, những kiến thức, kỹ năng cơ bản về văn đối với học sinh tốt nghiệp THPT vẫn chưa đủ cơ bản để đến với cuộc sống. Không phải học sinh nào cũng có điều kiện để học tiếp đại học. Rất nhiều học sinh tốt nghiệp trung học phải dấn thân vào đời. Tuổi 18 là tuổi đã trưởng thành, đã trở thành công dân chịu trách nhiệm về mọi hành vi, hoạt động của mình. Ở tuổi ấy, các em phải được trang bị những kiến thức cơ bản đời sống xã hội đương thời, về luật pháp, về các loại hình tư duy, trong đó tư duy logic có tầm quan trọng hàng đầu.
Sẽ vô cùng khó khăn một khi các em không hiểu được sự nối kết hợp lý, chặt chẽ ở các vấn đề khi bước vào đời.
Đành rằng những kiến thức cơ bản khác trong cuộc sống hiện tại như kiến thức về toán, tin học, địa lý, lịch sử, ngoại ngữ… rất cần thiết. Nhưng nếu không có khả năng kết nối, thể hiện thì những kiến thức đó cũng trở nên vô dụng. Việc học văn không phải chỉ dừng lại ở việc biết nhiều về văn học, viết văn cho hay. Học văn còn để học cách kết nối và thể hiện tất cả những kiến thức đã học được. Học văn chính là để hình thành những tư duy cần thiết trong cuộc sống! Do vậy, kiến thức và kỹ năng trong việc học văn rất cần được gắn bó chặt chẽ với đời sống hiện tại. Làm thế nào để các em khi học văn cũng chính là để khám phá chính mình, thể hiện mình trước cộng đồng xã hội. Học văn để biết mình, tự tin với chính mình.
Thiết nghĩ, đây là một vấn đề cần được lưu tâm, chú ý.
TRẦN VĂN