Báo SGGP ngày 21-11 đăng bài “Đừng xem nhẹ danh dự và lòng tự trọng”, phê phán việc tranh giành quà khuyến mãi và hôi của khi thấy người khác gặp tai nạn. Vừa có thêm một chuyện đáng xấu hổ như vậy nữa. Trưa 4-12, tại vòng xoay Tam Hiệp (phường Bình Đa, TP Biên Hòa, Đồng Nai) một xe tải chở bia bị lật nghiêng, hơn 1.000 thùng bia đổ xuống đường. Ngay sau đó, rất đông người đi đường và cư dân địa phương thi nhau cướp bia mặc sự van xin của phụ xe và tài xế.
Hành động này không còn xa lạ ở xứ ta. Còn nhớ, hồi giữa tháng 10 vừa qua tại TPHCM, một người đàn ông bị cướp 50 triệu đồng. Ông đã giằng co chống lại 4 tên cướp để không bị mất tiền, nhưng không thể chống lại một đám đông xông vào cướp tiền của ông bị rơi xuống đường. Hồi tháng 3, khi một xe chở dầu bị lật tại ngã ba Vũng Tàu (TP Biên Hòa, Đồng Nai), nhiều người đã tranh nhau cướp từng thùng dầu nhờn và nhiều người còn đem can, đem cả thùng phuy ra để đựng dầu, không màng tới sự an nguy của người bị tai nạn. Và còn nhiều vụ tương tự như thế, người ta lao vào hôi của khi có đám cháy nhà, khi có tai nạn giao thông xảy ra.
Có thể định danh đây là những vụ ăn cướp đúng hơn là hôi của. Họ cướp công khai, cướp tập thể, cướp mà không biết mình đang là kẻ cướp, vì ngụy biện cho rằng mình chỉ nhặt của rơi. Vì sao thấy người bị nạn không cứu giúp, không hỗ trợ giải quyết hậu quả, mà còn xúm nhau tranh giành tài sản trước sự bất lực của nạn nhân? Tình người ở đâu? Lương tâm ở đâu? Thật quá vô cảm! Hôi của là hành vi rất đáng xấu hổ, thiếu nhân cách. Mọi người vẫn hay kêu ca về nạn cướp bóc ngày càng lộng hành, nhưng khi tham gia hôi của thì chính mình cũng đã hành động như kẻ cướp, thậm chí còn tồi tệ hơn, vì cướp của những người đang bị nạn.
Từng gia đình cần phải chú trọng giáo dục con cái biết sống có trách nhiệm với cộng đồng, có nhân cách và lòng nhân ái. Và dư luận xã hội cần mạnh mẽ phê phán hành vi thiếu nhân cách, đồng thời quan tâm đề cao giá trị văn hóa ứng xử trong cộng đồng. Về luật pháp, theo quy định tại Điều 137 Bộ luật Hình sự, hành vi hôi của có thể cấu thành tội công nhiên chiếm đoạt tài sản. Theo đó, “người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng, hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”. Cần điều tra, đưa những kẻ hôi của ra xử lý pháp luật để răn đe những trường hợp tương tự. Thiết nghĩ, khi thấy xảy ra hành vi hôi của, ngoài việc gọi báo cho công an đến can thiệp, người đi đường nên dùng điện thoại ghi hình để giúp cơ quan điều tra truy bắt, xử lý pháp luật những kẻ công nhiên chiếm đoạt tài sản.
PHAN CHÚC